Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang, 23/02/2018
Ngày cập nhật:
25/2/2018
Vĩnh Thuận là 1 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang có điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, sau thời gian đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng con tôm và cây lúa, Vĩnh Thuận đã từng bước ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển…
Nuôi tôm giúp nhiều hộ vươn lên khá giả
Chuyển dịch đúng hướng
Những ngày gần Tết Mậu Tuất 2018, có dịp về vùng quê Vĩnh Thuận sẽ chứng kiến nhiều gia đình hồ hởi chuẩn bị đón năm mới. Ông Lê Minh Liệt, ngụ ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, cho biết: “Năm qua, nhờ con tôm phát triển ổn định và giá luôn dao động ở mức cao, khoảng 105.000 đồng/kg (tôm thẻ loại 100 con/kg), người nuôi vùng này có lãi. Với 7ha đất nuôi tôm kết hợp trồng lúa và trồng sen đã tạo nguồn thu cho gia đình tôi trong năm khoảng 700 triệu đồng; nhờ đó có điều kiện vui tết lớn”.
Ấp Đồng Tranh (xã Vĩnh Bình Bắc) có 310 hộ thì 70% là hộ khá, minh chứng cho sự đổi thay tích cực của vùng này. Ông Lê Việt Bắc, Trưởng ấp Đồng Tranh, tiết lộ: Trước đây vùng sâu này cũng lắm khó khăn bởi đất đai nhiễm phèn nên sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Thời đó, bà con quay đi quay lại với cây lúa và cây khóm, nhưng năng suất thấp, giá bán không cao, không dư được gì. Khoảng năm 2010 trở đi, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất do huyện đề ra; trong đó, xã Vĩnh Bình Bắc được xác định thế mạnh là nuôi tôm và trồng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Người dân trong xã nói chung và ấp Đồng Tranh nói riêng được cấp trên đầu tư làm thủy lợi, bờ bao, quy hoạch lại đất đai hợp lý để phát triển mô hình nuôi tôm thẻ kết hợp với tôm càng xanh và trồng lúa. Bình quân mỗi hécta thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng trở lên, góp phần giúp nhiều hộ từ khó khăn vươn lên khá giả.
Cùng với con tôm, nhiều hộ trồng lúa cũng cải thiện thu nhập khá tốt nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm. Ông Nguyễn Văn Bền, canh tác 2,5ha lúa ở ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, bộc bạch: “Thời gian trước do nông dân canh tác dạng nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên năng suất và chất lượng lúa đạt không cao; ngoài ra còn bị thương lái ép giá mỗi khi tới vụ thu hoạch. Thấy được hạn chế này, nên nông dân tự nguyện liên kết và được chính quyền địa phương vận động vào hợp tác xã nhằm hình thành vùng sản xuất lớn để giảm chi phí giá thành, canh tác cùng một loại giống chất lượng cao, cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cách làm này giúp nông dân chủ động được từ sản xuất đến tiêu thụ, vì thế lợi nhuận tăng cao”.
Theo ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, toàn huyện hiện có khoảng 23.000ha tôm - lúa với sản lượng tôm hàng năm hơn 12.500 tấn; hơn 6.400ha đất trồng lúa 2 vụ, với tổng sản lượng lúa khoảng 136.000 - 150.000 tấn/năm. Từ sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng, nông dân các xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Bình Minh, Vĩnh Thuận, Tân Thuận… đạt lợi nhuận từ 100 triệu đồng/ha trở lên đối với nuôi tôm và 70-90 triệu đồng/ha đối với trồng lúa kết hợp rau màu…
Hợp tác phát triển bền vững
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, nhìn nhận: “Những kết quả đạt được thời gian qua rất đáng mừng và càng vui hơn mỗi khi xuân về được nhìn thấy người dân sum vầy, no đủ, nhà mới khang trang... Tất cả là những nỗ lực không ngừng của các ngành chức năng và người dân Vĩnh Thuận. Hiện nay, huyện Vĩnh Thuận tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp hơn, thích ứng tốt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường. Bên cạnh đó, huyện triển khai kịp thời các giải pháp phát triển sản xuất và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đúng quy hoạch đề ra. Tăng cường đầu tư thủy lợi, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hướng dẫn người dân đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản, mở rộng cải tạo diện tích ao đầm, thả nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao phù hợp từng địa phương như tôm càng xanh, tôm thẻ, cua... đặc biệt là tôm sú, gắn việc phòng bệnh và tăng cường kiểm tra xử lý bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Quan tâm triển khai các mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp như: Tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng lớn bước đầu đạt hiệu quả...”.
Ông Phạm Hùng Em, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh, chia sẻ: “Trong thời buổi kinh tế thị trường, hàng hóa nông sản chịu sự cạnh tranh quyết liệt về giá, chất lượng... do đó, sản xuất riêng lẻ, tự phát sẽ yếu thế, chịu nhiều rủi ro. Nông dân Vĩnh Thuận đã nhận thấy điểm hạn chế này nên cùng nhau vào HTX để sản xuất theo quy hoạch, theo thời vụ, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Việc hợp tác trong sản xuất cũng nhằm giảm chi phí giá thành, tăng chất lượng hàng nông sản, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu nâng giá trị hàng hóa”.
Để tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp phát triển, huyện Vĩnh Thuận đang đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, như đường ven sông Cái Lớn, Cái Chanh, đường nối dài từ thị trấn Vĩnh Thuận đến xã Vĩnh Bình Nam và xã Vĩnh Bình Bắc; đường ở thị trấn Vĩnh Phong... đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân được nhanh chóng, dễ dàng.
Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, sản xuất nông nghiệp ngày càng theo hướng hiện đại; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; tập trung vào các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, có thị trường tiêu thụ tốt, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 70-80 triệu đồng/ha trở lên.../.
HUỲNH LỢI
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.