Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 04/04/2018
Ngày cập nhật:
6/4/2018
Những năm qua, người dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.
Hơn chục năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Võ Ninh đã tận dụng những lợi thế về tự nhiên, địa hình để chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu khi mới triển khai, do chạy theo lợi nhuận, nhiều hộ gia đình ở xã Võ Ninh nuôi trồng ồ ạt, chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật và vấn đề xử lý môi trường. Vì thế, lợi nhuận tuy cao nhưng rủi ro cũng nhiều; không ít hộ nuôi rơi vào cảnh trắng tay.
Trước thực trạng đó, xã Võ Ninh định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết HĐND xã đề ra về phát triển kinh tế, gắn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với nhu cầu thị trường, trong đó xác định nuôi trồng và khai thác thủy hải sản là hướng đột phá quan trọng.
Nông dân xã Võ Ninh chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản.
Để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, bên cạnh việc tạo điều kiện về con giống, nguồn vốn, xã Võ Ninh còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn quan tâm hỗ trợ cho người dân về mặt kỹ thuật.
Anh Trần Quang Định, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, một trong những hộ gia đình có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất xã cho biết, bình quân mỗi năm, gia đình anh nuôi trên 1 ha, chủ yếu là các loại tôm sú, thẻ chân trắng. Được sự hỗ trợ của xã, nhiều nông dân như anh đã được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, được trang bị các kiến thức về vệ sinh ao hồ, phòng chống dịch bệnh, chọn giống..., nhờ đó, góp phần nâng cao sản lượng và thu nhập.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết, năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn xã là 167,4 ha, tăng 0,7% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 120,8 ha, tăng 3,6 ha so với kế hoạch; diện tích nuôi nước lợ 46,6 ha, đạt 94% do một số diện tích cao không nuôi.
Do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, nắng nóng gay gắt và mưa nhiều, bệnh đốm trắng ở tôm và dịch bệnh trên cá nước ngọt phát sinh mạnh, nên nhìn chung giá trị nuôi trồng thủy sản của xã vẫn không đạt được như kỳ vọng. Chính vì vậy, bước vào vụ nuôi trồng mới năm nay, xã đề ra nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế trong quá trình sản xuất.
Trong đó, xã tập trung hướng dẫn người dân chú trọng vào việc tiến hành cải tạo và vệ sinh ao đầm, chuẩn bị các điều kiện nuôi thả vụ mới. Đồng thời, xã cũng huy động kinh phí, nhân lực để tu sửa các cống đầu mối, nạo vét kênh mương phục vụ cho nuôi trồng thủy sản của người dân.
Nhờ đó, quý I năm 2018, diện tích nuôi trồng cá nước ngọt đạt 100% kế hoạch. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng ước đạt 129/532 tấn, đạt 24,3% kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Riêng các hộ nuôi trồng nước lợ đang tiếp tục tu sửa, vệ sinh ao hồ để đưa vào nuôi.
Với sự chỉ đạo và quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, người dân xã Võ Ninh đang nỗ lực phát triển hơn nữa nghề nuôi trồng thủy sản, qua đó, từng bước hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Th.H
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.