Nguồn tin: Báo Phú Yên, 22/11/2018
Ngày cập nhật:
24/11/2018
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đi khảo sát thực tế tình hình nuôi thủy sản tại Vũng Rô (huyện Đông Hòa) - Ảnh: ANH NGỌC
Tình trạng lấn chiếm đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản trái phép đang diễn ra ở nhiều vùng nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm. Công tác quản lý của địa phương có sự buông lỏng, nên phát sinh nhiều lồng bè dẫn đến phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ở các vùng nuôi. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp xử lý những tồn tại và sớm quy hoạch chi tiết các vùng nuôi…
Còn nhiều tồn tại
Theo UBND tỉnh, thực trạng các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được quản lý chặt chẽ, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đây là một trong những nguyên nhân phát sinh dịch bệnh thời gian qua. Công tác quản lý vùng nuôi hiện nay của các địa phương cũng bộc lộ một số tồn tại, yếu kém nên số lượng lồng bè nuôi thủy sản tăng đột biến, không kiểm soát được.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Trên địa bàn thị xã có hơn 82.300 lồng nuôi thủy sản; trong đó tôm hùm ương khoảng 26.140 lồng, tôm hùm nuôi thương phẩm khoảng 54.000 lồng và hơn 2.180 lồng nuôi cá biển. Đến nay, TX Sông Cầu chưa có giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát số lượng lồng nuôi gia tăng, dẫn đến tình trạng thả nuôi thủy sản tràn lan không theo quy hoạch.
Nguyên nhân là chưa có chế tài quy định về xử lý đóng mới lồng bè, lượng con giống tôm hùm nhập về địa phương quá nhiều và rất rẻ (giá chỉ từ 18.000-20.000 đồng/con). Mặt khác, công tác kiểm tra, xử lý của các đơn vị chức năng và địa phương chưa thường xuyên, chưa có biện pháp xử lý triệt để…
Còn ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: Tại khu vực Vũng Rô không quy hoạch nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên tỉnh có quy hoạch tạm thời khoảng 100ha mặt nước để sắp xếp khoảng 3.380 lồng nuôi của người dân nuôi ở khu vực này trước năm 2005 (trước khi quy hoạch Vũng Rô là cảng biển tổng hợp).
Địa phương đã tiến hành đặt các cột mốc, thả phao nổi cố định, xác định mốc chỉ giới và sắp xếp cho khoảng 130 hộ nuôi. Tuy nhiên, sau cơn bão số 12 năm 2017, một số bè nuôi bị trôi dạt ra khỏi khu vực nhưng đến nay người dân chưa chịu kéo lồng bè vào khu quy hoạch tạm thời.
Hơn nữa, do giá con giống tôm hùm quá rẻ nên phát sinh lồng bè nuôi mới và đến nay có khoảng 250 hộ nuôi với khoảng 7.220 lồng. Hiện nay, tại Vũng Rô còn có tình trạng cải hoán bè nuôi thủy sản thành bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống và hiện có 18 bè và 31 phương tiện tàu thuyền đưa đón khách…
Ở huyện Tuy An, mặc dù số lượng lồng bè nuôi thủy sản mặt nước biển trên địa bàn huyện không nhiều so với quy hoạch, nhưng có tình trạng nuôi ngoài vùng quy hoạch như nuôi ở khu vực gành Đá Đĩa.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Hiện nay, tại khu vực đầm Ô Loan có gần 415ha nuôi thủy sản ao đìa, trong đó có 65,7ha được cấp phép nhưng đến nay đã hết thời hạn, còn lại khoảng 343ha mặt nước ven đầm bị lấn chiếm để làm hồ nuôi tôm trái phép.
Đối với số diện tích có quyết định giao đất của UBND huyện Tuy An nhưng đến nay đã hết thời hạn sử dụng thì UBND huyện có chủ trương không tiếp tục gia hạn. Đối với những tồn tại về nuôi trồng thủy sản ở đầm Ô Loan, UBND huyện Tuy An đang tiến hành rà soát và sẽ sắp xếp theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt.
Sớm có quy hoạch chi tiết
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thì trên địa bàn tỉnh có 1.650ha nuôi trồng thủy sản lồng bè, trong đó ở huyện Tuy An là 650ha với khoảng 16.100 lồng, TX Sông Cầu là 1.000ha với khoảng 32.900 lồng…
Mặc dù UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý nhưng đến nay môi trường nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, số lượng lồng bè tăng đột biến như ở TX Sông Cầu tăng hơn 2,5 lần, vùng nuôi tạm thời ở Vũng Rô (huyện Đông Hòa) tăng hơn 2 lần so với quy hoạch. Về công tác quy hoạch, hiện nay huyện Tuy An đang triển khai quy hoạch chi tiết vùng nuôi hàu, sò huyết đầm Ô Loan, riêng quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển của 650ha thì địa phương này đưa vào kế hoạch thực hiện trong 2 năm 2019-2020.
Đối với huyện Đông Hòa, đã quy hoạch xong chi tiết khu vực sản xuất giống thủy sản tại thị trấn Hòa Hiệp Trung với diện tích 9ha và vùng nuôi trồng thủy sản sông Ngọn với diện tích 49,5ha. Ở TX Sông Cầu, đối với vùng nuôi vịnh Xuân Đài, Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND TX Sông Cầu thực hiện lập quy hoạch chi tiết, hiện đã hoàn thành các bước lập hồ sơ. Việc lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè ở đầm Cù Mông và các vùng nuôi thủy sản ao hồ ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải thì UBND TX Sông Cầu đưa vào kế hoạch thực hiện trong 2 năm 2019-2020.
Theo UBND tỉnh, hầu hết các vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh chưa lập quy hoạch chi tiết nên chưa thể giao, cho thuê mặt nước được. Công tác quản lý vùng nuôi ở các địa phương trong thời gian dài có sự buông lỏng nên việc phát sinh lồng bè, lấn chiếm đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản trái phép diễn biến khá phức tạp.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các địa phương chưa chặt chẽ nên đã phát sinh nhiều tồn tại, kéo dài nhiều năm, chưa xử lý dứt điểm và còn đùn đẩy trách nhiệm. Mặt khác, ý thức của người nuôi trồng thủy sản và các hộ dân ở gần các vùng nuôi chưa tự giác bảo vệ môi trường nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương chưa tốt và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm nên nhiều tồn tại kéo dài chưa thể xử lý dứt điểm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Nhằm giảm mật độ lồng nuôi, sắp xếp, kiểm soát lồng bè, xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp mà tỉnh đã chỉ đạo.
UBND tỉnh đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) và vùng nuôi Long Thạnh (TX Sông Cầu). Tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các viện, trường tổ chức nghiên cứu, sản xuất lồng nuôi thủy sản bằng nhựa HDPE chống chịu được sóng gió để tỉnh triển khai phương án nuôi biển cách bờ khoảng 6 hải lý, đồng thời nghiên cứu và sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm, chuyển giao các mô hình nuôi biển tiên tiến.
UBND tỉnh thống nhất chủ trương nghiên cứu và bổ sung quy hoạch khoảng 1.000ha mặt nước vùng biển hở để nuôi thủy sản lồng bè, nhằm giảm áp lực cho các vùng nuôi ven bờ nên kiến nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua. UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch 7ha trong Khu kinh tế Nam Phú Yên sang mục đích nuôi trồng thủy sản để thực hiện quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao, nếu khó khăn thì điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt.
ANH NGỌC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.