Nguồn tin: Báo An Giang, 13/02/2018
Ngày cập nhật:
15/2/2018
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra cả nước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 7% so năm trước. Có được kết quả đó nhờ doanh nghiệp (DN) nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường XK. Việc này đã góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ cá nuôi của ngư dân, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Thị trường đa dạng
Đến thời điểm này, các thị trường như: Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông, EU, Brazil… vẫn là những thị trường XK lớn của cá tra Việt Nam, trong đó có cá tra của các DN trong tỉnh An Giang. Báo cáo từ Tổng cục Hải quan, sản phẩm cá tra fillet của Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều này cho thấy sự năng động của các nhà XK trong nỗ lực hướng đến mục tiêu đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, góp phần quan trọng tiêu thụ hết lượng cá nuôi trong dân. Năm 2017 được xem là năm DN lẫn nông dân đều “được mùa, trúng giá”. Những tháng cuối năm 2017, XK tăng trưởng mạnh ở các thị trường, làm cho giá cá nguyên liệu lẫn sản phẩm XK đều tăng. Cụ thể, tại địa bàn tỉnh, giá cá nguyên liệu lên đến 28.500 đồng/kg, bình quân mỗi ký cá nguyên liệu, nông dân lãi ít nhất 6.000 đồng/kg. Thị trường tăng trưởng mạnh, các DN trong tỉnh đẩy mạnh xuất hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các nhà nhập khẩu, vì vậy lượng cá nuôi trong dân không đủ đáp ứng cho XK. “Đối với nông dân, đây được xem là năm thắng lợi bởi giá cá nguyên liệu ở mức cao trong một thời gian dài. Nhờ các DN đa dạng hóa thị trường nên cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến XK cũng đa dạng. Nếu trước đây, xuất khẩu cá vào thị trường Mỹ, EU, DN chỉ mua cá trong size từ 650-850gr thì nay, nhờ có thị trường Trung Quốc, các hầm cá quá lứa (mỗi con nặng từ 2 kg trở lên) cũng được thị trường này tiêu thụ tốt. Cá size lớn, DN mua xẻ bướm để xuất sang Trung Quốc”- ông Trần Văn Giàu, nông dân xã Phú Bình (Phú Tân) chia sẻ.
Ngoài thị trường thế giới, DN đã đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm cá tra cho người tiêu dùng trong nước thông qua các hội chợ triển lãm, các cuộc thi chế biến món ăn từ cá tra ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là ở 2 thị trường lớn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. “Trong thương mại, nếu DN chỉ tập trung bán hàng cho một thị trường thì rủi ro rất lớn, bởi khi thị trường đó ngưng mua sản phẩm thì sản xuất sẽ bị ách tắc. Đa dạng hóa thị trường là bài toán rất hay, trong đó DN có tính toán đến thị trường trong và ngoài nước. Đa dạng hóa thị trường còn đa dạng hóa các chủng loại hàng hóa, mẫu mã, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, giúp sản phẩm tiêu thụ nhiều hơn…”- TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ.
Sản phẩm phong phú
Hiện nay, cá tra XK không chỉ có sản phẩm fillet mà còn có thêm cá nguyên con cắt khúc, xẻ bướm. Nếu sản phẩm fillet xuất vào các thị trường EU, Hoa Kỳ, Brazil, Tây Ban Nha, Hàn Quốc… thì cá nguyên con cắt khúc hoặc xẻ bướm được xuất mạnh vào thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường trong nước, còn có sản phẩm mang tính giá trị gia tăng như: cá tra xiên que, chạo cá tra, ốc nhồi cá tra, cá tra muối sả chiên, cá tra cắt khúc dùng để kho hoặc nấu canh chua, cá tra kho tộ…
Đa dạng hóa thị trường lẫn sản phẩm XK đã giúp ngành cá tra “về đích” ngoạn mục. Nếu trước đây, Mỹ là thị trường XK số 1 của cá tra Việt Nam thì nay, ngoài thị trường Mỹ, sản phẩm cá tra Việt Nam còn có các thị trường khác như: Trung Quốc, EU và Brazil, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản… 9 tháng đầu năm 2017, XK cá tra vào thị trường Trung Quốc tăng 44% so với cùng kỳ, đạt gần 300 triệu USD và sản phẩm bán vào thị trường này cũng đa dạng.
Năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra của toàn vùng ĐBSCL đạt 4.950 ha (đạt 97% kế hoạch năm), sản lượng nuôi đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Riêng ngư dân trong tỉnh nuôi 1.279ha (bằng 101,92% so cùng kỳ). Sản lượng thu hoạch trên 300.000 tấn. Hiện nay, nghề nuôi và chế biến cá tra XK đang mở ra nhiều triển vọng, bởi thượng tuần tháng 12-2017, nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2017, bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây đã đạt được thỏa thuận về 1 TPP không có Hoa Kỳ, các quốc gia thành viên đã đi đến thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans - Pacific Partnership). Như vậy, khi hiệp định này có hiệu lực thì cá tra của Việt Nam sẽ vào 11 quốc gia thành viên của CPTPP rất thuận lợi. Chuẩn bị cho việc XK mạnh sản phẩm cá tra vào các thị trường thành viên của hiệp định này, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi, trong đó có việc triển khai chương trình giống 3 cấp.
“Cá tra ăn rất thơm ngon bởi thịt trắng, ít xương dăm, chế biến được rất nhiều món khác nhau. Người tiêu dùng ở khắp các châu lục trên thế giới đều ăn cá tra, kể cả các quốc gia Hồi giáo, điều này cho thấy, đây là lợi thế rất lớn mà ngành hàng này có được. Một yếu tố khác, đó là giá cả phải chăng, vừa túi tiền của người tiêu dùng, vì vậy Nhà nước cần tập trung phát triển ngành hàng này theo chiều rộng lẫn chiều sâu …”- bà Trần Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh kiến nghị.
MINH HIỂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.