• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện về người nuôi tôm trái vụ

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 20/02/2018
Ngày cập nhật: 23/2/2018

Anh Đặng Thanh Tân (khối 1, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao. Năm 2016, mô hình của anh cho sản lượng trên 50 tấn, lợi nhuận đạt trên 3 tỷ đồng. Vậy đâu là bí quyết của sự thành công?

Mô hình nuôi trồng thuỷ sản của anh Đặng Thanh Tân, thị trấn Bình Minh (Kim Sơn).

Ứng dụng công nghệ Biofloc

Công nghệ Biofloc là một công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả cao cho các mô hình nuôi trồng thủy sản. Lợi ích mà hệ thống Biofloc mang lại là giảm tối đa lượng nước thải ra môi trường, bao gồm các chất dinh dưỡng, các chất hữu cơ và mầm bệnh. Việc tái sử dụng nước đã biến hệ thống này thành hệ thống nuôi “thân thiện với môi trường” thực sự.

Anh Tân cho biết, cơ sở khoa học hình thành công nghệ Biofloc chính là các hạt floc. Hạt floc là khối kết dính của các loại vi khuẩn, tảo, động vật nguyên sinh, sinh vật khác và các mảnh vỡ các phân tử hữu cơ từ tế bào chết. Chúng được xem như một nhà máy vi sinh độc đáo gồm các phân tử giàu dinh dưỡng, có khả năng tồn tại lơ lửng trong môi trường nước nghèo dinh dưỡng.

Hệ thống này giúp tối ưu hóa tiềm năng của các quá trình vi sinh diễn ra trong ao. Phương pháp này không thay nước, chỉ cấp bù và phát huy các yếu tố tích cực về môi trường khiến hệ thống Biofloc ngày càng được phổ biến rộng rãi, nâng cao an toàn sinh học, hạn chế tối đa sự nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh từ các dòng vi rút hoành hành trên tôm nuôi.

Anh Tân biết đến công nghệ trên qua quá trình theo học ngành kỹ sư thủy sản tại Đại học Nha Trang và hơn 8 năm công tác tại Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng (2004-2012). Chính vì vậy, khi bắt đầu về quê để làm đầm nuôi tôm vào năm 2013, anh đã nung nấu quyết tâm áp dụng công nghệ này vào mô hình nuôi trồng thủy sản của mình.

Anh cho biết thêm, các hạt floc này có giá trị dinh dưỡng cao, có thể sử dụng làm thức ăn cho tôm. Công nghệ Biofloc tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn dị dưỡng phát triển mạnh bằng cách bổ sung nguồn carbon vào môi trường ao để cân đối với hàm lượng nitơ có sẵn, duy trì mức độ khuấy đảo nước trong ao và hàm lượng oxy hòa tan thích hợp.

Nước ao nuôi tôm rất giàu chất thải hữu cơ, vì thế dẫn đến tình trạng thừa nitơ mà lại thiếu carbon so với nhu cầu của vi khuẩn. Bổ sung đủ carbon sẽ giúp vi khuẩn phát triển, sử dụng hết các chất thải hữu cơ, chuyển hóa amonia, làm sạch môi trường. Nguồn carbon hữu cơ có thể dùng để bổ sung vào ao nuôi thường là Glucose, Ccetate hoặc Glycerol.

Trên thực tế, anh Tân lựa chọn sử dụng dị mật - một loại chiết xuất từ mật mía với giá thành khá rẻ, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa đáp ứng đủ được lượng carbon cung cấp cho môi trường ao nuôi theo công nghệ Biofloc.

Việc sử dụng các hệ thống quạt nước hoặc sục khí trong ao nuôi hết sức quan trọng, để có thể giữ cho vi khuẩn và các hạt floc lơ lửng trong nước, cung cấp đủ oxy hòa tan cho hoạt động trao đổi chất của vi khuẩn. Hơn thế, việc tạo ra dòng xoáy nước sẽ giúp việc thu gom các chất thải còn lại về phần đáy, ở giữa ao nuôi - tại đây sẽ có một hệ thống ống dẫn đưa chất thải ra các bể xử lý bên ngoài.

Thâm canh trái vụ

Không chỉ sử dụng công nghệ Biofloc tiên tiến, anh Tân còn áp dụng thêm nhiều phương pháp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao vào mô hình của mình. Hiện mô hình nuôi trồng thủy sản rộng gần 4ha của anh Đặng Thanh Tân có 8 ao nuôi.

Đầu tháng 12 vừa qua, anh đã cho nuôi thả hơn 1 triệu con giống tôm thẻ chân trắng (nuôi trái vụ). Anh cho biết, với việc sử dụng các mái che bằng các tấm nilong, bạt chuyên dụng che phủ lên trên các ao nuôi sẽ giúp điều chỉnh nhiệt độ trong môi trường nước.

Chính vì vậy, người nuôi hoàn toàn có thể thâm canh trái vụ. Đối với giống tôm thẻ chân trắng, điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất là ở mức 26 độ C, khi nhiệt độ môi trường nước giảm dưới 20 độ C, tôm sẽ ngừng ăn. Bởi vậy, vào mùa đông có nền nhiệt độ thấp, các ao nuôi truyền thống phải dừng canh tác. Nhưng với ao nuôi của gia đình tôi vẫn có thể tiếp tục canh tác bình thường. Nuôi tôm trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt do tôm được giá, nhu cầu tiêu thụ cao, vì thế chỉ lo... thiếu tôm để bán.

Việc làm mái che cho ao nuôi còn có công dụng hữu hiệu vào mùa hè, khi nền nhiệt cao hoặc thời tiết có mưa lớn dài ngày. Với các ao nuôi truyền thống không có mái che phủ, các tia nắng mặt trời chiếu thẳng xuống ao nuôi làm nhiệt độ nước tăng cao, làm chậm quá trình sinh trưởng của tôm, nguy cơ gây chết tôm non.

Còn trường hợp khi trời mưa sẽ khiến lượng lớn nước mưa xâm nhập vào ao nuôi, làm thay đổi độ p/H trong môi trường nước, có thể gây ra tình trạng yếm khí, nguy hại đến tôm nuôi. Tuy nhiên, với việc sử dụng mái che sẽ hạn chế phần lớn các tình trạng kể trên.

Hiệu quả đã được kiểm chứng rõ rệt trong thời điểm tháng 5 và tháng 6/2017, một số hộ nuôi trồng thủy sản tại địa bàn huyện Kim Sơn chịu thiệt hại do tình trạng nắng nóng kéo dài hay tình trạng mưa lớn kéo dài đầu tháng 10/2017 vừa qua. Tuy nhiên, tôm nuôi tại mô hình của anh Tân vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Đến cuối vụ, hàng tấn tôm thương phẩm vẫn đều đều được đóng thùng và xuất đi khắp nơi.

Ngoài việc đảm bảo về sản lượng tôm thương phẩm trong năm, anh Tân còn tự tin về chất lượng tôm thương phẩm từ mô hình. Anh cho biết, tôm thương phẩm của tôi đảm bảo không sử dụng chất kháng sinh. Để phòng trừ dịch bệnh cho tôm, anh sử dụng một loại hỗn hợp sinh học chế biến từ tỏi xay nhuyễn rồi đem ủ với chế phẩm sinh học, trộn vào thức ăn cho tôm.

Các thành phần tự nhiên trong hỗn hợp này sẽ giúp tăng sức đề kháng cho tôm, hạn chế sự phát triển của các mầm bệnh. Cũng không thể quên rằng, việc anh ứng dụng công nghệ Biofloc đã giúp hạn chế thấp nhất khả năng phát triển của mầm bệnh do môi trường ao nuôi luôn đảm bảo hợp vệ sinh.

Với tổng mức đầu tư là 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các công nghệ kể trên đã giúp mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Đặng Thanh Tân đạt hiệu quả cao. Với sản lượng tôm năm 2016 đạt trên 50 tấn, doanh thu trên 8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 37,5%, mô hình của anh đã trở thành điển hình để nhiều hộ nuôi thủy sản khắp cả vùng tìm đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Bài, ảnh: Thái Học

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang