Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 27/11/2018
Ngày cập nhật:
29/11/2018
Hiện nay, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, một số hộ dân trong tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Qua đây đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi cá “sông trong ao” của hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Trường Thành, xã Danh Thắng. Mô hình sản xuất này có ưu điểm: Ao nuôi rộng 250 m2, xây dựng thành 2 ngăn có láng xi măng, lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước, đẩy nước để tạo dòng chảy mạnh, cho cá ăn và hút phân thải của cá... Ông Tô Hiến Thành, Giám đốc HTX cho biết, tháng 5- 2018, ông đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng khu nuôi thả cá. Lứa cá đầu tiên, ông thả hơn 3 vạn con. Sau 5 tháng nuôi, ông thu hoạch được khoảng 40 tấn cá thương phẩm, cao hơn rất nhiều so với phương pháp nuôi thông thường; tổng doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng. “Khi có dòng chảy, cá sẽ hình thành thói quen bơi ngược dòng liên tục, hấp thụ tốt thức ăn, thịt chắc, thơm ngon; chất thải của cá được máy hút lấy ra ngoài giúp môi trường ao luôn sạch, cá lớn nhanh”, ông Thành nói.
Mô hình nuôi cá "sông trong ao" của HTX Chăn nuôi Trường Thành, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa). Ảnh: Phương Nhung
Tương tự, đầu năm vừa qua, huyện Lạng Giang đã hỗ trợ hai mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; tổng quy mô 1,8 nghìn m2 tại xã Tân Hưng và Đại Lâm. Cụ thể, hộ anh Triệu Văn Trọng, khu nuôi trồng thủy sản xã Đại Lâm là một trong những gia đình được thụ hưởng. Trên diện tích 900 m2, anh nuôi thả các loại cá gồm: Trắm, chép, rô phi đơn tính… Ao nuôi xây dựng đúng quy cách, sử dụng hệ thống máy tạo ô xi, sục khí và máy cho ăn tự động lắp đặt bảo đảm quy cách. Anh Trọng cho hay: “Với phương pháp này, tôi chỉ cần sử dụng điện thoại di động kết nối mạng Internet là có thể điều khiển việc cho cá ăn dù đang ở rất xa nơi sản xuất.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ cao là phương pháp chăn nuôi đang được khuyến khích áp dụng và nhân rộng. Người chăn nuôi sử dụng cách làm này giúp tăng năng suất gấp đôi trở lên, chất lượng an toàn, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của tỉnh đặt ra.
Nhận thấy những lợi ích từ phương pháp sản xuất này, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020” thuộc 6 huyện, TP gồm: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang và TP Bắc Giang với 900 hộ tham gia. Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng hơn 1,5 nghìn ha vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; trong đó có 250 ha áp dụng phương pháp an toàn sinh học, công nghệ cao, tổng sản lượng đạt khoảng 3 nghìn tấn/năm.
Đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ thực hiện và nghiệm thu thành công hai mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Lạng Giang; xây dựng 5 vùng nuôi trồng tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 40 ha cho 56 hộ tại huyện Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, mô hình nuôi cá công nghệ cao giúp bà con mang lại nguồn thu nhập lớn. Tuy nhiên, do diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa tập trung; cơ sở hạ tầng còn yếu, thiếu nhân lực, vốn đầu tư ít, kinh nghiệm và trình độ sản xuất của bà con thấp và chưa có liên kết tiêu thụ nên rất khó nhân rộng mô hình này. Bài học kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, nếu không có sự liên kết trong sản xuất thì khả năng rủi ro cao. Ví như, nhiều loại hàng hóa mặc dù đã xây dựng thương hiệu, sau đó người dân mở rộng diện tích canh tác như: Chanh đào Lạng Giang, lợn sạch Tân Yên… nhưng do chưa có đầu ra ổn định nên giá cả thất thường, khó tiêu thụ, bà con nhiều lúc thua lỗ lớn.
Được biết, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo các địa phương thực hiện xây dựng hỗ trợ mô hình sản xuất thủy sản công nghệ cao theo đúng tinh thần Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16-8-2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Các huyện, TP tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đơn vị, cá nhân chăn nuôi thủy sản bằng công nghệ cao để tăng giá trị; chủ động kết nối với doanh nghiệp ký kết, bao tiêu sản phẩm.
Hoàng Phương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.