Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 23/11/2018
Ngày cập nhật:
26/11/2018
Nông nghiệp là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bạc Liêu đang tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và ngành tôm được xem là ngành kinh tế mũi nhọn trong tái cơ cấu. Con tôm được tỉnh chọn làm khâu đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa trái) khảo sát vùng an toàn dịch bệnh trong nuôi tôm ở huyện Hòa Bình.
Chuyên gia các viện, trường thuộc ngành Nông nghiệp Việt Nam tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc (tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ
Tiềm năng và lợi thế
Qua 10 năm (2008 - 2018), ngành tôm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luôn giữ vai trò là trụ đỡ và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (chiếm 42% GRDP toàn tỉnh).
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng diện tích nuôi tôm từ 120.924ha (năm 2008) đã tăng lên 131.683ha (vào năm 2017), tăng bình quân mỗi năm 0,95%; sản lượng tôm từ 63.985 tấn (năm 2008) tăng lên 116.365 tấn (năm 2017), tăng bình quân mỗi năm 6,87%. Trong 10 năm qua, ngành tôm đã góp phần đem lại giá trị sản xuất ngành Thủy sản theo giá hiện hành từ 10.455 tỷ đồng (năm 2008) tăng lên 29.738 tỷ đồng (năm 2017).
Bạc Liêu được Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và tiến tới xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 10 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình tôm ứng dụng công nghệ cao và hơn 280 hộ dân áp dụng các mô hình này. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm. Điển hình là Công ty Việt Úc Bạc Liêu vừa đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước nuôi tôm. Đây là đỉnh cao công nghệ ngành tôm thế giới và Bạc Liêu là địa phương đầu tiên trong cả nước có cơ sở nuôi tôm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE)…
Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên, thời tiết phù hợp để nuôi tôm và sản xuất con giống. Do đó Bạc Liêu chiếm hơn 50% vùng ĐBSCL và 20% cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm có tổng công suất đứng vào nhất, nhì cả nước, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm tôm của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.
Những bước đột phá
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tạo đòn bẩy để mở rộng quy mô và sức sản xuất của nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng nông sản. Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại từ chỗ coi trọng số lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng, ứng dụng khoa học - công nghệ và tiến bộ kỹ thuật học vào sản xuất. Khâu tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng được đổi mới với việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện liên kết chuỗi giá trị.
Trước những biến đổi khí hậu, Bạc Liêu là một trong những địa phương có đối sách hay trong phát triển nông nghiệp, biến nguy cơ thành cơ hội để phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã xác định sản xuất tôm công nghệ cao là khâu đột phá trong ngành Nông nghiệp, bởi con tôm là mặt hàng chủ lực của tỉnh trong chế biến và xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cho rằng: “Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã đẩy mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, sản lượng tôm toàn tỉnh tăng gần 50%, diện tích nuôi tôm tăng gần 130.000ha. Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, Bạc Liêu đã xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân cho chuỗi giá trị sản xuất tôm với sự tham gia của nông dân; triển khai xây dựng thương hiệu tôm Việt nhằm khẳng định vị thế con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Sau gần 3 năm (kể từ cuối năm 2015), Tập đoàn Việt - Úc lần đầu tiên xây dựng thành công một cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE. Cục Thú y đã tổ chức đánh giá nhiều lần và thẩm định kết quả; nhiều đoàn chuyên gia thuộc Bộ Nông nghiệp Úc sang kiểm tra quy trình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Cục Thú y đã ban hành Quyết định số 660/QĐ-TY xác nhận cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu (tại phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đáp ứng tiêu chí an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của OIE. Đây là sự kiện quan trọng, là bước ngoặt và thành công lớn cho ngành sản xuất tôm Bạc Liêu nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung. Bởi, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một cơ sở đạt chuẩn đặt tại Bạc Liêu.
Với những kết quả trên, Cục Thú y đã tham mưu, báo cáo để Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Nông nghiệp Úc cử đoàn chuyên gia sang đánh giá chính thức để từng bước xuất khẩu tôm nguyên con đông lạnh từ Bạc Liêu (Việt Nam) sang Úc. Các lô hàng tôm sống nguyên con sẽ có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường nhiều nước, lợi nhuận thu được từ ngành tôm Việt Nam sẽ tăng cao trong tương lai, mở ra bước ngoặt quan trọng cho ngành tôm Bạc Liêu.
Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 970 triệu USD (tăng bình quân 5,28%/năm). Qua đó góp phần quan trọng để đến năm 2020 xuất khẩu tôm của cả nước đạt 10 tỷ USD.
Minh Đạt
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.