Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 04/01/2018
Ngày cập nhật:
5/1/2018
Năm 2017, XK tôm tăng mạnh về giá trị và góp phần quan trọng giúp cho XK thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, doanh nhân ngành tôm, ngành tôm Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những vấn đề lớn làm hạn chế tới sự phát triển bền vững.
Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2017, XK tôm cả nước đạt 352.290 tấn, trị giá 3,484 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và 22,9% về giá trị so cùng kỳ 2016. Ước tính trong cả năm 2017, XK tôm đạt khoảng 3,8 tỷ USD, gần bằng mức kỷ lục của năm 2014 (xấp xỉ 4 tỷ USD). Như vậy, tôm tiếp tục là mặt hàng thủy sản XK quan trọng nhất và có đóng góp lớn nhất vào thành tích XK ước tính đạt hơn 8,3 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm 2017.
Tuy nhiên, còn nhiều điều phải làm để hình thành một ngành tôm bền vững, đạt giá trị gia tăng cao, mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước. Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Cty Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng đang có 4 “nút thắt” làm hạn chế tới sự phát triển của cả ngành tôm.
Trước hết, về con giống, đang quá phụ thuộc vào nước ngoài, khi gần 70% lượng con giống bố mẹ vẫn phải NK. Những con tôm giống bố mẹ NK từ các nước khác, vốn không được sản xuất ra để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. Do còn phụ thuộc nguồn giống bố mẹ NK nên giá tôm giống vẫn đang ở mức cao và không ổn định. Năm 2017, giá tôm giống tăng vọt khiến cho giá thành sản xuất tôm thương phẩm bị đội lên nhiều. Do đó, cần phải sớm chủ động được nguồn con giống bố mẹ sản xuất trong nước càng sớm càng tốt. Khi đã chủ động được nguồn giống bố mẹ, ngành tôm Việt Nam mới có thể điểu chỉnh để tạo ra được những con tôm giống thương phẩm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thức ăn, nhu cầu nuôi thương phẩm…
Ở khâu nuôi, hiện nay, nuôi tôm vẫn chủ yếu là do nông dân thực hiện. Vì thế, dù tôm hàng hóa đã được nuôi ở nước ta từ lâu, đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi bằng công nghệ tiên tiến, nhưng nhìn chung, vẫn chưa có một ngành công nghiệp nuôi tôm thực sự ở Việt Nam. Nuôi tôm vẫn đang mang bản chất của sản xuất nông nghiệp, ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Về công nghệ nuôi, vẫn dựa chủ yếu vào các công nghệ của các công ty nước ngoài.
Sở dĩ có tình trạng trên là do đến nay vẫn chưa có một khu vực nuôi tôm hoàn toàn công nghiệp, khi mà ngay cả một số công ty dù đã tổ chức nuôi tôm, vẫn đang phải sử dụng nhiều ao nuôi phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Bởi vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương cần sớm quy hoạch, xây dựng những cánh đồng nuôi tôm công nghiệp với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhất là hệ thống thủy lợi riêng biệt, qua đó giúp cho người nuôi chủ động điều tiết được môi trường nước phù hợp với sự phát triển của con tôm.
Nguồn thức ăn nuôi tôm hầu như vẫn đang phụ thuộc vào các công ty có vốn nước ngoài. Mà những công ty này, lại cũng đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK. Chẳng hạn, 90% bột cá để sản xuất thức ăn cho tôm đang phải NK, do nguồn bột cá trong nước chỉ có thể làm thức ăn cho gia súc, cho cá. Đậu nành gần như 100% phụ thuộc vào NK... Điều này khiến cho giá thức ăn nuôi tôm ở Việt Nam đang cao hơn so với sản phẩm cùng loại ở các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…
Tất cả những yếu tố nói trên đang khiến cho nuôi tôm ở Việt Nam chưa có được sự phát triển bền vững. Trong khi ở nhiều nước nuôi tôm lớn khác, tỷ lệ nuôi thành công lên tới 70%, thì ở Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 40%. Đó là nguyên nhân khiến cho giá thành tôm nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn so với nhiều nước nuôi lớn khác, và không đủ sức cạnh tranh với tôm nuôi từ các nước châu Á khác như Ấn Độ, Thái Lan… Bằng chứng là trong 3 năm nay, Việt Nam hầu như không thể XK tôm dạng nguyên liệu cơ bản.
Ngoài ra, việc chưa kiểm soát thật tốt khâu XK, nhất là XK tiểu ngạch cũng đang ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của cả ngành tôm. Nếu như XK chính ngạch vào các thị trường đang được kiểm soát rất tốt, thì XK tiểu ngạch lại chưa kiểm soát được. Những năm qua, thương nhân Trung Quốc đổ xô sang Việt Nam mua tôm nguyên liệu rồi đưa qua đường tiểu ngạch về Trung Quốc. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, ATTP của tôm Việt Nam. Bởi các thương nhân Trung Quốc hầu như không quan tâm tới dư lượng kháng sinh, dư lượng hóa chất… trên tôm, mà chỉ quan tâm tới màu sắc, kích cỡ con tôm. Do đó, sự xuất hiện và thu mua tôm nguyên liệu của họ một cách ồ ạt mà không quan tâm tới chất lượng, ATTP, đã làm phá vỡ những nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nông dân nuôi tôm không dư lượng kháng sinh.
Thanh Sơn
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.