Nguồn tin: Tổng cục Thủy sản, 25/12/2018
Ngày cập nhật:
26/12/2018
Chiều 24/12, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đến dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến.
Năm 2018, trong bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, nhiều quốc gia quay trở lại xu thế bảo hộ mậu dịch; trong nước, ngành Nông nghiệp nói chung và Thủy sản nói riêng tiếp tục tiến hành hoàn thiện thể chế, tổ chức và tái cơ cấu ngành. Đặc biệt, năm 2018 là năm bản lề chuẩn bị cho việc thực thi Luật Thủy sản 2017 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Cùng với đó, sự kiện EC cảnh báo thẻ vàng đối với ngành khai thác thủy sản của Việt Nam cũng là nhân tố quan trọng tác động tới ngành Thủy sản trong năm 2018.
Trong bối cảnh đó, ngành Thủy sản đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ xây dựng 02 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 08 Thông tư của Bộ hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017 cùng nhiều văn bản, chương trình, đề án quan trọng khác như Đề án phát triển khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước; Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025; Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025….
Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2017, trong đó sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 3,59 triệu tấn (tăng 6,0% so với năm 2017), đó khai thác biển đạt gần 3,4 triệu tấn, khai thác nội địa 218.000 tấn. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%. Về tình hình nuôi biển (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, rong biển, cua ghẹ...), tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, diện tích nuôi cá biển 6.000 ha, sản lượng 32 nghìn tấn; nhuyễn thể 45 nghìn ha, sản lượng 320 nghìn tấn; tôm hùm 1,6 nghìn tấn, cua ghẹ hơn 60 nghìn tấn. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt khoảng 228.139,8 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong đó hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017: cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm đạt 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỷ USD giảm 2,0%; tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%); nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%; nhuyễn thể 785 triệu USD, tăng 9,1%; giáp xác 145 triệu USD, tăng 23,0%.
Về tình hình sản xuất giống một số đối tượng thủy sản chủ lực cơ bản đã đáp ứng nhu cầu giống cho nuôi. Cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Năm 2018, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu khoảng 200.000 con; sản lượng tôm giống sản xuất là 120 triệu con tôm giống. Về cá tra, cả nước hiện có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, 4.000 hộ ương dưỡng cá giống, sản xuất được khoảng 25 tỷ cá tra bột, hơn 2,5 tỷ cá tra giống.
So với chỉ tiêu tại phương án tăng trưởng năm 2018 của Bộ: Giá trị sản xuất vượt 2,4%; tổng sản lượng vượt 3,0%, trong đó sản lượng khai thác vượt 2,4%, sản lượng nuôi trồng tượt 3,6% (cá tra vượt 10,4%, tôm nước lợ vượt 0,3%); kim ngạch xuất khẩu đạt 90%. Diện tích nuôi tôm nước lợ vượt 2,9%.
Trong năm qua, Tổng cục Thủy sản đã thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát và chỉ đạo điều hành sản xuất, cụ thể, công tác kiểm soát chất lượng giống đã được thực hiện tốt, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ xử lý hiện tượng nuôi cá tra tự phát nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo phát triển ngành hàng cá tra bền vững. Tổng cục đã theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để tham mưu cho Bộ chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp với đối tượng thủy sản xuất hiện theo dự báo nguồn lợi; Chú trọng phát triển khai thác bền vững, phát triển mô hình hợp tác khai thác viễn dương, mở rộng ngư trường, giảm thiểu khai thác bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng chú trọng công tác áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng sản phẩm hải sản khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành.
Đặc biệt, các cấp, các ngành đã quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Đồng thời, đã có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong việc ứng phó với cảnh báo thẻ vàng của EC với thái độ quyết liệt, minh bạch, được EC đánh giá cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những nỗ lực mà ngành Thủy sản đã thực hiện ngay từ đầu năm 2018. Ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản, hoàn thiện một bước về thể chế trong tin thần hội nhập và cầu thị, có thái độ ứng xử minh bạch với vấn đề khai thác bất hợp pháp, thực hiện công tác tái cơ cấu ngành, có bước đột phát trong phát triển đối tượng chủ lực (tôm, cá tra) và xử lý tốt tình huống để duy trì và ổn định mở rộng sản xuất, kiểm soát tình hình sản xuất và phát triển liên kết chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả mà ngành đã đạt được trong năm vừa qua, vẫn còn những nút thắt mà ngành phải tháo gỡ như cần tiếp tục đổi mới thể chế, tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa các lĩnh vực có thể thực hiện. Đối với lĩnh vực khai thác, cần rà soát, đánh giá lại kế hoạch trung và dài hạn để sắp xếp và hình thành nghề cá bền vững; Cần cải thiện và nâng cấp các thiết chế hạ tầng (cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão…); Tập trung phát triển khai thác đại dương xa bờ… Đối với lĩnh vực nuôi trồng, cần chú trọng phát triển bền vững các đối tượng chủ lực, nâng cao giá trị thông qua tăng cường các sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển thị trường; Cần tận dụng tốt các thủy vực lớn, hệ thống hồ chứa và phát triển hệ thống nuôi nước lạnh để tận dụng tốt nguồn lợi tự nhiên; Phát triển các loài thủy đặc sản, góp phần tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Năm 2019, toàn ngành đặt mục tiêu đạt được các chỉ tiêu sau: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 4,25% so với 2018; trong đó tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng là 5,19%; tốc độ tăng giá trị sản xuất khai thác là 2,72%. Tổng sản lượng thủy sản năm 2019 phấn đấu đạt 7.983,8 nghìn tấn, tăng 3,1%; trong đó sản lượng khai thác đạt 3.680,5 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 4.303,3 nghìn tấn, tăng 3,6% (Trong đó: sản lượng cá tra 1.468,9 nghìn tấn, tăng 3,0%; sản lượng tôm các loại 852,0 nghìn tấn, tăng 6,5%). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD, tăng 11,1%.
Hương Trà
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.