Nguồn tin: Báo Lạng Sơn, 09/02/2018
Ngày cập nhật:
10/2/2018
Cá trắm có thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, giá thành luôn cao hơn các loại cá khác song hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hầu như chưa có mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm. Chính vì vậy, nuôi cá trắm đen thương phẩm là hướng mới cho nông dân tăng thu nhập.
Cá trắm đen nuôi tại Trung tâm Thủy sản Lạng Sơn
Thức ăn ưa thích của cá trắm đen là các loại ốc tự nhiên trong ao, đầm, tuy nhiên, lượng thức ăn này không đủ cung cấp cho cá, do đó, năng suất và sản lượng thấp. Nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ giải quyết vấn đề thiếu thức ăn tự nhiên, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch. Cách làm này cũng đáp ứng nhu cầu cá trắm đen thương phẩm của thị trường về số lượng, kích cỡ.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ Trung tâm Thủy sản Lạng Sơn, chủ nhiệm đề tài “Nuôi thử nghiệm cá trắm đen thương phẩm trong ao tại Lạng Sơn” cho biết: Từ năm 2014 - 2016, chúng tôi thử nghiệm nuôi cá trắm đen thương phẩm tại trung tâm và một số hộ dân tại thành phố Lạng Sơn, huyện Lộc Bình. Qua thử nghiệm cho thấy, trong môi trường ao nuôi, sử dụng thức ăn công nghiệp cá trắm đen sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%. Trên 1 sào Bắc bộ có thể nuôi trên 400 con cá giống, nếu thu hoạch ở thời điểm cá đạt từ 1,7 đến 2 kg thì sẽ cho thu nhập từ khoảng 50 triệu đồng. Trong điều kiện như hiện nay, đây là hướng mới cho nông dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế.
Để nuôi cá trắm đen thương phẩm, nông dân chọn ao đào sẵn hoặc ao mới đào, diện tích phù hợp nhất là từ 500 đến 1.000 m2, độ sâu trung bình từ 1,2 đến 1,5 m. Ao nuôi nên gần nhà, gần nguồn nước và hệ thống thoát nước, có nhiều ánh nắng mặt trời, bờ ao chắc chắn. Cá trắm đen đặc biệt phù hợp với nguồn nước sạch do nhu cầu sử dụng ôxi cao, nếu thiếu ôxi, cá chậm phát triển, dễ bị bệnh và chết. Do đó, nếu không có nguồn nước ra vào ao liên tục thì cần bố trí máy phun mưa, sục khí hoặc quạt nước để tăng sự khuếch tán ôxi từ không khí và nước. Trước khi thả cá cần dọn sạch đáy ao bón vôi bột tẩy trùng, diệt cá tạp, các vi khuẩn gây bệnh. Thả cá vào khoảng tháng 3 – 4 dương lịch, khi nhiệt độ môi trường ấm áp. Chọn những con cá giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, trọng lượng từ 200 – 300 gram/con, mật độ 0,5 – 0,8 con/m2. Khi cá lớn nên giãn bớt mật độ nuôi để cá phát triển tốt. Nên thả cá vào nước muối nồng độ 2% trong 10 phút trước khi thả.
Nếu nuôi ghép cá trắm đen với các loại cá khác cần lưu ý loại cá nuôi ghép để tránh cạnh tranh thức ăn. Do tập quán canh tác ở Lạng Sơn, tỷ lệ ghép thường là 20% cá trắm đen, 80% các đối tượng cá khác như: cá mè, cá chép… Cá trắm đen phát triển tốt ở nhiệt độ khoảng 20 – 300C, vì vậy, những ngày rét đậm, rét hại nên bố trí các sọt rơm để cá chui vào tránh rét. Thức ăn sử dụng cho cá trắm đen là thức ăn dạng viên nổi cho cá có vẩy, có kích cỡ 1 – 10 mm, hàm lượng 35% Protein và 7% Lipid. Ngoài ra, có thể sử dụng thức ăn tự chế biến như: ốc, hến, cá băm nhỏ, giun quế, cám… Hằng ngày cho cá ăn 2 lần. Hai tháng đầu cho thức ăn bằng 7% trọng lượng cá/ngày, từ 3 đến 5 tháng ăn 5% tổng trọng lượng, tháng thứ 6 trở đi cho ăn bằng 3% tổng trọng lượng. Lượng thức ăn phải điều chỉnh theo thời tiết, tình trạng môi trường ao nuôi và sức khỏe của cá. Mỗi tháng kiểm tra cân nặng 1 lần để điều chỉnh thức ăn và phát hiện dịch bệnh. Khi cá lớn trên 500 gram nên cho ăn thêm ốc kết hợp cùng thức ăn viên. Khi cho cá ăn cần lưu ý cho ăn cố định tại một vị trí, thời gian nhất định. Sau khi nuôi 10 – 12 tháng, cá đạt kích cỡ thương phẩm từ 2 kg trở lên là có thể thu tỉa hoặc thu hoạch toàn bộ. Để có giá cao nên nuôi tiếp đến khi cá đạt trọng lượng trên 4 kg/con.
Từ năm 2016 đến nay, tại Trung tâm Thủy sản Lạng Sơn vẫn tiếp tục nuôi thử nghiệm cá trắm đen thương phẩm nhằm nghiên cứu quá trình sinh trưởng và phát triển, đưa ra quy trình chăm sóc thích hợp nhất với điều kiện môi trường khí hậu tại tỉnh Lạng Sơn. Trong điều kiện các loại thủy sản nuôi chưa thực sự đa dạng, hiệu quả như trên địa bàn tỉnh hiện nay thì việc phát triển đối tượng thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen thương phẩm là cần thiết. Điều này không những làm phong phú thêm giống thủy sản nuôi mà còn làm tăng giá trị kinh tế cho nghề nuôi trồng thủy sản, phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Thục Quyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.