• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Cá đồng mùa cạn

Nguồn tin: Báo An Giang, 17/02/2018
Ngày cập nhật: 21/2/2018

Cơn gió bấc se lạnh bất chợt chuyển mình xao xuyến, nhường chỗ cho tiết xuân ấm áp hát khúc khải hoàn. Đây là lúc ngư dân canh theo con nước quăng chài, thả lưới hoặc tát đìa bắt cá làm khô, mắm ăn Tết.

Những khúc kênh bận rộn

Đi qua dòng kênh Vĩnh Tế, nhìn sân trước, những chị phụ nữ xúm xít bên thau cá làm khô, mắm. Tiếng cười nói rôm rả, tạo nên bầu không khí hừng hực của những ngày khai thác cá đồng đón Tết. Ngồi bệt bên thau cá, bà Nguyễn Thị Lệ (Sáu Lệ, 68 tuổi, ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) nhanh nhảu mần sạch những con cá linh tươi ngon, bồi hồi kể, từ năm 2000 trở về trước, mỗi lần đến mùa cá chạy, người ta khai thác nhiều đến mức phải tính bằng giạ. Thương buôn dùng ghe đục chở cá tới tấp cân giao, cả xóm phải thắp đèn dầu mần cá thâu đêm. Còn những luồng đáy chạy cá linh nhiều vô kể, kêu không ai mua, họ phải xả bỏ. “Hồi trước, tui đi bán cá chợ vài tấn mỗi đêm là chuyện thường. Bây giờ, toàn cá chốt, cá rô, cá dảnh. Cá trèn, cá kết, cá lóc đồng cũng ít dần nên khi làm mắm có giá rất cao, vậy mà người ta vẫn mua…”- bà Sáu Lệ bày tỏ.

Thuở trước, mỗi lần cơn bấc thổi xào xạc, trên những cánh đồng nghiêng, nước chuyển màu bùn cũng là lúc con cá tìm đường ra sông cái. Ở tuyến kênh 10, kênh Tha La, kênh Trà Sư hàng trăm chiếc xuồng thi nhau quăng chài bắt cá đông như hội để mần khô, mắm dự trữ ăn Tết. Ghé kênh Trà Sư, nơi được biết đến như “mỏ cá” do thiên nhiên ban tặng. Năm nào cũng vậy, lượng thủy trình tại miệng cống này chảy ầm ầm, bọt nước văng tung tóe. Có năm, nơi đây thu hút đủ thành phần đến khai thác cá, rồi nướng trui thưởng thức tại chỗ, không nơi nào sánh bằng. Thú tiêu dao nơi thôn dã ấy được lan truyền khắp nơi, thu hút “nam thanh, nữ tú” hoặc những “phượt thủ” đến đây quăng chài bắt cá và chụp hình “tự sướng”, tạo nên không khí sôi động ở vùng đầu nguồn này.

Nắm bắt được nhu cầu và sở thích phiêu lưu của người dân “chốn phồn hoa đô thị”, bà con ở miền biên viễn đã cho “ra lò” những “quán cóc” dã chiến, chuyên phục vụ những món ăn từ “hương đồng cỏ nội”. Ấy vậy mà họ bán đắt! Đặc biệt, những ngày thứ bảy và chủ nhật, xe cộ đến đây đông nghẹt để thưởng thức món cá đồng tươi ngon, ngọt lịm. Khách đường xa ngồi bên chiếc bàn trệt 4 chân, cùng cái lò than hồng rực cháy, tự tay gắp từng con cá để lên vỉ nướng, mùi thơm phảng phất. “Hình ảnh mùa nước nổi trở nên xa xỉ đối với bọn trẻ chốn thị thành. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật tui tổ chức cho gia đình về đầu nguồn tham quan rừng tràm Trà Sư và thưởng thức cá đồng tại đầu tuyến kênh này” - anh Nguyễn Văn Khánh (ngụ TP. Cần Thơ) cho biết. Còn chị Hằng, chủ quán Như Ý bày tỏ, hồi trước, mỗi lần đến con nước cá ra thì tại đập Trà Sư có tới hàng trăm người đến đây xúc, quăng chài, thả lưới bắt cá. Sau 1 buổi trải nghiệm “cái thú tiêu dao nơi cánh đồng sâu”, họ tổ chức nướng cá thưởng thức tại chỗ. “Lúc đó, tui cho thuê lò than, bán nước đá. Sau đó, ông xã tui mới nghĩ đến chuyện mở quán để phục vụ những món ăn đồng quê. Quán của tui bán chủ yếu cá lóc đồng, cá lăng, cá trèn, cá kết, tôm càng xanh, lươn, rắn, ếch…” - chị Hằng liệt kê.

Cho tới bây giờ, vợ chồng chị Hằng mới giật mình về cách làm táo bạo ấy, vậy mà khách phương xa về đây tấp nập. Chuyện bán buôn trở nên xôm tụ không kém. “Ngày cao điểm, tui bán trên 20 bàn ăn, có khi lên tới cả trăm khách, phục vụ theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Đầu bếp là những chị phụ nữ ở quê mình. Chế biến xong, khách vào tận bếp xem và bưng bê, bày biện tiếp mình” - chị Hằng cười bẻn lẻn.

Dự trữ cá đồng bán Tết

Cánh đồng biên giới mùa này dần cạn nước. Ngồi trên chiếc xuồng cui, anh Huỳnh Văn Cường (49 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, Phú Tân) dùng chân đẩy nước để thăm những chiếc lọp cá lóc. Hơn 10 năm trong nghề “bà cậu”, anh Cường đã nếm trải biết bao nhiêu khổ cực của nghề này. Nhờ nghề “hạ bạc” mà anh đã nuôi sống gia đình. Nhớ về cái thời lũ lớn, anh Cường bồi hồi: “Ngày trước, đồng nhà chưa xây cống đắp đê, tui đặt lọp mỗi ngày dính trên 100kg cá lóc, cá rô. Còn bây giờ, phải qua tận cánh đồng biên giới giáp Campuchia mới có nơi để đặt lọp”.

Mùa nước nổi năm nay, anh Cường đầu tư 500 chiếc lọp, chi phí bỏ ra hơn 35 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày, anh Cường đặt dính từ 20-30kg cá lóc đồng, bán với giá 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí bỏ túi ngót nghét 1 triệu đồng. Anh Cường bộc bạch: “Khoảng 25 tháng Chạp, tui nghỉ đặt, rồi kéo lọp về quê ăn Tết cùng gia đình. Năm nào cũng vậy, bắt đầu tháng 5 (âm lịch), tui chuẩn bị lọp vận chuyển sang cánh đồng giáp biên để khai thác cá đồng, kéo dài đến gần Tết mới về quê. Ăn Tết xong bắt tay vào công việc sửa lọp, đan lọp… Phải cố gắng làm mới có đồng vô, đồng ra trang trải cuộc sống”.

Còn ông Sáu Tửu (Nguyễn Văn Tửu, 65 tuổi, ở huyện đầu nguồn An Phú) là một trong những người có thâm niên trong nghề đặt lọp cá lóc trên 40 năm. Sáu Tửu cùng đứa con trai đặt trên 100 cái lọp cá lóc. Thông thường, người ta thấy nước rút khô đồng là nghỉ xả hơi, còn gia đình Sáu Tửu cố bám víu kênh, mương để đặt lọp cho đến cận Tết mới trở về quê đón xuân bên gia đình. Sáu Tửu bày tỏ: “Nghề này kiếm ăn được. Siêng năng làm suốt mùa nước, bỏ sở hụi kiếm thu nhập cũng được 50-70 triệu đồng là chuyện bình thường. Mình kiếm được nhiều tiền thì xài Tết thoải mái hơn”.

Phiêu lưu trong gió chiều miền biên viễn, những luồng đú của bà con nghèo vẫn còn một vài cái trơ lên san sát mé kênh Vĩnh Tế. Xa xa, những chiếc xuồng của bà con nghèo băng thẳng dòng kênh, rồi tắt máy ghé bến cá của Hai Thanh (Lê Châu Thanh, 54 tuổi, ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc). Theo Hai Thanh, bến cá này được hình thành rất lâu đời. Nhìn trên đồng biên giới, dòng nước đang rút cạn đồng, Hai Thanh cho hay, năm nào cũng vậy, gia đình anh đều buôn cá cho đến Tết. “Năm nay, tui sẽ rọng cá lóc, cá rô, lươn và rắn bông súng, rắn trun… để bán Tết Nguyên đán. Vào những ngày Tết, dân lao động xa về quê thèm ăn cá đồng, lươn, rắn nên tìm đến vựa cá của tui mua rần rần. Có năm, dự trữ cá lóc, cá rô, rồi rắn rất nhiều mà không đủ để bán…”- Hai Thanh bày tỏ. Những ngày con nước cá ra, vựa cá của Hai Thanh thu hút hàng chục đầu xuồng từ khắp nơi đổ về bán từ 500kg - 1 tấn cá lóc đồng, cá linh từ 1-2 tấn và lươn, rắn vài chục ký. Đến vựa cá của Hai Thanh nhìn đặc sản đồng mà mãn nhãn.

THÀNH CHINH

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang