Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 18/11/2018
Ngày cập nhật:
19/11/2018
Công nghệ cao giúp gia tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp là điều đã được minh chứng rõ ràng qua các mô hình sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, do chi phí đầu tư lớn nên cơ hội để nông dân áp dụng loại hình sản xuất tiên tiến này gặp rất nhiều khó khăn.
Hiệu quả
Ông Võ Ngọc Diệp, Chủ nhiệm tổ hợp tác (HTX) sản xuất thanh long ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, cho biết: Thông qua việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời do Công ty Mono Energy của Úc tài trợ 100% vốn đầu tư cách đây gần 10 năm, hiệu quả sản xuất của mô hình thay đổi rõ nét ngay sau đầu tư so với phương thức sản xuất truyền thống.
Nông nghiệp công nghệ cao giúp đem lại kết quả sản xuất tốt, nhưng đây là "cuộc chơi khó" đối với nông dân (Trong ảnh là ông Võ Ngọc Diệp bên hệ thống máy bơm bằng năng lượng mặt trời của mình).
Theo ông Diệp, nhờ áp dụng tưới nhỏ giọt đến từng gốc thanh long, cho nên, lượng nước sử dụng đã giảm đi khoảng 50% so với tưới bằng máy bơm truyền thống, phù hợp với những vùng đất sản xuất gặp khó khăn về nước tưới. Trong khi đó, lượng phân bón sử dụng giảm khoảng 30% vì có thể hòa lẫn phân bón vào nước tưới, giúp cây trồng hấp thu trực tiếp, không bị bốc hơi khi gặp điều kiện nắng nóng như cách bón truyền thống. Chính việc dinh dưỡng được cây thanh long sử dụng hiệu quả nên năng suất ước tính tăng khoảng 30% so với cách sản xuất truyền thống trước đó. "Không dừng lại ở đó, khi sử dụng công nghệ này tôi cũng tiết kiệm được hàng triệu đồng tiền điện do hệ thống máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời và cũng không phải tốn tiền thuê nhân công" - ông Diệp cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam, đơn vị có tham vọng trở thành tập đoàn sản xuất lúa gạo không sở hữu thửa ruộng nào, đang triển khai mô hình sản xuất lúa áp dụng công nghệ cao tại tỉnh Đồng Tháp và một số địa phương khác ở ĐBSCL cho biết, hai năm qua, đơn vị này đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ để canh tác lúa như sản xuất phân bón thông minh; đưa máy cấy, vùi phân và phun vi sinh 3 trong 1 vào sản xuất lúa hay phao quan trắc môi trường dựa trên nền tảng kết nối Internet... và đã đạt được những kết quả khả quan.
Tại tỉnh Bạc Liêu, địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm ở ĐBSCL, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Sau nhiều năm ngành tôm gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khi địa phương chuyển mạnh sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính đã gặt hái được nhiều kết quả, mà cụ thể là tỷ lệ nuôi tôm thành công trong các mô hình ứng dụng công nghệ cao có thể lên đến 80-85%, trong khi tỷ lệ này ở bên ngoài chỉ đạt 25-30%.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, cũng là hộ nông dân nuôi tôm được Tập đoàn Việt-Úc hỗ trợ triển khai hai ao nuôi công nghệ cao trong nhà kính, quy mô 100 m2/ao cho biết, qua bốn vụ nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao tất cả đều thành công, dù không hoàn toàn đạt mức 1 tấn/100m2, tức tương đương 100 tấn/ha như tuyên bố của đơn vị hỗ trợ là Tập đoàn Việt- Úc. Theo ông Nhiệm, vụ đầu tiên thả nuôi mật số 400 con/m2, kết quả thu hoạch đạt 1,6 tấn, tương đương 800 kg/ao 100 m2; vụ thứ hai, ông thả nuôi mật số 500 con/m2, thu được 2 tấn, tương đương 1 tấn/ao 100m2; vụ thứ ba và tư, ao nuôi trong mô hình công nghệ cao của ông tiếp tục thu được 1,7 và 1,6 tấn.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt- Úc, đơn vị dẫn đầu về mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu thông tin, tỷ lệ thành công mô hình của đơn vị này hiện đạt khoảng trên 80%, trong khi tỷ lệ nuôi thành công của mô hình truyền thống bên ngoài chỉ đạt khoảng 25-30%. Từ kết quả như nêu trên có thể khẳng định, nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi mới, đưa ngành tôm địa phương nói riêng và ĐBSCL nói chung phát triển, giúp thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt 10 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2025.
"Cuộc chơi khó" cho nông dân
Sau thành công từ mô hình tưới nhỏ giọt cho vườn thanh long dưới sự hỗ trợ của Công ty Mono Energy (Úc), ông Diệp có "tham vọng" tiến tới áp dụng công nghệ xông đèn cho thanh long bằng năng lượng mặt trời. Thế nhưng, "giấc mộng" đó cho đến nay vẫn chưa thể hiện thực hóa. Theo lý giải của ông Diệp, muốn đầu tư công nghệ cao, số vốn bỏ ra rất lớn, trong khi khả năng tài chính của người nông dân lại có giới hạn. "Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, cách đây khoảng 10 năm, nếu không được tài trợ, số vốn đầu tư cho một thiết bị như vậy đã lên đến khoảng 100 triệu đồng" - ông dẫn chứng.
Trong khi đó, kế hoạch triển khai đầu tư mô hình nêu trên để trình diễn tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang của Công ty Mono Energy (Úc) nhằm tiến tới thương mại hóa đến nông dân cũng "thất bại". Bởi, theo ông Diệp, cho đến nay, hoàn toàn không có một mô hình mới nào được nhân rộng tại địa phương.
Với mô hình ứng dụng công nghệ cao cho tôm, ông Phùng Quốc Điền, Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam, đơn vị cung cấp giải pháp phát triển hạ tầng phục vụ cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt- Úc cho biết, chi phí đầu tư cho mỗi m2 cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao khoảng 500.000 đồng, đó là chưa bao gồm chi phí đất, đào ao, bạt lót ao…, khoảng 100.000 đồng/m2. Như vậy, với một ao nuôi tôm công nghệ cao diện tích 1.000m2, tổng chi phí đầu tư khoảng 600 triệu đồng, tương đương mức đầu tư cho mỗi héc-ta khoảng đến 6 tỉ đồng. Điều này, theo lời của ông Nhiệm, sẽ là một "rào cản" rất lớn, người nông dân rất khó để tiếp cận được hướng đầu tư sản xuất mới này.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thừa nhận, trong số khoảng 100 mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương, chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết với nông dân đầu tư để trình diễn. "Với những hộ gặp khó khăn về tài chính, thì rất khó tiếp cận được mô hình nuôi này, bởi tài sản họ đã thế chấp, trong khi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ kinh doanh tiền tệ, cũng phải chịu trách nhiệm dòng tiền của mình nên khoảng cách của người cần tiền nuôi tôm công nghệ cao với ngân hàng còn rất xa" - ông Dương Thành Trung giải thích.
Trước "điểm nghẽn" này, ông Dương Thành Trung gợi ý để mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao lan tỏa có thể bắt đầu từ doanh nghiệp, tức có thể doanh nghiệp đứng ra vay vốn từ ngân hàng, sau đó, từ nguồn này hỗ trợ trực tiếp cho người dân đầu tư hạ tầng với tư cách đây là vùng nuôi của doanh nghiệp và họ sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đứng ở góc độ người nông dân, ông Võ Hồng Ngoãn, ngụ tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, người được mệnh danh "vua tôm" nói rằng hướng đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu là hướng đi đúng. Theo ông Võ Hồng Ngoãn, nếu doanh nghiệp chế biến, các tập đoàn giống, thức ăn cùng vào cuộc, bắt tay liên kết với nông dân theo chủ trương đề xuất của tỉnh Bạc Liêu, nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, chẳng những giúp nông dân có vốn đầu tư, mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị quản lý chuyên ngành vì sản phẩm không phải qua các trung gian. "Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp chỉ chọn một vài hộ điển hình, cho vay ưu đãi, còn công ty giống, thì cũng chỉ giảm 30% giá con giống, chứ họ không chịu đứng ra vay rồi đầu tư cho nông dân" - ông cho biết và giải thích do nghề nuôi tôm có nhiều rủi ro nên doanh nghiệp nào cũng sợ.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.