Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 2/10/2018
Ngày cập nhật:
3/10/2018
Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản vùng ven biển trên 3 nghìn ha, tỉnh Ninh Bình có nhu cầu rất lớn về con giống trong nuôi trồng nước mặn, lợ. Tuy nhiên, việc sản xuất giống của các cơ sở trên địa bàn những năm trước đây khá hạn chế. Khắc phục tình trạng này, với sự vào cuộc hỗ trợ của ngành chuyên môn, sự sáng tạo, nỗ lực của nông dân, đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất, di ương giống, từng bước chủ động nguồn giống tại chỗ, từ đó tăng hiệu quả trong nuôi trồng.
Kiểm tra chất lượng cua giống tại trại giống ở xóm 1, xã Kim Đông (Kim Sơn).
Cua xanh là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và rất thích hợp cho các vùng ngập triều, rừng ngập mặn; có thể nuôi kết hợp với tôm, cá theo phương thức quảng canh cải tiến do chúng có khả năng tăng trọng nhanh, dễ nuôi và thu hoạch trong thời gian ngắn. Tại các xã ven biển huyện Kim Sơn, cua biển là một trong những con nuôi thế mạnh, trọng điểm với diện tích nuôi thả cua hàng năm đạt gần 2.000ha, tương đương với khoảng 15 - 20 triệu con cua giống.
Những năm trước đây, toàn bộ nguồn giống cua xanh đều khai thác từ tự nhiên hoặc phải nhập từ các tỉnh miền trong về song lại đi kèm với những hạn chế như: Vận chuyển dài ngày, sức khỏe con giống yếu, thích nghi kém, tỷ lệ sống thấp, chi phí cao… Xuất phát từ nhu cầu thực tế của vùng nuôi, dần đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ có chất lượng tốt của người dân, một số trại sản xuất giống tại địa phương đã nhập công nghệ sản xuất giống cua xanh, bước đầu cho kết quả tốt.
Anh Phan Văn Thanh, xóm 1, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn – chủ một trong những trại giống đầu tiên ở địa phương sản xuất thành công con giống cua cho biết: Trại mua cua gạch đảm bảo chất lượng về rồi thực hiện giai đoạn nuôi vỗ. Thức ăn cho cua giống là cá, tôm và một số loài nhuyễn thể. Khi nào thấy yếm cua căng lên thì bơm nước tạo mưa để kích thích cua đẻ. Cua thường đẻ về đêm. Trứng cua được ấp, nở ra ấu trùng.
Sau đó, ấu trùng được chuyển sang bể ươm, trải qua 5 giai đoạn trong thời gian ấp sẽ chuyển thành cua bột và lột xác thành cua giống thương phẩm. Một con cua mẹ tốt có thể sinh ra khoảng 40 - 50 vạn con cua giống. Anh Thanh cho biết thêm, con giống sản xuất tại chỗ khỏe, thích nghi tốt với môi trường nuôi, khả năng tăng trọng nhanh hơn, vì vậy giống cua ở trại anh lúc nào cũng được người nuôi ưa chuộng, nhiều khi không đủ cung cấp.
Năm 2018, Trại được Chi cục Thủy sản lựa chọn tham gia dự án sản xuất giống cua xanh, được hỗ trợ thêm về kỹ thuật, cua mẹ, thức ăn, vật tư… nên số lượng, chất lượng con giống cua đều tăng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của bà con trong vùng.
Cùng với con cua thì tỉnh Ninh Bình cũng đang rất thành công trong sản xuất giống hàu và giống ngao. Chất đất ổn định, độ mặn thấp (chỉ từ 16 - 20 phần nghìn) nên Kim Sơn được ví như vùng đất vàng cho việc sản xuất 2 loại con giống này. Hiện nay trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở sản xuất giống ngao và hàu với lượng giống cung cấp ra thị trường hàng năm đạt gần 3,6 tỷ con, tổng giá trị đạt trên 40 tỷ đồng.
Ông Đinh Hữu Ước, một hộ sản xuất giống hàu ở xã Kim Trung cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, thức ăn được tận dụng từ thiên nhiên nên con giống sản xuất ra khỏe mạnh, sạch bệnh, tỷ lệ sống cao, sản xuất đến đâu, thương lái từ các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa về tận nơi mua đến đấy.
Về con tôm, hiện nay mỗi năm toàn tỉnh cần tới 140 - 160 triệu con giống tôm các loại. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên lâu nay chúng ta không sản xuất được giống tôm và toàn bộ đều phải nhập từ các tỉnh phía Nam ra như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận… Để tăng tỷ lệ sống của con giống, nhiều năm nay, người nuôi trồng thủy sản vùng ven biển tỉnh ta đã áp dụng phương pháp ương giống trong ao nhỏ trước khi thả bung ra nuôi thương phẩm.
Ông Phạm Văn Hinh, chủ một cơ sở ương giống thủy sản ở xã Kim Trung chia sẻ: Tôm giống khi mới nhập ở tỉnh ngoài về, qua quá trình vận chuyển đường xa, sức khỏe sẽ không tốt, hơn nữa môi trường nước giữa vùng sản xuất giống và vùng nuôi sẽ không hoàn toàn tương đồng. Do vậy di ương con giống là một trong những biện pháp quan trọng để tăng hiệu quả nuôi. Qua quá trình di ương 15 - 20 ngày, con giống sẽ vượt qua được giai đoạn sốc môi trường, thuần hóa được môi trường vùng nuôi, những con yếu, không đạt chất lượng sẽ được loại bỏ.
Thành công từ các mô hình sản xuất giống thủy sản nước mặn là tín hiệu vui đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sản xuất giống tại chỗ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu nuôi. Để khắc phục vấn đề này, đại diện Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Trên cơ sở những mô hình sản xuất con giống hiện có, ngành sẽ tổng kết và nhân rộng nhằm từng bước chủ động nguồn giống tốt, giá thành hạ cho vùng nuôi.
Đồng thời Chi cục cũng tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất, di ương giống thủy sản vùng mặn, lợ nghiên cứu nâng cao kỹ thuật chọn tạo, sản xuất giống, đẩy mạnh tiếp thu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống chất lượng cao. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở sản xuất giống hiện có và xây dựng mới một số trung tâm sản xuất giống theo quy hoạch phát triển ngành. Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng giống và dịch bệnh trong các khâu sản xuất, lưu thông và nhập khẩu giống về nuôi, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Bài, ảnh: Hà Phương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.