• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy, Quảng Bình): Tiếp sức cho nghề nuôi cá lóc trên cát

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 23/11/2018
Ngày cập nhật: 25/11/2018

Đối mặt với nhiều khó khăn do sự cố môi trường biển, dịch bệnh, giá cả thị trường lên xuống thất thường..., nhưng các hộ gia đình nuôi cá lóc trên cát ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) vẫn kiên trì duy trì và phát triển nghề. Giờ đây, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, đầu ra tương đối ổn định.

Là địa phương thuộc vùng biển bãi ngang, từ bao đời nay, người dân xã Ngư Thủy Bắc, hầu hết chỉ dùng thuyền, bơ nan có công suất nhỏ để thực hiện việc đánh bắt hải sản gần bờ. Thuyền nhỏ, hải sản ngày càng khan hiếm... khiến thu nhập của người dân tương đối thấp, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao. Chính nhờ nghề nuôi cá lóc trên cát, nhiều ngư dân của địa phương đã nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Có thể nói, đây là thành công lớn nhất của xã Ngư Thủy Bắc khi chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho ngư dân vùng biển. Nghề nuôi cá lóc nơi đây có khá nhiều điều kiện thuận lợi, như: nguồn nước trong cát dồi dào; chi phí để đào một hồ cá thấp hơn nhiều so với những địa phương khác do địa hình ở đây toàn cát; cá lóc là loài ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn “phế phẩm” của nghề biển (cá vụn, cá nhỏ...).

Tuy nhiên, cũng như các sản phẩm khác, do nông dân sản xuất ồ ạt, nên thường xuyên bị thương lái ép giá, đầu ra hạn hẹp, hiệu quả kinh tế không được như mong muốn. Nhiều người dân lao đao vì cá không bán được.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân xã Ngư Thủy Bắc vẫn duy trì và phát triển nghề nuôi cá lóc trên cát.

Đặc biệt, năm 2016, sau sự cố môi trường biển, ngư dân không ra khơi đánh bắt nên nguồn thức ăn cho cá khan hiếm, một số hộ nuôi phải bỏ hồ, những hộ còn lại chuyển qua nuôi bằng thức ăn công nghiệp để duy trì.

Từ năm 2012-2015, địa phương có gần 500 hộ nuôi cá lóc trên cát, nhưng đến năm 2016, toàn xã chỉ còn 70-80 hộ duy trì. Nhiều người dân vì thiếu vốn nên chuyển sang một số ngành nghề mới, như: thợ nề, xuất khẩu lao động, vào miền Nam làm công nhân…

Để người dân nhanh chóng quay lại nghề nuôi cá lóc trên cát, chính quyền địa phương đến tận nơi vận động bà con khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực để tận dụng lại hồ nuôi.

Đặc biệt, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân sử dụng thêm thức ăn công nghiệp để nuôi cá; sử dụng bạt lót để nuôi nhằm tiết kiệm nguồn nước, dễ khử trùng và xử lý khi dịch bệnh xảy ra… Đến thời điểm hiện tại, ngoài số hộ vẫn duy trì diện tích nuôi, toàn xã có hơn 30 hộ khôi phục hồ nuôi.

Anh Ngô Quang Quốc, thôn Tân Hải là người tiên phong trong việc nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp. Anh Hải cho biết: “Để duy trì hồ nuôi, tôi phải chuyển đổi từ cho cá ăn thức ăn tạp sang thức ăn công nghiệp. Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp vừa hiệu quả, vừa giảm chi phí, giảm công lao động, giảm ô nhiễm nguồn nước so với cách nuôi truyền thống.

Trong quá trình nuôi, khâu quan trọng và quyết định là nguồn nước phải thật sạch, nếu bị ô nhiễm, cá sẽ bị dịch bệnh và chết. Bây giờ, mỗi năm, tôi xuất bán được khoảng 20 tấn cá lóc, trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu về hơn 200 triệu đồng/năm”.

Một điều đáng mừng ở Ngư Thủy Bắc hiện nay là đầu ra của cá lóc tương đối ổn định. Tại địa phương, anh Trần Kim Phi, thôn Bắc Hòa không chỉ là người có diện tích hồ nuôi cá lớn nhất địa phương mà còn đứng ra tiêu thụ cá lóc cho người dân với giá cao so với các thương lái khác. Được biết, với giá bán 50.000/kg, mỗi tấn cá trừ chi phí, người dân cũng thu về gần 12 triệu đồng. Chỉ cần hồ nuôi 500m2, người dân cũng thu về 40-50 triệu đồng/năm.

Ông Trần Quang Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Bắc cho biết: "Điều bà con lo lắng nhất luôn là đầu ra sản phẩm. Nhưng đầu ra sản phẩm cá lóc của địa phương tương đối ổn định, nên chúng tôi đang khuyến khích nông dân khôi phục, mở rộng diện tích hồ nuôi. Diện tích nuôi ở địa phương hiện nay chưa đủ để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và ngoại tỉnh.

Tuy rằng nghề nuôi cá lóc trên cát đã được duy trì và phát triển nhưng vẫn còn đó những khó khăn và nỗi lo để phát triển bền vững. Việc hỗ trợ kỹ thuật nuôi và phòng chống bệnh cho cá, chọn và cung cấp giống tốt, hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài… vẫn rất cần sự tiếp sức của các ban, ngành liên quan".

Thanh Hoa

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang