Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 02/01/2018
Ngày cập nhật:
3/1/2018
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn, tình hình thời tiết những tháng đầu năm 2018 diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi cho vật nuôi, đặc biệt là các loại thủy sản. Phòng NN & PTNT huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các phương án chống rét, dịch bệnh đối với thủy sản cho các hộ dân nuôi thủy sản, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra
Năm 2017, huyện Yên Lạc có tổng diện tích nuôi thủy sản là 1.460 ha (tăng 0,6% so với cùng kỳ). Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, mưa kéo dài thời gian gần đây, để chủ động phòng, chống rét, bệnh dịch cho thủy sản, Phòng NN & PTNT huyện cùng với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập nhiều đoàn kiểm tra, phối hợp với trạm thú y huyện, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp cụ thể, thiết thực trong việc phòng chống rét cho thủy sản.
Theo cán bộ chuyên môn, phòng, chống rét cho thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn so với phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm hay cây trồng bởi hiện nay, các phương tiện chuyên dụng trong phòng chống rét cho thủy sản của người dân còn hạn chế; ngoài ra, cá (loại thủy sản chủ lực của người dân địa phương) là loại động vật “biến nhiệt” (thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường), do đó, thời tiết rét ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cá.
Gia đình ông Trương Văn Thông, xã Yên Phương (Yên Lạc) thường xuyên bổ sung thêm dinh dưỡng, tăng cường khả năng chống rét cho đàn cá. Ảnh: Kim Ly
Ngay từ đầu mùa Đông, các hộ dân nuôi thủy sản trên địa bàn huyện, theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn đã chủ động cải thiện môi trường trong ao nuôi thủy sản bằng các biện pháp: Nạo vét để duy trì mực nước ở độ sâu 1,5 – 2m để lấy nhiệt từ lòng đất, giữ ấm nước trong ao (phòng thời tiết xuống dưới 12 độ C có thể đào một hố trong ao sâu từ 2,5 – 3m, rộng từ 2 – 3m2 để cá trút xuống tránh rét); che phủ bề mặt ao bằng bạt, nilon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí tăng khả năng giữ nhiệt, khi trời nắng có thể tận dụng năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao; thả bèo tây lên khoảng ½ diện tích mặt ao; thả sọt tránh rét cho cá ở các góc phía Bắc của ao nuôi, sử dụng các sọt đan bằng tre, nứa, búi rơm để tạo giá thể cho cá trú ẩn tránh rét;…
Phòng NN & PTNT huyện Yên Lạc hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn trong quá trình chăm sóc thủy sản, đặc biệt là thủy sản đang trong giai đoạn phát triển, chưa đạt kích cỡ làm thương phẩm, đàn cá bố mẹ, đàn cá giống vào mùa rét, cần lưu ý: Sử dụng vôi bột và thuốc men vi sinh rắc xuống ao, liều lượng phù hợp với diện tích ao và số lượng thủy sản để làm sạch ao, diệt nấm thủy mi, tăng sức đề kháng cho cá; cho thủy sản ăn đủ thức ăn tinh, thức ăn chế biến sẵn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, cần bổ sung Vitamin C cho cá.
Đặc biệt, khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C thì ngừng cho cá ăn; trong thời gian giá rét tuyệt đối không kéo lưới, không thu hoạch đánh tỉa để tránh cho cá bị xây sát… Ngoài ra, các hộ dân nuôi thủy sản cần thường xuyên theo dõi chất lượng nước, tuyệt đối không đưa phân hữu cơ chưa qua xử lý, phân vô cơ xuống ao, giữ cho nước sạch để phòng dịch bệnh cho cá; bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cầu kỹ thuật; kiểm tra ao nuôi theo định kỳ, quan sát các hiện tượng bất thường của cá để có những xử lý kịp thời.
Theo giới thiệu của Phòng NN & PTNT huyện Yên Lạc, chúng tôi đến gia đình ông Trương Văn Thông ở thôn Dân Trù, xã Yên Phương (huyện Yên Lạc), là một trong những hộ nuôi thủy sản với quy mô lớn của xã theo tiêu chuẩn VietGAP. Được biết, diện tích nuôi thủy sản của gia đình ông Thông là 5 ha, nuôi các loại cá: Rô phi, chép lai, trắm cỏ… cho thu lãi 200 – 300 triệu mỗi năm. Khi được hỏi về những biện pháp chống rét cho cá, ông chia sẻ: “Ngay từ khi làm ao nuôi thủy sản, tôi đã thiết kế làm ao có độ dốc, tạo vùng nông, vùng sâu để mùa hè cá có thể bơi lên, mùa đông có thể lặn xuống để tránh rét. Tôi thường xuyên vệ sinh ao và rải men vi sinh 1 tháng/1 lần để kháng nấm cho cá, nhất là loại Rô phi chép lai hay bị nấm vào mùa đông. Về chế độ ăn cho thủy sản mùa lạnh, theo kiến thức về nuôi thủy sản, vào mùa Đông cá phát triển chậm nên chủ yếu vào mùa này tôi chỉ “giữ cho con cá qua Đông” chứ không kích thích sinh trưởng; cho cá ăn thức ăn có độ đạm cao để cá tích mỡ qua Đông, bổ sung Vitamin C, tăng sức đề kháng…”
Hoàng Sơn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.