Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 26/02/2018
Ngày cập nhật:
27/2/2018
Nếu như trước đây, sau tết luôn là thời điểm nông nhàn, thì hiện nay, nhờ sự đầu tư lớn về thủy lợi, giống, khoa học kỹ thuật… sau khi nghỉ tết, nông dân lại khẩn trương bước vào mùa vụ mới, với mục tiêu và sự kỳ vọng lớn hơn.
Cây mía kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi tôm nước lợ. Ảnh: Tích Chu
Từ mùng 4 tết, những chiếc máy gặt đã có mặt trên khắp cánh đồng lúa Đông – Xuân chín vàng, trĩu hạt. Giá lúa vẫn tiếp tục giữ ổn định ở mức cao, nên cái tết dường như vẫn còn đọng mãi trên gương mặt của người trồng lúa. Họ vui vì có được vụ lúa trúng mùa lại trúng giá, nhưng vẫn có chút lo xa, không biết vụ lúa tới có còn được như hiện nay. Bởi vậy, ngay ở vụ lúa này, họ đã tính đến chuyện chọn giống lúa nào, sử dụng quy trình canh tác gì để lúa được trúng mùa, bán được giá cao.
Việc cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL theo hướng ưu tiên thủy sản, rồi mới đến cây ăn trái và sau cùng là cây lúa sẽ giúp cho ngành lúa gạo ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng có điều kiện chuyên sâu hơn về giá trị và tính hiệu quả, thay vì chỉ chạy theo sản lượng như trước đây. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Sóc Trăng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc phát huy thế mạnh các vùng trồng lúa đặc sản, như đề án của tỉnh.
Các điều kiện “cần” đã có, vấn đề còn lại là thay đổi cách nghĩ, cách làm từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, chọn giống, quy trình canh tác, đến việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đến liên kết, đầu tư tiêu thụ sản phẩm, để đảm bảo điều kiện “đủ” cho việc hình thành nên một “thủ phủ” lúa thơm như kỳ vọng của ngành chức năng và người trồng lúa trong tỉnh.
Sản xuất tự nhiên, thu sản phẩm tự nhiên, giá bán cũng… tự nhiên cao. Ảnh: Cao Long
Tại những vùng nuôi tôm nước lợ, không khí chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới cũng khẩn trương không kém. Nhiều vuông tôm đã được cải tạo xong phơi mình khô khốc, một số đã được thả giống, quạt ôxy chạy tung nước trắng xóa. Với kinh nghiệm thành công và cả thất bại của năm 2017, bước vào vụ nuôi năm 2018, nhiều hộ nuôi đã nâng cấp mô hình theo công nghệ mới, như: làm ao ương nổi, ao nuôi lót bạt đáy, lót lưới mành… có hệ thống xi phông để nuôi được mật độ cao, an toàn dịch bệnh.
Mấy năm gần đây, những mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới đều có sự thành công và độ an toàn cao, góp phần làm nên thành công chung cho ngành tôm của tỉnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để nâng cấp mô hình nuôi theo công nghệ mới, bởi chi phí đầu tư cho mỗi hécta nuôi tôm theo công nghệ mới này là rất cao. Cho nên, điều người nuôi tôm mong mỏi trong năm mới này chính là những cách làm mới của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để họ có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, hầu có điều kiện chuyển đổi, nâng cấp mô hình nuôi đạt hiệu quả hơn.
Năm nay, cây mía phát triển rất tốt, nhưng đầu ra sản phẩm đường lại bế tắc, nên nông dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung đang tính đường thoát thân cho riêng mình, bởi sự “thủy chung” với cây mía không giúp họ cải thiện thu nhập, trong khi một số đối tượng cây trồng, vật nuôi khác trên địa bàn đang rất hiệu quả. Đối với những hộ có điều kiện thì chuyển sang nuôi tôm hay trồng cây ăn trái, còn thấp hơn là trồng màu, nhưng tất cả theo tính toán của nhà nông đều có hiệu quả hơn so với cây mía hiện tại.
Nông dân vùng tôm – lúa bắt đầu chuyển đổi sang làm lúa hữu cơ giống đặc sản, đảm bảo giá trị và hiệu quả. Ảnh: Tích Chu
Cũng có một số nông dân ở vùng lợ “không làm gì cả” mà cứ thuận theo tự nhiên đến mùa mưa, nước ngọt sẽ trồng lúa, còn mùa khô lấy nước ra vào tự nhiên, mỗi tháng theo con nước lớn ròng, xổ cống thu tôm, cá tự nhiên, tính ra cũng hơn nhiều so với vùng chuyên lúa, bởi sản phẩm của họ là tự nhiên, nên bao giờ cũng có giá cao. Không nói đâu xa, hôm gần tết, có dịp xuống nhà người bạn ở Thạnh Thới An (Trần Đề) dự buổi tát vuông ăn tết mới thấy hết tính hiệu quả của cách làm tự nhiên này. Tôm càng xanh, cá lóc, cá rô phi… mỗi thứ vài chục đến vài trăm ký, chưa thu hoạch xong đã có lái chờ sẵn mang đi kịp phiên chợ tết.
Nông dân đã và đang tự chuyển đổi, hay nói cách làm là họ tìm cho mình cách làm mới để gia tăng giá trị và hiệu quả sản xuất, đó là điều đáng mừng. Nhưng chỉ với mình họ theo kiểu tự phát thôi là chưa thể bền vững, nên vẫn cần có thêm cách nghĩ, cách làm mới từ các cấp, các ngành để những cách làm mới của họ phát huy được hiệu quả và đảm bảo được tính bền vững.
Hy vọng năm mới, sẽ được chứng kiến nhiều cách làm mới giúp nâng cao giá trị và tính hiệu quả của từng sản phẩm nông nghiệp, để có thể đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp luôn song hành với tăng thu nhập của đại bộ phận nhà nông. Đó mới chính là mục tiêu đích thực của tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đang thực hiện.
Tích Chu
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.