Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 17/10/2018
Ngày cập nhật:
19/10/2018
Vùng đầm phá có nhiều loại thủy sản được xếp vào dạng đặc sản. Song, để các loại đặc sản này “vươn tầm”, trở thành sản phẩm đặc thù của Huế là không dễ.
“Không nơi nào như ở Huế”
Trong một lần tham quan đầm phá, anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ nhà hàng Đầm Chuồn hội quán (xã Phú An, huyện Phú Vang) bảo rằng, trong tour du lịch trải nghiệm đầm phá của anh, du khách có thể trải nghiệm đánh bắt các loại thủy sản đầm phá cùng người dân địa phương, sau đó có thể tự chế biến và thưởng thức. Mô hình này cũng được áp dụng tại một số địa phương khác như Phú Lộc, Quảng Điền…
Thu hoạch thủy sản vùng đầm phá
Theo anh Dũng, vùng đầm phá được thiên nhiên ban tặng nhiều loại đặc sản không nơi nào có được, như cá kình, cá nâu, cá dìa, cua… Các loại thủy sản đầm phá ở Thừa Thiên Huế có nét đặc trưng, chất lượng hơn hẳn so với những vùng miền khác.
Chị Lê Thị Hiền (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) hào hứng: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi và đặc sản nước lợ thì không nơi nào như Huế, được thiên nhiên ban tặng một vùng đầm phá rộng lớn với đa dạng các loại thủy sản. Trong số các loại thủy sản tôi thích nhất là cá ong bầu, mặc dù cá khá nhỏ nhưng thịt rất thơm ngon, không lẫn vào đâu”.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, vùng sinh thái đầm phá Tam Giang mang nét đặc thù. Tại Thừa Thiên Huế, các con sông ít phù sa, tảo; nước biển độ mặn thấp nên vùng giao thoa nước lợ rất đặc trưng. Chính điều này khiến các loại thủy sản có mùi vị khác biệt. Sự khác biệt đó tạo ra lợi thế phát triển kinh tế vùng đầm phá. Bên cạnh yếu tố kinh tế, đặc sản đầm phá đang góp phần hút khách du lịch đến tham quan.
Gỡ khó nguồn giống
Mặc dù các loại thủy sản vùng đầm phá đa dạng, có đặc thù nhưng thị trường tiêu thụ vẫn chỉ bó hẹp nội tỉnh, thậm chí khu biệt ở từng địa phương. Việc phát triển thành các sản phẩm đặc thù thông qua xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tập trung quy hoạch vùng sản xuất để tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cung ứng cho thị trường ngoại tỉnh gần như không có.
Du khách trải nghiệm với việc đánh bắt các loại đặc sản đầm phá
Anh Nguyễn Văn Lành, một người Huế sống ở Đà Nẵng chia sẻ: “Mỗi khi ra Huế, tôi thường mua tôm, cua, cá đầm phá vào cấp đông để dự trữ sử dụng. Mặc dù là đặc sản nhưng nếu không ở Huế khó lòng thưởng thức”.
Bà Phan Thị Thu Hồng thừa nhận: Thị trường tiêu thụ thủy sản đầm phá bó hẹp trong tỉnh, chỉ một số ít được chuyển đến các tỉnh, thành lân cận theo đường “xách tay”.
Nhìn chung các loại thủy sản bản địa đều được khai thác và nuôi trồng, song ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, để tạo ra các sản phẩm đặc thù vẫn gặp khó khăn vì các loại thủy sản này chỉ xuất hiện theo mùa và trong thời gian ngắn. Để tạo thành các sản phẩm theo dạng hàng hóa phải có số lượng lớn và thường xuyên, có phương thức đánh bắt, nuôi trồng hợp lý.
Theo bà Phan Thị Thu Hồng, khó khăn lớn nhất để tạo ra sản phẩm thủy sản đặc thù là việc không chủ động nguồn giống. Nếu dựa vào khai thác để tạo ra sản phẩm đặc thù là gần như không thể bởi sản lượng rất ít mà chủ yếu dựa vào nuôi trồng. Tuy nhiên, nguồn giống bản địa, tại chỗ đang dần ít đi và chưa thương mại hóa được nghề sản xuất giống với những con giống bản địa nên việc nuôi trồng gặp không ít rào cản. Các cơ sở nuôi trồng chủ yếu nhập giống từ các tỉnh, thành khác.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, trong các loại cá đầm phá có 3 loại được chọn sản xuất giống thí nghiệm là cá ong bầu, dìa, nâu. Trong số đó, cá dìa được chọn để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ dừng lại ở mức thành công theo dạng đề tài nghiên cứu, loại cá này vẫn chưa được thương mại hóa.
“Một thời, tôm sú là sản phẩm hàng hóa được xuất khẩu, trở thành sản phẩm đặc thù. Song, khi quá trình sản xuất giống bị thoái hóa, con tôm này dần mất chỗ đứng. Đến năm 2007, ngành sản xuất giống tôm thẻ chân trắng chiếm ưu thế, được tiêu thụ mạnh trên thị trường và xuất khẩu, trong khi nuôi tôm sú có tác dụng cân bằng sinh thái và có lợi về kinh tế khi nuôi xen ghép với cua, cá.
Với bất kỳ loại đặc sản đầm phá nào, nếu muốn xây dựng thương hiệu trước tiên phải xây dựng được quy trình sản xuất giống. Theo đó, phải có nguồn giống tự nhiên bổ sung vào nguồn giống bản địa, tạo môi trường sống thân thiện; ngoài ra áp dụng công nghệ để nâng cấp quy trình sản xuất giống. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Đại học Huế để nghiên cứu, tạo giống nhằm hướng đến sản phẩm thủy sản đặc thù”, bà Hồng nói.
Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái; ổn định diện tích nuôi hiện có, duy trì và phát triển hình thức nuôi xen ghép; tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển các mô hình, phương thức nuôi mới nhằm nâng hiệu quả trong nuôi trồng.
Bài, ảnh: Lê Thọ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.