Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 30/03/2018
Ngày cập nhật:
2/4/2018
Hiện nay, tính cả 2 vụ, Ninh Bình có trên 2.200 ha nuôi tôm với nhu cầu con giống mỗi năm trên 115 triệu con. Tôm giống quyết định rất lớn đến việc thành công hay thất bại của vụ nuôi. Vì thế, ngay đầu vụ tôm này, ngành Nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với huyện Kim Sơn và các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm bền vững.
Cán bộ Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh kiểm tra chất lượng tôm giống tại ao nuôi của gia đình ông Trần Văn Kỳ, xóm 5, xã Kim Đông. Ảnh: Thái Học
Một nông dân ở xóm 7, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn chia sẻ, vụ tôm năm 2016, thiếu vốn lại nghĩ nuôi quảng canh nên không cần coi trọng con giống lắm nên ông đã quyết định mua 4 vạn con giống giá rẻ (450 nghìn đồng/vạn) về thả nhưng trong quá trình nuôi, tôm kém ăn, chậm lớn, sau đó 1,5 tháng thì có hiện tượng chết hàng loạt. Sau vụ nuôi này, ông không bao giờ dám mua giống tôm giá rẻ nữa. Còn ông Nguyễn Văn Tường, xóm 6, Kim Đông thì cho biết “Tôi mua con giống ở các công ty có uy tín, có chất lượng, dù cho giá cao gấp đôi nhưng cũng phải chấp nhận, vì đây là giống đã qua kiểm định, sạch bệnh, tỷ lệ nuôi thành công cao”.
Tôm giống kém chất lượng sẽ ẩn chứa mầm bệnh, khi điều kiện thời tiết thích hợp mầm bệnh bùng phát, đây là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao đối với tôm thiệt hại. Được biết, đầu vụ tôm năm 2017, các xã ven biển huyện Kim Sơn đã có trên 700 ha tôm bị thiệt hại, bên cạnh nguyên nhân chính là thời tiết nắng nóng bất thường thì có một phần nguyên nhân còn do con giống kém chất lượng. Vì vậy, vụ tôm năm 2018 này, với kế hoạch thả nuôi trên 2.100 ha tôm vụ 1, ngành Nông nghiệp, UBND huyện Kim Sơn, chính quyền các xã và đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn, khống chế tôm giống kém chất lượng nhập về địa phương.
Theo đó, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản đã tiến hành đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị của các đơn vị, tổ chức kinh doanh giống trên địa bàn, yêu cầu đảm bảo các điều kiện cần thiết trước khi cho nhập giống tôm về. Ngoài ra, huyện Kim Sơn cũng đã thành lập một tổ quản lý giống tôm, thành phần bao gồm một số chuyên viên Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện, Chi cục Thú y, Trạm thủy sản Kim Sơn- Yên Khánh, lực lượng công an, quản lý thị trường. Tổ này hoạt động từ 2 giờ sáng mỗi ngày (cao điểm mua bán, vận chuyển giống) để tuần tra, giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển buôn bán giống tôm vào vùng nuôi. Kiểm tra hồ sơ kiểm dịch, hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các lô tôm giống đưa về ương dưỡng, thả nuôi trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, vận chuyển, sử dụng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Huyện chỉ đạo UBND các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chức năng triển khai nghiêm túc lịch thời vụ nuôi tôm đã được ban hành, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, ký cam kết yêu cầu các cơ sở kinh doanh tôm giống, nuôi tôm chấp hành các quy định về kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh thú y, quản lý chất lượng tôm giống, phòng chống dịch bệnh. Nêu cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, tổ cộng đồng vùng nuôi trong việc kiểm soát chất lượng con giống thả nuôi, kịp thời thông tin với chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành về các trường hợp vi phạm, vận chuyển, sử dụng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Đồng chí Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn- Yên Khánh (Chi cục Thủy sản) cho biết: Vừa qua, Đoàn liên ngành đã phát hiện 2 xe chở tôm giống (1 xe ở trên địa bàn xã Kim Đông, 1 xe ở xã Kim Hải) đưa giống về sớm hơn lịch thời vụ nên đã kiên quyết đưa ra khỏi địa bàn. Còn từ thời điểm ngày 10/3 trở lại đây, qua kiểm tra cho thấy chất lượng giống tôm nhập về khá đảm bảo và nhìn chung tốt hơn so với mọi năm; các cơ sở kinh doanh tôm giống cũng đã tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý, kinh doanh, vận chuyển giống tôm.
Tuy nhiên, theo ngành thủy sản thì cái khó hiện nay là trên địa bàn tỉnh hiện không có một cơ sở sản xuất tôm giống nào, 100% tôm giống được nhập từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và miền Trung về (nguồn tôm sú nhập về chủ yếu từ Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, tôm thẻ chân trắng nhập về từ Quảng Bình, Bình Định). Trong khi đó, khâu giám sát chất lượng tôm giống nhập từ tỉnh ngoài lại đang có nhiều bất cập, bởi theo quy định, với tôm giống nhập từ tỉnh ngoài vào, việc kiểm dịch hoàn toàn do phía tỉnh xuất giống thực hiện. Các lô tôm giống nhập từ ngoại tỉnh vào chỉ cần có giấy kiểm dịch là đủ điều kiện lưu hành. Với quy trình trên, nếu phía xuất giống không làm kỹ khâu kiểm dịch thì phía nhập giống sẽ có nguy cơ cao về nhiễm dịch bệnh, nhất là trong tình hình hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm trên tôm, gây ra thiệt hại cho người nuôi. Hiện việc kiểm tra, kiểm soát tôm giống của chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra lô tôm giống đó có giấy kiểm dịch, có đúng kích cỡ và đồng đều như công bố không; môi trường nước trong bịch tôm có bị chênh lệch lớn về nhiệt độ hoặc độ mặn không… chứ chưa thực hiện được việc xét nghiệm bệnh trên tôm. Đây là khó khăn khách quan, do vậy người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trong khâu chọn giống và nên chọn giống của các công ty, cơ sở có uy tín.
Hà Phương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.