Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 4/10/2018
Ngày cập nhật:
8/10/2018
Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhất là các đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3, số 4 vừa qua đã gây thiệt hại lớn đến nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, người dân NTTS hiện đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng nguồn nước ở các ao, đầm. Để bảo đảm các điều kiện cho khôi phục sản xuất NTTS, người dân trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương xử lý môi trường vùng nuôi, tu bổ lại diện tích ao đầm bị thiệt hại.
Người nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) gia cố ao đầm sau mưa lũ, khôi phục sản xuất.
Sau những đợt mưa lũ trên địa bàn huyện Tĩnh Gia bị ảnh hưởng gần 180 ha NTTS nước mặn, lợ, trong đó nhiều diện tích nuôi tôm, ngao bị thiệt hại với tỷ lệ từ 70% trở lên. Hiện UBND huyện Tĩnh Gia đã có các chỉ thị, hướng dẫn cụ thể để người dân NTTS khắc phục hậu quả, khẩn trương khôi phục sản xuất. Những diện tích bị mất trắng hoàn toàn ở các xã Thanh Thủy, Hải Châu... người nuôi đang tập trung thực hiện đúng các quy trình xử lý bằng hóa chất, thau rửa ao nuôi, khử khuẩn, phơi ao, tu bổ lại ao đầm. Đối với diện tích ngao chết, cán bộ kỹ thuật của huyện, xã... hướng dẫn người dân khắc phục môi trường ao nuôi, xử lý mầm bệnh, tiến hành nuôi thả lứa mới. Các diện tích có thể khắc phục được tập trung bổ sung thêm giống hoặc thay thế các đối tượng nuôi phù hợp.
Trong cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới (từ ngày 13-7 đến 22-7-2018) trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, đã làm 1.145 ha NTTS bị tràn, 121 ha NTTS bị mất hoàn toàn, 60 ha NTTS bị thiệt hại nặng từ 50% đến 70%... Hiện nay, người NTTS vẫn đang chủ động thực hiện các biện pháp khôi phục lại sản xuất. Đối với những ao, đầm bị sạt lở, tràn bờ không còn sản phẩm các hộ NTTS tập trung vệ sinh, gia cố bờ, cống ao nuôi, chủ động điều tiết nước, sau khi môi trường trong ao nuôi ổn định, điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ tái sản xuất. Thực hiện nuôi đúng mật độ, sử dụng thức ăn đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Những vùng NTTS thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt, khuyến cáo các hộ nuôi nên chọn đối tượng nuôi có thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh thu hoạch, phù hợp với điều kiện vùng nuôi. Các diện tích NTTS bị ảnh hưởng còn sản phẩm nuôi, tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, thường xuyên kiểm tra môi trường nước ao nuôi, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Tổ chức bón vôi và ổn định độ pH từ 7.5-8.5 trong ao nuôi, tiêu độc, khử trùng, định kỳ 10 đến 15 ngày bón vôi 1 lần. Ngoài ra, cần sử dụng các loại chế phẩm vi sinh tạo môi trường ổn định, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng; kích thích sự phát triển của động vật thủy sản. Tập trung thu hoạch tôm, cua, cá... đã đến cỡ thu hoạch, những vùng chưa đến cỡ thu hoạch tăng cường quản lý các chỉ tiêu môi trường, thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu độ mặn, pH, độ kiềm hàng ngày, nhất là sau cơn mưa để có các biện pháp kỹ thuật quản lý môi trường ao nuôi phù hợp, giữ độ mặn cho ao đầm nuôi. Ao nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua xanh... sử dụng vôi 500 – 700 kg/ha ổn định độ pH. Đối với lồng bè NTTS bị ảnh hưởng, tập trung tu sửa, khi nước sông, biển nằm trong ngưỡng cho phép thì thả lại cá giống. Che chắn lồng bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để tránh các đối tượng nuôi ra ngoài. Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước; treo túi vôi trước dòng chảy hoặc khu vực cho cá ăn để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Để tạo điều kiện cho các hộ NTTS sớm ổn định sản xuất, đề nghị các địa phương, các ngành liên quan của tỉnh sớm có biện pháp hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
Bài và ảnh: Lê Hợi
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.