Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi, 30/12/2017
Ngày cập nhật:
1/1/2018
Càng về cuối năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng như diện tích nuôi tôm siêu thâm canh (STC) của Cà Mau cứ liên tục tăng tốc, tiến nhanh về đích khi đạt được những con số ấn tượng, mang lại niềm vui và sự kỳ vọng khi bước vào năm mới.
Qua thống kê từ các địa phương, diện tích nuôi tôm STC hiện đạt gần 1.000ha, năng suất đạt từ 20 - 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công trên 85%; tập trung nhiều nhất tại các huyện: Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước. Giá tôm nguyên liệu xuyên suốt năm 2017 luôn ở mức cao, người nuôi tôm STC càng có thêm động lực mở rộng quy mô, diện tích.
Ông Huỳnh Xuân Diện, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) kiểm tra, hướng dẫn xã viên nuôi tôm siêu thâm canh.
Tăng nhanh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh
Ngay địa phương vùng ngọt như huyện Thới Bình cũng đã có trên 1ha ao nuôi tôm STC, hay huyện vùng rừng ven biển như Ngọc Hiển có trên 12ha ao nuôi. Ngoại trừ các công ty, doanh nghiệp tham gia nuôi tôm với diện tích tập trung, phần lớn hộ nuôi tôm STC có diện tích nhỏ, mỗi ao nuôi từ 1.000m2 trở xuống, để dễ quản lý cũng như dành phần lớn diện tích cho các công trình phụ trợ: Ao lắng, ao vèo, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, với nhiều kinh nghiệm ở một địa phương tiên phong trong phát triển các loại hình nuôi hiện đại, người dân Đầm Dơi có diện tích ao luôn khá lớn. Nhiều hộ nuôi có từ 2 ao trở lên, cá biệt như ở ấp Tân Long B, xã Tân Dân, hộ ông Trần Tấn Lực có đến 8 ao nuôi, hay ông Phạm Chí Thức có 6 ao nuôi. Ở xã Quách Văn Phẩm cũng có nhiều hộ nuôi từ 3 - 5 ao.
Diện tích ít nhưng sản lượng nuôi STC gấp 3 - 4 lần so với nuôi công nghiệp (thâm canh), theo đó đã góp phần rất lớn trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu trong tỉnh, giảm áp lực phải nhập tôm nguyên liệu từ nước ngoài hay phải thu gom tại các tỉnh lân cận.
Đến nay, sản lượng chế biến xuất khẩu đã đạt trên 128.000 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Thống kê chưa đầy đủ, kim ngạch xuất khẩu hiện đã đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang tiếp tục tăng ca sản xuất để kịp các đơn hàng cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch 2018.
Diện tích chuẩn bị thả nuôi đang được hoàn thiện các điều kiện theo quy định.
Ưu tiên phát triển nuôi quảng canh cải tiến
Cùng với nuôi STC, Cà Mau vẫn ưu tiên và tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, vì phù hợp với khả năng sản xuất của hầu hết người nuôi tôm hộ gia đình, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và ổn định về môi trường vùng nuôi, nâng cao thu nhập, phát triển bền vững. Đối tượng nuôi theo hình thức này chỉ là con tôm sú, đáp ứng nhu cầu cho thị trường xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có trên 98.500ha nuôi tôm quảng canh chuyển sang quảng canh cải tiến, tăng 12,5% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt từ 450 - 550 kg/ha/năm, diện tích đang thả nuôi đạt 100%. Phấn đấu đến năm 2025, nâng năng suất nuôi quảng canh cải tiến trung bình đạt 740 kg/ha/năm, đưa tổng sản lượng đạt 174.000 tấn. Theo đó, sẽ chuyển đổi mạnh phương thức nuôi tôm quảng canh sang quảng canh cải tiến và phấn đấu đạt diện tích ở loại hình nuôi này lên trên 235.000ha sau năm 2020.
Để thực hiện được việc chuyển đổi này, ngành Nông nghiệp đang từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất. Để từ đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu con tôm sú của Cà Mau.
Tăng cường quản lý, hướng dẫn và nhân rộng mô hình
Việc phát triển nhanh diện tích nuôi STC thật sự là điều đáng mừng, nhưng cũng đáng lo ngại. Vì người dân thường thấy nghề nuôi siêu lợi nhuận mà dồn sức sản xuất, trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, khả năng tài chính, nhất là về an toàn trong sử dụng điện và xử lý môi trường.
Sau nhiều chỉ đạo bằng văn bản và những lần kiểm tra thực tế tại các địa phương, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có sự chỉ đạo kiên quyết đối với hình thức nuôi tôm STC. Theo đó, thành lập Tổ kiểm tra của tỉnh hướng dẫn điều kiện nuôi tôm thâm canh, STC trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên kiểm tra tình hình thẩm định và việc chỉ đạo khắc phục các nội dung chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch của UBND cấp huyện, xã đã ban hành. Đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cụ thể cho từng hộ dân có khu nuôi chưa đảm bảo điều kiện về thiết kế hạ tầng khu nuôi (ao nuôi, ao lắng, ao xử lý nước thải, chất thải, điện...) biện pháp khắc phục. Có biên bản vẽ hiện trạng, bản vẽ sau khắc phục; biện pháp, thời gian khắc phục từng nội dung cụ thể trong biên bản kiểm tra, thẩm định để làm cơ sở kiểm tra, thẩm định kết quả hộ dân thực hiện nội dung đã cam kết.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chỉ đạo và tham mưu cho cấp ủy trong chỉ đạo huy động hệ thống chính trị trên địa bàn thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác chỉ đạo nuôi tôm thâm canh, STC. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện, cán bộ kỹ thuật cấp xã tích cực tham mưu, hướng dẫn các ngành, đoàn thể nắm các quy định về điều kiện, quy trình kỹ thuật nuôi để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Trong đó, chú ý tuyên truyền để tất cả các hộ là hội viên của các đoàn thể, hộ dân trên địa bàn biết các quy định về điều kiện nuôi tôm thâm canh, STC. Qua đó thống kê các hộ dân có kế hoạch đầu tư nuôi tôm thâm canh, STC để có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, quản lý việc thực hiện nuôi tôm đúng quy định. Phát huy vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm thâm canh, STC trên địa bàn trong việc tham gia kiểm tra điều kiện sản xuất, hỗ trợ xã viên khắc phục các nội dung chưa đảm bảo điều kiện theo quy định, trong hỗ trợ cho các xã viên nâng cao trình độ kỹ thuật, ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, về an toàn lao động... Kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện các quy định về điều kiện, quy trình nuôi tôm thâm canh, STC; điều chỉnh, bổ sung các quy định quản lý nuôi tôm thâm canh, STC.
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo về việc tăng cường tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất… Về xây dựng nhân rộng mô hình nuôi, đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, ưu tiên nhân rộng mô hình ương tôm giống trên ao nhỏ cho các loại hình nuôi tôm (quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, STC).
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trước ngày 25 hằng tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh đã chỉ đạo trong nuôi tôm, cập nhật tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
Với quyết tâm trong phát triển nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu con tôm, Cà Mau đang dốc toàn lực với mục tiêu sản xuất hiệu quả, bền vững, năng suất cao, lợi nhuận lớn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ước tính năm 2017, ngành Thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 8,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2016. Đây là nỗ lực rất lớn trong một năm đầy những thách thức, nhất là tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến nghề nuôi và khai thác thủy hải sản.
TRẦN NGUYÊN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.