Nguồn tin: Báo Nam Định, 15/02/2018
Ngày cập nhật:
16/2/2018
Cứ vào dịp cuối năm và các dịp lễ, Tết, nhu cầu tiêu dùng các loại cá đặc sản như cá lăng chấm, cá bống bớp, cá lóc bông, cá kèo… càng gia tăng. Người nuôi cá, vì thế cũng tất bật để có những mẻ cá bội thu.
Thu hoạch cá kèo dịp Tết tại hộ anh Bùi Văn Dân, xã Bạch Long (Giao Thủy).
Cá lăng chấm là loại cá da trơn, được xếp là hàng đặc sản nước ngọt hàng đầu miền Bắc bởi chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, lại ít xương dăm. Những ngày giáp Tết, mặc dù thời tiết khá lạnh song người nuôi cá lăng chấm tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đang hết sức ấm lòng hối hả thu hoạch cá để bán ra thị trường. Anh Lê Thế Nhật, xóm 15 cho biết: “So với các loài cá khác, nuôi cá lăng giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Vụ Tết, cá lăng không đủ cung cấp cho thị trường, là mùa bội thu nhất của người nuôi cá lăng chấm chúng tôi”. Dự tính cả năm 2017, anh Nhật sẽ thu hoạch được trên 30 tấn cá với mức lãi tiền tỷ. Theo anh Nhật, món lẩu cá lăng là một món thú vị để lựa chọn ăn trong dịp Tết sum vầy rất thơm ngon. Thịt cá ngọt, mềm, nước lẩu nóng hổi pha chút vị chua chua thanh thanh đánh “tan” cảm giác ngán ăn vì thịt thà lu bù những ngày Tết. Bên cạnh cá lăng chấm thì cá lóc bông cũng là loại cá đặc sản được nhiều người ưa thích tiêu dùng dịp này vì có thể chế biến được nhiều món ngon. Vào dịp Tết, nhu cầu mua về ăn, làm quà biếu tăng cao khiến loại cá đặc sản này luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Là hộ nuôi cá có tiếng tại xã Hải Xuân (Hải Hậu), vụ Tết ông Nguyễn Văn Cừu không xuất bán hết cá lóc bông cho thương lái mà giữ lại một ít để bán lẻ. Ông Cừu cho biết, năm nay gia đình ông để lại gần 200 con cá lóc bông, loại khoảng 1kg mỗi con, số cá này đều đã được khách hàng đặt mua từ trước Tết. Những ngày này, gia đình ông liên tục nhận được các cuộc điện thoại đặt hàng, chủ yếu là các khách quen từ Thành phố Nam Định, Hà Nội. Cá lóc bông nuôi trong vòng 8 tháng có trọng lượng từ 1-1,5kg mỗi con, đây là trọng lượng ăn ngon nhất của loại cá đặc sản này vì thịt cá có đủ độ chắc, ngọt nước, xương cá cũng mềm. Ông Phạm Văn Tùng, khách hàng tại Thành phố Nam Định thường xuyên mua cá lóc bông của ông Cừu cho biết: “Cá lóc bông là thực phẩm bổ dưỡng, có thể chế biến được thành nhiều món ngon, đặc biệt là cháo cá ăn ngon, thơm, không ngấy. Năm nào tôi cũng đặt hàng vào dịp Tết để sử dụng và làm quà biếu người thân, ai cũng tâm đắc”. Ngoài các loại cá đặc sản kể trên thì năm 2017, người dân xã Bạch Long (Giao Thủy) đã nuôi thả thành công một đối tượng đặc sản mới của vùng đất Nam Bộ như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ… là cá kèo. Đây là một thành công mới của ngành thủy sản tỉnh. Cá kèo được nhiều người ưa chuộng, nổi tiếng là sạch và lành nên có thể chế biến được nhiều món ngon hơn so với các loại cá truyền thống như cá kèo kho rau răm, cá kèo kho tiêu, cá kèo nướng muối ớt, lẩu cá kèo… để có thể thoải mái đổi vị trong ngày Tết. Bữa cơm sum họp ngày xuân, khi quây quần bên gia đình, trong tiết trời se lạnh còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức những món ăn ngon từ cá kèo. Đặc biệt, khô cá kèo còn là món đặc sản có thể dành tặng người thân, bạn bè cùng thưởng thức. Khô cá kèo ngon nhất khi được nướng trên lửa than hồng. Với mùi vị thơm nồng đặc trưng, màu sắc vàng ươm bắt mắt, phần thịt cá khô nướng chín sẽ có vị ngọt rất đậm đà xen lẫn vị béo của gan, vị đăng đắng của mật tạo nên hương vị riêng mà không loài cá nào có được. Khác với nhiều loại cá khi chế biến phải bỏ mật và ruột cá, đối với cá kèo thì ngược lại, mật và ruột cá phải giữ nguyên vì đây chính là phần hấp dẫn nhất, rất béo và mát. Những ngày giáp Tết, có dịp về thăm cơ sở nuôi cá của anh Bùi Văn Dân, khu 6, xã Bạch Long (Giao Thủy) để thấy không khí rộn ràng khi thu hoạch cá kèo. Trước kia, anh Dân sản xuất cua biển giống và nuôi thương phẩm cua biển. Nhưng do hiệu quả kinh tế không cao nên anh đã tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá kèo từ bạn bè ở Bạc Liêu và mạnh dạn nuôi cá kèo thay thế cua. Anh Dân chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi cá kèo khi mà cua biển không còn cho hiệu quả kinh tế cao”. Theo anh Dân, cá kèo hoàn toàn có thể sống, thích nghi và phát triển được trong điều kiện khí hậu nóng, lạnh thất thường của miền Bắc. Không mày mò tự làm mà khi quyết định nuôi cá kèo, anh mời kỹ sư thủy sản về hướng dẫn kỹ thuật nên dù là năm đầu nuôi thả nhưng gia đình anh đã gặt hái được khá nhiều thành công. Sản phẩm được bán với giá 150-200 nghìn đồng/kg. Dịp Tết Nguyên đán này gia đình anh xuất bán khoảng 10 tấn cá kèo thương phẩm. Sau 5-6 tháng nuôi, cá kèo có thể đạt trọng lượng trung bình là 25-30 con/kg. Cá kèo sau khi thu hoạch sẽ được “tắm” qua nước lạnh trước khi vận chuyển để cá sống lâu hơn, đảm bảo cá khi đến tay người tiêu dùng vẫn hoàn toàn tươi ngon.
Xuân đang gõ cửa khắp nơi. Sức sống mới đang tưng bừng, rộn rã trên khắp các thôn xóm, khắp các đường phố. Mùa xuân như về sớm hơn trên những ao đầm nuôi tôm, cá. Ai ai cũng rạng rỡ niềm vui khi khép lại một năm cũ dù gặp nhiều biến động về thời tiết, thử thách của thiên nhiên nhưng vẫn có những thành công đáng được ghi nhận, tạo động lực và hy vọng cho người nuôi thủy sản trong ngày xuân về một năm mới với những thắng lợi mới./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.