Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 05/10/2018
Ngày cập nhật:
6/10/2018
Người dân xã An Khánh (Đại Từ) chăm sóc cá giống.
Những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của nhiều hộ dân trong tỉnh Thái Nguyên đang có xu hướng ngày càng mở rộng, vì thế nhu cầu về mua con giống cũng tăng theo. Tuy nhiên, việc cung ứng nguồn giống thuỷ sản lại tồn tại một số khó khăn, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, chất lượng con giống chưa đảm bảo.
Phải nhập giống từ các tỉnh khác
Theo thống kê của Chi cục Thuỷ sản, tỉnh Thái Nguyên có hơn 19.000ha diện tích mặt nước có tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản (hồ chứa thuỷ lợi, sông suối, ao gia đình…). Trong những năm qua, ngành Thủy sản của tỉnh đang từng bước phát triển, diện tích nuôi trồng ngày càng tăng, đạt gần 6.000 ha vào tháng 6/2018 (tăng hơn 1.400 ha so với năm 2008); tổng sản lượng thuỷ sản năm 2017 đạt hơn 10,6 nghìn tấn (tăng hơn 6.000 nghìn tấn so với năm 2008). Chính vì thế, lượng giống thuỷ sản (chủ yếu là giống cá) cần cung cấp cho thị trường trong tỉnh cũng tăng nhanh, ước tính đạt hơn 70 triệu con giống vào năm 2018 (tăng gần 20 triệu con vào năm 2015). Nhưng 3 năm gần đây, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chỉ có khả năng cung ứng trên 80% lượng cá giống theo nhu cầu của khách hàng; còn lại, nhiều hộ gia đình phải nhập giống cá từ các tỉnh khác.
Anh Chu Huy Tuấn, Trại trưởng Trại Cá giống Cù Vân (Đại Từ) cho biết: Trại có 4ha mặt nước, nếu sản xuất quanh năm thì có khả năng cung cấp được trung bình hơn 10 triệu con cá giống/năm; nhưng hiện tại, Trại mới sản xuất được 8,2 triệu con cá giống/năm. Nhiều thời điểm, khách đến đặt mua nhưng không có cá giống bán, đặc biệt vào mùa Đông, khí hậu lạnh không thuận lợi cho sản xuất cá giống.
Sở dĩ những năm gần đây, nguồn cung cá giống không tăng là do việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, công nghệ sản xuất, thiết bị vật tư vẫn còn hạn chế, nên khả năng sản xuất cá giống số lượng lớn, phát triển nguồn giống đặc sản khá khó khăn.
Chất lượng giống không đảm bảo
Hình thức nuôi trồng thuỷ sản ngày càng cải tiến nên nhu cầu về những nguồn giống được lai tạo theo công nghệ hiện đại, có giá trị kinh tế cao luôn được quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng con giống tại thị trường trong tỉnh.
Ông Lưu Văn Hạnh, chủ cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu, xã Kỳ Phú (Đại Từ), chia sẻ: Trung bình mỗi năm, tôi nhập giống cá 2 lần, mỗi lần khoảng 3 vạn con các loại. Từ lúc bắt đầu làm mô hình cá lồng nuôi đến nay, tôi chủ yếu tin tưởng và nhập giống từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội). Nhiều lúc cũng muốn nhập nguồn giống ở trong tỉnh để giảm chi phí nhưng chưa tìm được địa chỉ nào sản xuất và cung ứng tin cậy.
Anh Vũ Văn Dũng, xã Tân Khánh (Phú Bình) cũng cho hay: Phần lớn các đại lý buôn cá giống đều nhập hàng từ nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, trong đó, đa số của những hộ nuôi cá giống nhỏ lẻ trong thôn, xóm. Vì thế, tôi khá lo lắng về khả năng sinh trưởng, an toàn dịch bệnh của cá giống tại các cơ sở đó.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, hiện nay, bên cạnh 22 trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản với quy mô lớn thì có hàng trăm hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang cung cấp tới 50% lượng giống trên thị trường mỗi năm. Trên thực tế, đa số các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đều mang tính tự phát nên các vấn đề, như dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi, vệ sinh môi trường bể… không được kiểm tra thường xuyên. Đơn vị quản lý trực tiếp là cấp xã lại không có cán bộ chuyên môn nên không nắm rõ được hiện trạng chăn nuôi, công tác môi trường, khả năng phát sinh dịch bệnh tại các cơ sở nuôi cá nhỏ lẻ…
Bên cạnh đó, đa số tại các hộ sản xuất nhỏ lẻ, người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo về chuyên môn nên kỹ thuật nuôi không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Theo đó, người dân chủ yếu tận dụng đất ruộng cải tiến thành các ao, hồ để thả cá giống nên độ sâu của mực nước và công tác vệ sinh môi trường không đạt tiêu chuẩn; kỹ thuật chăm sóc còn truyền thống, thức ăn cho cá thường tận dụng cả những chế phụ phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình đánh bắt, vận chuyển, người dân không nắm chắc kỹ thuật nên dễ khiến cá bị ngạt vì thiếu ô xy.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản: Ngành Thuỷ sản vẫn có quy mô nhỏ, đang trong thời gian phát triển nên công tác quản lý từ tỉnh đến các địa phương còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tập huấn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống; cung cấp kiến thức phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về khai thác nguồn lợi thuỷ sản cho các cơ sở sản xuất giống lớn và nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, ngành cũng mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị vật tư hiện đại cho các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trọng điểm hoặc có bề dày truyền thống.
Phan Trang
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.