Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 07/02/2018
Ngày cập nhật:
8/2/2018
Không chỉ nổi tiếng với nghề ương cá giống, những năm đây, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) còn được biết đến là nơi nuôi cá chép đỏ lớn của tỉnh Vĩnh Phúc. Vì thế, suốt cả tuần nay, thương lái khắp nơi đã tấp nập tìm đến Yên Lập để thu mua cá, sẵn sàng cung ứng cho thị trường dịp Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp).
Năm nay, gia đình ông Bùi Văn Hòa, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) có 2 tấn cá chép đỏ cung ứng cho thị trường dịp Tết Ông Công, Ông Táo. Ảnh Chu Kiều
Được thiên nhiên ưu đãi có dòng sông Phó Đáy chảy qua, cùng diện tích đất chiêm trũng lớn, từ bao đời nay, Yên Lập vốn nổi tiếng với nghề ương cá giống. Theo thống kê, toàn xã có gần 100 hộ làm nghề, với tổng diện tích gần 67 ha. Nắm bắt nhu cầu mua cá chép đỏ để tiễn Ông Công, Ông Táo về trời của người dân ngày càng tăng cao, ngoài ương các loại cá truyền thống như: trắm, chép, mè, trôi, vược, rô phi…, từ năm 2005 đến nay, nhiều hộ còn nuôi thêm cá chép đỏ để nâng cao thu nhập.
Chị Bùi Thị Tình, cán bộ nông nghiệp xã Yên Lập cho biết: “Toàn xã cógần 10 hộ nuôi cá chép đỏ phục vụ nhu cầu tâm linh dịp Tết Ông Công, Ông Táo, tập trung chủ yếu ở thôn Phủ Yên 1. Trung bình mỗi năm, các hộ này cung ứng cho thị trường từ 5 - 7 tấn cá chép đỏ, đem lại doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/năm”.
Những ngày giáp 23 tháng Chạp, mặc dù thời tiết lạnh cắt da cắt thịt, song nhiều gia đình vẫn tất bật với việc giăng lưới, tát ao bắt cá chép đỏ để giao cho thương lái đưa đi khắp nơi phục vụ lễ cúng Ông Công, Ông Táo về trời. Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng xe máy, ô tô của các thương lái về tận ao lấy hàng, cùng hình ảnh những bể cá đỏ rực, tất cả đã tạo nên một không khí Tết rộn ràng cho một vùng quê yên bình.
Có mặt tại ao nuôi cá giống của gia đình ông Bùi Văn Hòa, thôn Phủ Yên 1 - hộ nuôi cá chép đỏ đầu tiên của xã, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp, khẩn trương đánh bắt cá để giao cho thương lái. Người kéo lưới, người lọc cá, người vận chuyển cá lên bể, ai nấy đều tất bật với công việc của mình.
Đang nhanh tay đưa từng mẻ cá vào bể chứa, ông Hòa cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu mua cá chép đỏ để cúng ông Công, ông Táo ngày một tăng cao, hàng năm, cứ hết vụ ương cá giống, khoảng cuối tháng 7 Âm lịch, gia đình tôi lại dành từ 3 - 4 ao để nuôi cá chép đỏ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cá chép sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
Hiện, gia đình có gần 2 tấn cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con dịp Tết Ông Công, Ông Táo. Đến thời điểm này, các thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Hà Nội, Phú Thọ… đã về đặt cọc tiền để mua hết toàn bộ số cá. Với giá bán buôn tại ao từ 70 - 80 nghìn đồng/kg, tăng từ 5 - 10 nghìn đồng/kg so với năm ngoái, sau khi trừ chi phí, vụ cá chép đỏ này, gia đình có thể thu lãi hơn 80 triệu đồng”.
Ao cá của gia đình anh Bùi Văn Tân, thôn Phủ Yên 1, những ngày này cũng nhộn nhịp không kém. Gần 1 tuần nay, ngày nào gia đình anh cũng có thương lái tìm đến để mua cá. Anh Tân cho biết: “Với gần 1 ha mặt nước, năm nay, gia đình có khoảng 1,5 tấn cá chép đỏ để cung ứng cho thị trường. Toàn bộ số cá chép đỏ của gia đình đã được đánh bắt đưa lên bể có sục khí oxy để sẵn sàng giao cho thương lái. Thông thường, từ 15 - 22 tháng Chạp là thời kỳ cao điểm để xuất bán cá chép đỏ”.
Theo các hộ dân làm nghề nuôi cá chép đỏ nơi đây, muốn có những mẻ cá chất lượng phục vụ đúng ngày ông Công, ông Táo về trời, từ cuối tháng 7 Âm lịch, người dân đã phải nuôi ương cá bột; lúc đó, cá chỉ nhỏ bằng hạt tấm. Trong quá trình chăm sóc, ngoài đảm bảo chế độ ăn hợp lý, thay nước thường xuyên, cần chú ý nuôi với mật độ dày, khoảng từ 300 - 500 con/m2 để có thể khống chế được cân nặng của cá. Sau khoảng từ 4 - 5 tháng nuôi, cá chép đỏ lớn bằng 2 đến 3 ngón tay là có thể xuất bán. Để tăng sức tăng sức dẻo dai, đảm bảo cá không bị ngạt, chết khi vận chuyển đi xa, cá chép đỏ sau khi kéo lên từ ao nuôi sẽ được các hộ dân đưa vào bể ép, bỏ đói từ 2 - 3 ngày.
Nhờ nguồn nước dồi dào của sông Phó Đáy, cùng với kinh nghiệm ương cá lâu năm của người dân, cá chép đỏ Yên Lập có kích thước vừa phải, màu đỏ rực, mắt xanh, vây nhọn và khỏe nên được nhiều thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang… tìm đến đặt mua. Vì thế, cá chép đỏ nơi đây không phải lo đầu ra, sản xuất ra đến đâu đều bán hết đến đó.
Đến thời điểm này, phần lớn các ao nuôi cá chép đỏ ở xã Yên Lập đã tiến hành thu hoạch và đưa vào bể ép, sẵn sàng cung ứng cho thương lái đưa đi khắp nơi để phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con. Với giá bán dao động từ 70 - 80 nghìn đồng/kg và dự báo có thể tăng thêm trong những ngày giáp 23 tháng Chạp, chắc chắn các hộ nuôi cá chép đỏ ở Yên Lập sẽ có một cái Tết đủ đầy, no ấm.
Thanh Huyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.