Nguồn tin: Tổng cục Thủy sản, 26/9/2018
Ngày cập nhật:
28/9/2018
Theo Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu mở rộng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 trên 2.874ha, sản lượng 12.188 tấn; trong đó, mục tiêu nâng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 620ha. Đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 762ha.
Ảnh minh họa
Trong những năm trở lại đây, phát huy thế mạnh là địa phương ven biển có tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, huyện Tiền Hải – tỉnh Thái Bình đã tập trung phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Từng bước thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
So với mô hình nuôi tôm truyền thống trong ao đất mô hình nuôi tôm công nghệ cao có quy mô lớn hơn, vốn đầu tư ban đầu nhiều hơn. Trong quá trình nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao đòi hỏi tuân thủ các quy trình khá nghiêm ngặt. Hệ thống ao nuôi, ao xử lý được đầu tư bài bản. Hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới, ao có lót bạt, có hố xi-phông... tuân thủ quy trình nuôi, tỷ lệ tôm chết rất thấp.
Một trong những người tiên phong trong đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tiền Hải là Anh Vũ Văn Hải, xã Nam Thịnh có quy mô khoảng 108ha, vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 tỷ đồng. Mô hình ứng dụng công nghệ cao của anh được xây dựng với quy mô khép kín, quy trình vận hành khá nghiêm ngặt, được quản lý theo chương trình “3 sạch”: tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch. Nuôi công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường nên tôm thu hoạch gần như là tôm sạch. Việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công trên 90%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống, đạt trên 30 tấn/ha. Với mô hình trên, anh Hải chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại anh xây dựng ao ương, ao lắng, ao xử lý nước... Nếu như với cách nuôi truyền thống trong ao đất, thường thả 70 con giống/m2 thì với tôm công nghệ cao thả đến 300 con/m2. Đặc biệt vùng nuôi tôm đều xây dựng ao ương để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Diện tích ao nuôi đều có hệ thống bạt ngăn chim và các động vật khác xâm nhập, ổn định nhiệt độ ao nuôi vào mùa đông. Điều này sẽ góp phần cho tôm khỏi mang mầm bệnh đốm trắng, bị hoại tử gan tụy khắc phục được tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Hải đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động.
Một hộ nuôi tôm công nghệ cao khác cũng ở huyện Tiền Hải là Anh Giang Văn Phú, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh. Trước đây, anh Phú theo nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất, gặp thất bại nhiều hơn thành công vì rủi ro dịch bệnh, khó kiểm soát chất lượng nguồn nước cũng như quá trình cho ăn trong quá trình nuôi. Sau khi đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở các tỉnh khác, đầu năm 2017, anh đã quyết định xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Theo đó, các ao nuôi của anh được sử dụng nhà lưới, lót bạt chuyên dụng đáy ao, máy vận hành xử lý nước... bảo đảm đúng quy trình cho từng giai đoạn nuôi tôm. Để cải tạo ao đầm và mua sắm máy móc áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao cần số vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ đồng/ha. Khi chuyển qua nuôi tôm công nghệ cao, anh Phú đã chủ động kiểm soát môi trường nuôi nên hạn chế được nhiều nguy cơ dịch bệnh cho con tôm. Mỗi lứa tôm nuôi trung bình trên 80 ngày, cộng với thời gian xử lý ao thì một năm anh Phú nuôi được 3 vụ tôm. Hiệu quả kinh tế bước đầu nuôi theo công nghệ cao đã mang lại cho gia đình anh Phú trên 500 triệu đồng/vụ…
Ngoài mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Hải, anh Phú còn có nhiều nông dân trong huyện đã và đang xây dựng theo mô hình này như ở Nam Cường, Đông Minh... Từ những kết quả thực tiễn cho thấy nuôi tôm công nghệ cao là mô hình có tính bền vững, mở ra một hướng đi hiệu quả, đầy triển vọng cho người nuôi tôm thâm canh trên địa bàn huyện. Để mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển bền vững, Tiền Hải sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, doanh nghiệp về hạ tầng, kỹ thuật thâm canh, vay vốn...
Theo Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu mở rộng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 trên 2.874ha, sản lượng 12.188 tấn; trong đó, mục tiêu nâng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 620ha. Đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 762ha, sản lượng toàn ngành nuôi tôm gần 14.700 tấn, giá trị đạt trên 1.146 tỷ đồng. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tiền Hải đã được nhân rộng sang Thái Thụy. Trong thời gian tới, mô hình nuôi tôm công nghệ cao sẽ được mở rộng phát triển tại tỉnh Thái Bình góp phần thực hiện thành công mục tiêu của “Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Văn Thọ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.