Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 26/02/2018
Ngày cập nhật:
27/2/2018
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, tình trạng đánh bắt trộm cá, tôm cua diễn ra khá phổ biến tại các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi và thị trấn Sịa. Lực lượng chức năng tổ chức hàng chục đợt tuần tra, truy quét, phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ vi phạm.
Không chỉ tàn phá, tận diệt thủy sản trên sông và đầm phá, ngư tặc còn ngang nhiên trộm cắp thủy sản nuôi lồng.
Ông Phan Hạnh ngày đêm bảo vệ lồng cá của mình
Thức trắng đêm trông cá
Hơn tháng nay dù thời tiết mưa lạnh, nhưng ông Phan Hạnh ở thôn 2, xã Hải Dương (TX. Hương Trà) phải ngày đêm thức trên chòi canh để bảo vệ lồng nuôi cá chẽm sẽ được thu trong dịp tết. "Sau đợt lũ cuối năm vừa rồi, nhiều hộ nuôi cá lồng ở thôn 2 phát hiện số lượng cá trong lồng nuôi ngày càng ít dần. Nghi ngờ có người bắt trộm, người dân đã mai phục và phát hiện một nhóm người lạ đến vờn quanh khu vực nuôi cá lồng. Khi một người trong nhóm ngư tặc tiếp cận lồng cá nuôi, sử dụng kích điện bắt cá thì bị người dân vây bắt, thu giữ phương tiện giao cho chính quyền địa phương xử lý", ông Hạnh kể.
Ông Nguyễn Minh ở thôn 2, xã Hải Dương bức xúc: "Lồng cá nuôi của tui dự tính sẽ thu hoạch bán để có tiền trang trải trong dịp tết nhưng đã bị trộm cắt lưới, thu trộm hết sạch, ước thiệt hại trên 20 triệu đồng. Cùng thời điểm, tại thôn 2 còn có 5 hộ khác bị mất trộm ước thiệt hại trên 100 triệu đồng".
Mới đây, ông Phan Hạnh và các hộ nuôi lại phát hiện những người trộm cá trở lại hoạt động vào ban đêm, thường đi từng nhóm khá đông mang theo nhiều bộ kích điện, ắc quy, dao... Chúng cho thuyền tiếp cận lồng nuôi cá Đan Mạch của ông Hạnh thì bị người dân phát hiện, tri hô đã nổ máy tẩu thoát. Từ đó đến nay, đêm nào ông Hạnh cùng các hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương phải thức trắng đêm trên chòi canh, bất chấp mưa gió, giá lạnh để bảo vệ tài sản của mình.
Ông Phan Lân, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Hải Dương đồng cảm với những nỗi lo của người dân trước vấn nạn ngư tặc lộng hành. Hội Nghề cá của xã đã thành lập đội tự quản thủy sản nuôi trên đầm phá nhưng hoạt động không hiệu quả. Phương tiện truy bắt còn thiếu, công suất nhỏ, trong khi trộm thường đi theo nhóm, xuồng đuôi tôm hoặc đò công suất lớn dễ dàng tẩu thoát khi bị các lực lượng phát hiện, vây bắt.
Manh động
Không chỉ ở Hải Dương, kẻ trộm còn “tấn công” nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân ở Quảng Điền và ngang nhiên đánh bắt trộm và không ngần ngại chống trả các lực lượng truy bắt.
Còn nhớ cách đây vài năm, trong khi đang làm nhiệm vụ truy bắt, ông Võ Đà ở thị trấn Sịa bị ngư tặc đâm trọng thương phải điều trị dài ngày. Sau đó, các đối tượng bị bắt và xử phạt tù giam mỗi người từ 6-9 tháng.
Sự xuất hiện trở lại của những kẻ trộm cá ngày càng manh động, thách thức người dân và các lực lượng chức năng. Chỉ trong vòng một năm qua, đã thực hiện hàng chục vụ “tấn công” vào ao hồ bắt trộm tôm, cá của người dân thôn Mai Dương, xã Quảng Phước.
Ông Nguyễn Khôi, Trưởng thôn Mai Dương thông tin, điều lo ngại đối với người dân và các lực lượng chức năng là kẻ trộm cá tỏ ra ngang nhiên, thách thức và thường đi theo băng nhóm rất đông. Nhiều lần phát hiện vi phạm, tổ chức vây bắt thì chúng đã báo tin cho nhau kéo đến hàng chục người chống trả lực lượng chức năng rồi tẩu thoát.
Ông Nguyễn Giàu ở thôn An Xuân, xã Quảng An cho hay, ông và một số bà con phát hiện người sử dụng rà điện và thả lưới đánh bắt tôm, cá trong ao hồ của mình và người dân trong thôn. Ông truy hô và báo UBND xã tổ chức các lực lượng truy bắt, nhưng bọn chúng sử dụng hung khí nguy hiểm như dao, gậy sắt chống trả quyết liệt. Người dân còn phát hiện nhiều vụ khác nhưng không dám truy bắt, chỉ biết truy hô để bọn chúng bỏ chạy vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.
Các đối tượng vi phạm thường sử dụng đò máy công suất lớn từ 24-28CV, chạy rất nhanh; sử dụng xuồng đuôi tôm với hàng chục người đi vào ban đêm và thường mật báo cho nhau nên các lực lượng rất khó truy bắt. Trên mỗi chiếc đò, thuyền thường có 3-4 bình ắc quy cỡ lớn, bộ kích công suất lớn.
Khó khăn lớn nhất đối với các địa phương hiện nay là phương tiện truy bắt tội phạm còn nhiều hạn chế. Trong khi đò máy của ngư tặc có công suất từ 24CV trở lên, thì phương tiện của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, truy bắt chỉ 15-20CV.
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ, hiện nay đơn vị chỉ có hơn 10 kiểm ngư viên hoạt động cả trên đầm phá, trên biển, sông hồ và chỉ có 1 chiếc thuyền công suất nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ kiểm tra, truy bắt tội phạm. Điều này đòi hỏi các địa phương, ban ngành cần chủ động tăng cường lực lượng và đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lực lượng của các thôn, cơ quan, ban ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tuần tra, truy bắt và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.