Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 06/03/2018
Ngày cập nhật:
7/3/2018
Thực hiện Nghị quyết 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, trọng tâm vào việc tư vấn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi, từ đó bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, kinh doanh.
Đối với nhóm hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh (Kim Sơn), những ngày thời tiết không thuận lợi như mưa rét, bão lũ, nắng nóng không còn là mối quan tâm, bởi tôm được nuôi trong nhà lưới lót bạt mà nhóm áp dụng có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp nuôi tôm truyền thống từ trước đến nay. Ông Vũ Hải Đường, thành viên trong nhóm cho biết: Mô hình nuôi tôm trong nhà bạt được xây dựng nuôi thử nghiệm từ đầu năm 2017, trên diện tích 7ha. Toàn bộ hệ thống ao nuôi, ao ươm, ao xử lý nước đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, được bê tông hóa bờ, đáy. Riêng ao nuôi có diện tích 3 ha được làm mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ giúp giảm thiểu sự tác động của thời tiết, đặc biệt vào những đợt rét đậm, rét hại hoặc nắng nóng kéo dài, nhiệt độ bên trong nhà bạt luôn đảm bảo cao hơn hoặc thấp hơn từ 5 -10 độ C so với bên ngoài. Chính vì vậy, ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào, tôm cũng luôn sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Vũ Hồng Sơn, một thành viên khác trong nhóm hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh cho biết thêm: Trong quá trình chăn nuôi, tôm trong nhà lưới được nuôi theo công nghệ vi sinh. Đây là hệ thống nhân sinh khối vi khuẩn có lợi để đưa vào trong ao nuôi. Vi khuẩn có lợi có khả năng kiểm soát tốt các thành phần dinh dưỡng trong cột nước để duy trì mật độ tảo ở mức thích hợp và hạn chế tảo độc phát triển. Đối với mỗi ao nuôi, ngoài việc trang bị hệ thống quạt nước để cung cấp nguồn ôxy cho tôm nuôi, giải phóng khí độc; dưới đáy ao còn được lắp đặt hệ thống xi phong để loại bỏ chất thải của tôm ra bên ngoài. Chất thải của tôm được xử lý để nuôi trùn quế - đây là nguồn thức ăn cung cấp cho tôm.
Với việc liên kết thành nhóm hộ nuôi tôm, tích cực đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi, nhà lưới hiện đại, đặc biệt ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tôm phát triển với những ưu điểm vượt trội. Theo đánh giá của các hộ, nuôi tôm theo phương pháp này giảm 50% chi phí, thức ăn giảm 30%, tỷ lệ sống đạt 100%... 1 năm, nhóm hộ gia đình có thể nuôi được 4 vụ, năng suất cao gấp 3-4 lần, sản lượng đạt 21 tấn/ha/vụ, tăng gấp hai lần so với phương pháp nuôi quảng canh. Từ thành công trên, nhóm hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh đang mở rộng liên kết hỗ trợ nhân dân trong vùng với mục tiêu đưa con tôm Kim Sơn không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Hạnh Chi
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.