Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 26/11/2018
Ngày cập nhật:
2/12/2018
35 tuổi, tiến sĩ Đinh Minh Quang, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ đã có 19 bài báo đăng trên Tạp chí quốc tế SCI, SCIE, ISI, Scopus... Anh vừa vinh dự nhận Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo của Trung ương Đoàn vì đạt giải Nhất Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2018.
Tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ năm 2005, chàng trai trẻ Đinh Minh Quang được giữ lại trường công tác, sau đó tiếp tục học cao học chuyên ngành Sinh học (Động vật học). Sau hai năm (2006-2008) học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh đã bảo vệ thành công đề tài thạc sĩ về “Nghiên cứu thành phần loài, phân bố cá sông Hậu (đoạn sông từ Thốt Nốt, Cần Thơ đến An Phú, An Giang). Năm 2012-2016, anh tiếp tục học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Flinders (Úc).
Giảng viên sinh năm 1983 cho biết, những năm còn là sinh viên, lúc đó chuyện nghiên cứu khoa học vẫn còn khá mới, đến khi học cao học, niềm đam mê nghiên cứu lớn dần. Đề tài nghiên cứu cao học là viên gạch đầu tiên để anh xây dựng, phát triển các đề tài liên quan đến các loài cá ở vùng bãi bồi sau này. Trong đó có đề tài “Nghiên cứu thành phần loài và các chỉ số đa dạng sinh học của họ cá bống phân bố ở vùng bãi bồi ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, đạt giải Nhất Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2018.
Tiến sĩ Đinh Minh Quang trong chuyến đi thực địa trên bãi bồi. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Theo tiến sĩ Quang, lý do chọn đề tài này vì ĐBSCL rất ít nghiên cứu về loài cá bống phân bố ở vùng bãi bồi ven biển. Nghiên cứu còn nhằm cung cấp thông tin về chỉ số đa dạng sinh học họ cá bống; đặc điểm dinh dưỡng, sinh học sinh sản và biến động quần thể của một số loài cá bống có giá trị kinh tế cao. Từ đó, đề xuất với địa phương hướng bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi một số loài có giá trị, đảm bảo tính bền vững, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Khi xác định ý tưởng đề tài (năm 2012), tiến sĩ Quang đã chọn Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu; những tỉnh ở ĐBSCL có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của cá bống, đặc biệt là cá sống ở bãi bồi ven biển. Những địa phương này còn là nơi được dự đoán chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, lại thêm nguồn cá ở bãi bồi bị khai thác với cường độ cao với nhiều phương tiện mang tính chất tận diệt. Điều kiện tự nhiên của những địa phương này cũng đặc trưng cho vùng ven biển ĐBSCL. Thế là, anh cùng với 6 cộng sự bắt tay nghiên cứu.
Tiến sĩ Quang kể: Tôi may mắn có một số người bạn công tác ở 3 tỉnh này, nên kết nối được với người dân địa phương hỗ trợ trong lấy mẫu. Việc lấy mẫu cá là khâu khó khăn, vì phải đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu nghiên cứu, rồi xử lý phân tích để xác định các chỉ số đa dạng sinh học của các loài cá bống họ Eleotridae và Gobiidae. Trong tháng, nhóm nghiên cứu thu mẫu 1 lần, khoảng 5 ngày. Để đảm bảo chính xác, đúng tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu phải đi cùng ngư dân trực tiếp đánh bắt cá ở đồng ruộng, bãi bồi… Liên tục nhiều năm (2015-2017), hình ảnh lội sình, hứng nắng của nhóm tiến sĩ Quang trên bãi bồi ven biển dần quen thuộc với người dân nơi đây.
13 năm tuổi nghề, tiến sĩ Đinh Minh Quang đã công bố được 50 bài báo (trong đó 19 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế SCI, SCIE, ISI, Scopus...; 31 bài báo trong kỷ yếu hội thảo và tạp chí trong nước). Song, tâm đắc nhất với anh vẫn là đề tài kể trên, từ đề tài này, tiến sĩ Quang đã xuất bản được 7 bài báo cáo khoa học trong và ngoài nước; cung cấp mẫu ngâm của 45 loài cá bống thuộc họ cá bống trắng và bống đen; 200 tiêu bản hiển vi lát cắt ngang tuyến tinh và tuyến trứng của cá kèo vảy to, cá bống cát, cá bống trân và cá bống trứng; góp phần hỗ trợ 4 học viên bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ; 3 sinh viên đại học đã bảo vệ thành công luận văn và tiểu luận tốt nghiệp đại học. Hơn hết, nghiên cứu đã cung cấp được dữ liệu về thành phần loài, đa dạng sinh học và khóa phân loại của các loài cá bống, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn cá bống cho khu vực nghiên cứu… Hiện nay, nghiên cứu này đã được chuyển giao cho Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Tiến sĩ Quang vẫn còn băn khoăn, bởi khi tuyên truyền ngư dân hạn chế đánh bắt cá, họ sẽ gặp khó khăn về kinh tế. Anh dự định sẽ nghiên cứu về phát triển mô hình mùa vụ ngư dân để ngư dân làm du lịch sinh thái, các dịch vụ đặc thù ở địa phương. Theo anh, nghiên cứu về loài cá như là “cái duyên”, nên khi phát triển tiếp các đề tài, anh vẫn chọn nghiên cứu về… cá.
Hiện nay, đề tài cấp quốc gia Nafosted về “Nghiên cứu sự phân bố, nơi ở, dinh dưỡng và sinh thái học sinh sản của cá thòi lòi nước ngọt Periophthalomodon septemradiatus ở ĐBSCL, Việt Nam” (giai đoạn 2017-2019) do anh làm chủ nhiệm đang phát triển thuận lợi. “Làm nghiên cứu không chỉ thỏa đam mê bản thân, mà sau khi công trình được công bố, còn là niềm tự hào, nâng cao uy tín của mình và nhóm nghiên cứu. Đây là điều kiện thuận lợi trong giảng dạy, từ đó có thể lan tỏa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên”, tiến sĩ Quang tâm tình.
BÍCH KIÊN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.