Nguồn tin: Báo Phú Yên, 23/10/2018
Ngày cập nhật:
25/10/2018
Một số hộ đã dùng máy bơm để hút cát từ lòng sông Lễ Thịnh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) làm hồ nuôi tôm cao triều - Ảnh: ANH NGỌC
Thời gian qua, tại một số địa phương ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) diễn ra tình trạng người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm đất bãi bồi ven đầm Ô Loan, rừng phòng hộ để làm hồ nuôi tôm trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý nhưng chưa dứt điểm.
Nhiều trường hợp vi phạm
Theo UBND huyện Tuy An, sắp tới huyện sẽ chỉ đạo tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ một số hồ nuôi tôm lấn chiếm đất rừng phòng hộ, trước mắt sẽ cưỡng chế, tháo dỡ hồ nuôi tôm của 3 hộ gồm ông Vũ Ngọc Khoa, ông Đặng Văn Đệ và bà Nguyễn Thị Thùy Trang. Những hộ này đã có hành vi san ủi, lấn chiếm đất rừng phòng hộ; tự ý lấn chiếm, san ủi đất bãi bồi ven đầm Ô Loan để làm hồ nuôi tôm trái phép. Đối với những hộ vi phạm còn lại sẽ yêu cầu dừng thả tôm và tháo dỡ hiện trường trả lại mặt bằng, nếu không chấp hành sẽ có biện pháp mạnh.
Theo UBND huyện Tuy An, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra nên việc lấn chiếm di tích thắng cảnh đầm Ô Loan ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều trường hợp lấn chiếm mặt nước đầm để nuôi trồng thủy sản trái phép.
Chỉ sau một đêm, nhiều hồ nuôi thủy sản rộng hàng ngàn mét vuông hoàn thành do lấn chiếm. Các trường hợp này đã chuẩn bị sẵn sàng cọc nhọn và lưới mùng, chỉ cần đóng cọc và kéo lưới mùng bao quanh là hoàn thành xong một hồ nuôi thủy sản. Nếu chính quyền địa phương không phát hiện thì những bờ lưới và cọc sẽ được thay thế bằng bờ đá, bờ đất kiên cố.
Ông Huỳnh Văn Cư, người nuôi tôm ở đầm Ô Loan thuộc địa bàn xã An Cư, cho biết: Năm 1998, gia đình tôi được một người khác sang nhượng hồ nuôi tôm có diện tích khoảng 7.500m2 và được UBND huyện Tuy An cấp quyền sử dụng nuôi tôm từ đó đến nay.
Từ khi khởi công tuyến đường giao thông An Cư - An Hiệp - An Hòa đến nay, nhiều người dân đã lấn chiếm đầm Ô Loan để nuôi thủy sản, hiện phần lớn mặt nước đầm đã bị lấn chiếm… Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết, trên địa bàn xã hiện có 243 hồ nuôi thủy sản với diện tích 992.570m2 không có quyết định giao đất.
Theo UBND huyện Tuy An, đầm Ô Loan hiện có 752 hộ nuôi thủy sản với 1.039 hồ nuôi, tổng diện tích khoảng 415ha, trong đó có 65,7ha được cấp quyền sử dụng nhưng đến nay đã hết thời hạn. Trong khi các đơn vị liên quan và các địa phương ở huyện Tuy An đang nỗ lực xử lý tình trạng lấn chiếm đất nuôi trồng thủy sản tràn lan, thì mới đây người dân lại phản ánh một số trường hợp dùng máy hút cát lòng sông trái phép để nâng nền hồ tôm ở hai xã An Hải và An Ninh Đông.
Tại xã An Hải, đã kiểm tra và phát hiện một trường hợp, đó là ông Trần Kim Minh (ở TP Tuy Hòa) tự ý dùng thiết bị, hút cát trong đầm Ô Loan để làm hồ nuôi tôm cao triều trái phép. UBND xã đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Kim Minh với số tiền 4 triệu đồng.
Còn ở xã An Ninh Đông, tháng 3/2017, UBND xã An Ninh Đông đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh xử lý một trường hợp, đó là ông Nguyễn Tiến Sinh tự ý khai thác cát để làm hồ nuôi tôm cao triều trái phép và đã xử phạt vi phạm hành chính.
Đầu tháng 7/2018, UBND xã phát hiện ông Huỳnh Xuân Bảo có hành vi khai thác cát để làm hồ cao triều nên lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cuối tháng 7/2018, UBND xã An Ninh Đông phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh kiểm tra đột xuất và phát hiện ông Huỳnh Xuân Bảo tiếp tục có hành vi khai thác cát trái phép nên đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện, UBND xã đã thành lập tổ công tác thường xuyên tổ chức kiểm tra, khi phát hiện có trường hợp vi phạm hút cát dưới lòng sông để làm hồ nuôi tôm thì xử lý và ngăn chặn kịp thời. Xã đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ một số máy hút cát và phạt mỗi trường hợp 4 triệu đồng, các hộ này đã nộp phạt.
Tiếp tục xử lý nghiêm
Theo UBND xã An Ninh Đông, hiện địa phương có khoảng 112ha nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở khu vực đầm Ô Loan và gần cửa sông Lễ Thịnh. Trước đây, có 54 hồ nuôi tôm của 48 hộ lấn chiếm đất trái phép với diện tích gần 67.000m2 đã được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã An Ninh Đông đã xảy ra một vài trường hợp có nhu cầu chuyển từ nuôi tôm hồ chìm sang hồ nổi, dẫn đến tình trạng hút cát trái phép ở lòng sông Lễ Thịnh gây nhiều hệ lụy khó lường.
Ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, cho biết: Sở dĩ họ thay đổi phương pháp nuôi tôm và phải hút cát lòng sông để nâng nền là do nuôi hồ chìm tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, chịu ảnh hưởng trực tiếp mỗi khi mùa mưa lũ đến. Đây cũng là phương pháp được nhiều hộ nuôi tôm áp dụng hiện nay vì ít rủi ro, lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức nuôi này của người dân không xin phép chính quyền địa phương và một vài hộ đã lén lút làm vào các ngày nghỉ, ngày lễ, thậm chí vào ban đêm sử dụng máy bơm để hút cát trái phép từ lòng sông Lễ Thịnh. UBND xã An Ninh Đông đang phối hợp với Phòng TN-MT huyện để xử lý các trường hợp này.
Theo UBND huyện Tuy An, công tác quản lý, bảo vệ Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan của chính quyền các xã ven đầm và cơ quan chủ quản thuộc Sở VH-TT-DL hầu như buông lỏng. Các ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra, xử lý nên tình hình vi phạm không những không giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đến nay, số diện tích lấn chiếm nuôi trồng thủy sản tăng hơn so với năm 2002 khoảng 43ha. Khó khăn nhất hiện nay đối với các trường hợp lấn chiếm này là khung xử phạt rất cao, cao hơn 30 triệu đồng (thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh) nên UBND xã và huyện gặp khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để tháo dỡ công trình.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho hay: Đối với số diện tích hồ nuôi tôm đã có quyết định giao đất của UBND huyện nhưng đến nay đã hết thời hạn, UBND huyện Tuy An thống nhất không tiếp tục gia hạn. Việc tồn tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trong đầm Ô Loan sẽ thực hiện và xử lý theo quy hoạch của tỉnh…
Đối với việc khai thác cát trái phép để nâng nền hồ nuôi tôm, địa phương phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh kiểm tra xử phạt nghiêm minh. Các hoạt động mua bán đất, bơm hút cát, lấn chiếm rừng phòng hộ để nuôi tôm là hoàn toàn trái phép, nhưng chính quyền địa phương hai xã An Ninh Đông và An Hải xử lý chưa dứt điểm. Huyện đã chỉ đạo mỗi xã thành lập một tổ công tác để tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn những hành vi nói trên.
ANH NGỌC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.