Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 09/11/2018
Ngày cập nhật:
12/11/2018
Mới đây, Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn tôm Việt với chủ đề “Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm nước lợ”. Các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, ngành chức năng và người nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp giảm giá thành và tăng lợi nhuận từ con tôm.
Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt Úc - Bạc Liêu.
Thực trạng khó khăn
Mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 là giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD, định hướng phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm. Đối với tôm nuôi nước lợ, thâm canh - bán thâm canh, các địa phương cần đầu tư xây dựng hệ thống điện 3 pha; nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đặc biệt là khu vực nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL.
Nông dân tham quan thiết bị năng lượng mặt trời sử dụng tiết kiệm điện. Ảnh: M.Đ
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là giá thành nuôi tôm của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh cũng như sự phát triển bền vững của ngành tôm.
Theo Tiến sĩ Võ Nam Sơn, chuyên gia nuôi trồng thủy sản: “Thách thức lớn nhất của ngành tôm nước ta hiện nay là giá thành sản phẩm đầu vào quá cao, vì vậy sau khi thu hoạch, người nuôi không có lãi. Do đó, chiến lược về sử dụng điện hiệu quả trong nuôi tôm cần được đưa ra. Nếu giảm giá thành tiêu thụ điện năng thì hiệu quả của mô hình tiết kiệm năng lượng trong nuôi tôm sẽ được thúc đẩy, giúp người nuôi có lợi nhuận cao.
Song, theo ông Tăng Văn Sua, Hợp tác xã Hòa Mỹ (tỉnh Sóc Trăng): “Hiện nay, trong khi giá tôm giảm mạnh nhưng giá vật tư, thức ăn thủy sản và giá điện sinh hoạt vẫn ở mức cao. Điều đó khiến cho người nuôi bất an. Mong các chuyên gia, cơ quan chức năng tìm hướng giải quyết việc giảm giá thành đầu vào, tăng giá trị đầu ra cho con tôm”.
Tiết kiệm điện năng
Các chuyên gia Khoa Thủy sản - Trường đại học Cần Thơ ước tính, năng lượng chiếm khoảng 10% chi phí đầu tư cho vụ nuôi tôm (khoảng 50 - 200 triệu đồng tiền điện/ha/vụ). Còn qua khảo sát tại 3 tỉnh có sản lượng tôm lớn nhất trong khu vực là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, ngành Điện lực đánh giá có tới 68 - 75% hộ nuôi tôm vẫn sử dụng các biện pháp hiệu suất thấp, chưa tiết kiệm điện.
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay trang thiết bị sử dụng điện của người nuôi tôm chưa đồng bộ, người nuôi chưa có kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sử dụng điện 3 pha. Vì thế cần tập huấn cho nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn thực hiện tiết kiệm điện. Các địa phương nên quy hoạch các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung từng cụm để có thể xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện.
Phương án tối ưu sử dụng điện trong nuôi tôm là sử dụng đồng bộ các trang thiết bị và kỹ thuật vận hành máy móc trong nuôi tôm, giảm tối đa việc sử dụng động cơ diesel bằng việc thay thế máy phát điện dự phòng và các trang thiết bị tự động, tiết kiệm và an toàn. Các mô hình hiệu quả tiết kiệm điện, như sử dụng máy sục khí ô-xy, thay thế con lăn cho gối đỡ chữ U. Các mô hình này tiết kiệm năng lượng từ 7,56 - 17%...
Ông Nguyễn Phương Duy, đại diện Tổ chức WWF Việt Nam đưa ra đề xuất: Để giảm giá thành sản xuất, các hộ nuôi tôm cần tham khảo, áp dụng hệ thống phổ biến, đó là sục khí ô-xy trong ao nuôi tôm với những dàn quạt, hệ thống sục khí và ô-xy đáy. Các thiết bị trên sẽ giúp tiết kiệm đến 57% năng lượng tiêu thụ, từ đó giúp hạ giá thành sản xuất, giúp người nuôi tôm tăng thêm lợi nhuận.
Các giải pháp đồng bộ
Thức ăn chiếm 60 - 70% giá thành sản phẩm tôm nuôi, vì vậy, để giảm giá thành sản phẩm trong nuôi tôm cần phải giảm chi phí thức ăn.
Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đánh giá: “Giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 10 - 20%. Để giải quyết vấn đề này cần có những giải pháp đồng bộ trong giảm giá thành nuôi tôm từ khâu tiết kiệm năng lượng đến khâu giảm thức ăn, con giống, hình thành chuỗi sản xuất để lấy thức ăn trực tiếp tại nhà máy, công ty với số lượng lớn, từ đó sẽ giảm rất nhiều chi phí…”.
Bên cạnh đó, việc giám sát cho tôm ăn, tránh cho tôm ăn thừa cũng góp phần giảm chi phí. Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm đã áp dụng phương pháp quản lý sàng ăn để giảm tối đa chi phí thức ăn trong nuôi tôm.
Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: “Trong giải pháp hạ giá thành, người nuôi không nên trông chờ vào Nhà nước. Song, các nhà khoa học, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương phải tiếp cận những cơ chế, chính sách đã có để giúp người nuôi tôm giảm giá thành. Trước mắt, giảm chi phí thức ăn là một vấn đề quan trọng. Chi phí thức ăn phải giảm xuống còn 30 - 40% trong giá thành thì con tôm Việt mới nâng được khả năng cạnh tranh”.
Để giảm giá thành trong nuôi tôm, người nuôi cần kết nối với nhau để tiếp cận với mục tiêu đầu vào, nguồn giống, thức ăn và phương pháp nuôi, liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Người nuôi cần áp dụng khoa học - kỹ thuật trong nuôi tôm, đồng thời thay đổi các thiết bị hiện đại hơn để hạn chế tiêu thụ điện năng trong sản xuất, góp phần gia tăng lợi nhuận.
Minh Đạt
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.