Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 26/11/2018
Ngày cập nhật:
27/11/2018
Nuôi tôm thương phẩm là một trong những loại hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, giảm thiệt hại do dịch bệnh và giảm chi phí đầu vào, mô hình nuôi tôm theo phương pháp sinh học, áp dụng công nghệ cao đang là hướng đi của nhiều hộ nuôi tôm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế cho sản phẩm đầu ra.
Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 3.700ha, trong đó có có khoảng 200ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú sử dụng chế phẩm sinh học, tập trung ở các vùng trọng điểm như: phường 12, TP.Vũng Tàu; xã Lộc An, huyện Đất Đỏ; xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc… Theo các hộ nuôi tôm, việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp tôm hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Chi phí sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trị bệnh cho tôm cũng thấp hơn, chưa đến 1 triệu đồng/ao nuôi, trong khi sử dụng thuốc kháng sinh chi phí lên đến 4-5 triệu đồng/ao nuôi. Năng suất cũng tăng khoảng 20% so với thông thường, chất lượng tôm đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu.
Thu hoạch tôm tại vùng nuôi tôm xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Ông Nguyễn Hiệp Thành (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đang nuôi 4ha tôm thẻ chân trắng. Trước đây, tỷ lệ hao hụt tôm trong quá trình nuôi khá cao, lên đến 20-30%. Sau quá trình tìm hiểu về phương pháp chống hao hụt, ông Thành đã đầu tư và chuyển sang nuôi tôm theo mô hình công nghệ sinh học. Ông Thành cho biết, trước đây theo cách nuôi thông thường, mỗi lần tôm có dấu hiệu bệnh thì người nuôi mới bắt đầu sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Biện pháp này hiệu quả thấp và làm ô nhiễm nguồn nước. Đối với phương pháp nuôi tôm sinh học, không phải sử dụng các loại kháng sinh thông thường, mà dùng các chế phẩm vi sinh khống chế lượng khuẩn độc gây bệnh cho tôm trong ao nuôi. Mặt khác, ông Thành còn đầu tư hệ thống cho ăn tự động. Lượng thức ăn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn và tỷ lệ hao hụt của tôm. Nhờ vậy, chi phí thức ăn giảm 20-30% so với trước đây. “Bên cạnh đó, tôi giảm mật độ nuôi xuống còn 50-70 con/m2 nên tôm gần như không mắc các bệnh thông thường. Nhờ đó, lượng thuốc kháng sinh tôi phải sử dụng giảm đi đáng kể. Tỷ lệ hao hụt cũng giảm đi nên năng suất tăng, chất lượng tôm cũng cao hơn so với phương pháp nuôi thông thường” ông Thành chia sẻ.
Nhờ máy cho ăn tự động, ông Nguyễn Hiệp Thành (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã tiết kiệm được chi phí thức ăn nuôi tôm.
Cùng với mô hình nuôi tôm theo phương pháp công nghệ sinh học, hiện nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất. Ông Phạm Thế Vịnh (ấp Bà Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) là một trong những người tiên phong áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Ông Vịnh cho biết, sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2017, ông mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng để nuôi thử nghiệm 0,2ha tôm thẻ áp dụng công nghệ cao. Theo đó, phía trên 2 ao nuôi được che bằng lưới, phía dưới được lót bạt toàn bộ. Trong ao có hệ thống đo, tự động cung cấp oxy và có thể thay nước hàng ngày phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Với hệ thống này, các ao nuôi của ông Vịnh có thể thả tôm với mật độ 250-300 con/m2 mà tỷ lệ tôm mắc bệnh vẫn rất thấp. Nhờ vậy, lợi nhuận thu được từ 0,2ha nuôi tôm áp dụng công nghệ cao của ông Vịnh lên đến 400 triệu đồng/vụ, gấp 3 lần so với nuôi bằng biện pháp thông thường.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thuỷ sản (Sở NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các mô hình nuôi tôm sạch, nhất là tôm thẻ chân trắng theo hướng sinh học. Bên cạnh đó, đã có hộ nuôi tôm mạnh dạn áp dụng công nghệ cao, sử dụng các hệ thống tự động hóa vào các ao nuôi và đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ về kinh tế mà còn giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nuôi tôm theo hướng sinh học và áp dụng công nghệ cao rất lớn, có thể lên đến 2-3 tỷ đồng/ha nên chưa có nhiều hộ có thể thực hiện. Do đó, Chi cục Thủy sản đã đề xuất Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh thành lập các khu quy hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung, ưu tiên hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để các hộ nuôi tôm có điều kiện áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Bài, ảnh: QUANG VINH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.