Nguồn tin: Nhân Dân, 04/04/2018
Ngày cập nhật:
6/4/2018
Hầu hết cơ sở hạ tầng đầu tư để nuôi cá bơn, cá mú đã được các đơn vị “tận dụng” nuôi loại hình thủy sản khác với hiệu quả cao hơn.
Với kỳ vọng đánh thức tiềm năng, lợi thế diện tích đất đai, mặt nước vùng ven biển, năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh hợp tác Công ty TNHH phát triển Fineton (Hồng Công, Trung Quốc) thực hiện Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020. Mặc dù đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước nhưng chỉ sau một năm sản xuất, mô hình hợp tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro và thất bại là tất yếu đã được dự đoán trước.
Lựa chọn mạo hiểm
Thực hiện Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020 (Đề án), đầu năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ba huyện ven biển (Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) tổ chức thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư triển khai xây dựng mô hình trên địa bàn các huyện.
Mỗi huyện xây dựng một mô hình, trong đó, nuôi cá mú bằng lồng trên ao đất cát lót bạt theo mô-đun thiết kế định hình với diện tích 4ha. Các doanh nghiệp: Công ty TNHH Như Nam, Công ty cổ phần Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương, HTX Viết Hải là ba đơn bị đầu tiên được lựa chọn đã đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng.
Theo phản ánh của các đơn vị tham gia, ngay từ đầu, việc chọn đối tác liên kết sản xuất là Công ty TNHH phát triển Fineton thực hiện đề án đã bộc lộ nhiều rủi ro bởi bản thân Công ty TNHH Phát triển Fineton là một doanh nghiệp chuyên hoạt động ở lĩnh vực khai khoáng. Vì không có kinh nghiệm, tay nghề trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản nên suốt quá trình hợp tác, đơn vị này chỉ đóng vai trò trung gian, môi giới.
Theo hợp đồng được ký kết, Công ty TNHH phát triển Fineton là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguồn cá giống cho các đơn vị tham gia sản xuất. Nhưng ngay từ lô cá đầu tiên nhập vào nước ta qua cửa khẩu tiểu ngạch đã bị cơ quan kiểm dịch thú y Việt Nam từ chối nhập cảnh vì toàn bộ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa không hợp lệ. “Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nên nỗi lo về chất lượng nguồn giống đã được giải tỏa, tuy nhiên khi lô cá giống thứ hai với đầy đủ hồ sơ, được phép nhập cảnh thì chúng tôi càng bất ngờ hơn với mức phí nhập khẩu cá giống. Đối chiếu với nguồn cá giống cùng chủng loại, kích thước được ương nuôi tại Quảng Ninh thì mức phí nhập khẩu cao gấp ba lần so hàng nội địa, đó là chưa kể đến chi phí vận chuyển từ Quảng Ninh về Hà Tĩnh”, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh tham gia đoàn khảo sát cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, theo chia sẻ của Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương (đơn vị tham gia sản xuất) Lê Sỹ Hải, không chỉ mức giá nguồn cá giống cao mà chi phí các hạng mục vật tư, thiết bị do đối tác Fineton cung cấp phục vụ đề án đều cao hơn thị trường. Ngoài ra, mặc dù ngay đầu vụ, các chủ mô hình đã ký hợp đồng cung ứng, tiêu thụ với Công ty TNHH phát triển Fineton (giống cá; thuốc phòng, chữa bệnh; kỹ thuật thiết kế xây dựng ao hồ; kỹ thuật nuôi cá; tiêu thụ sản phẩm, mua toàn bộ sản phẩm cá tại ao nuôi) nhưng đối tác này chỉ thu mua được 13 tấn/87 tấn cá được sản xuất trong vụ.
Do phía công ty Fineton không thực hiện tiêu thụ theo đúng hợp đồng đã ký, đến thời điểm thu hoạch, các doanh nghiệp không thực hiện được hợp đồng tiêu thụ nên bị động, lúng túng trong tìm thị trường tiêu thụ, các đơn vị phải kéo dài thời gian nuôi, lưu giữ cá trong ao. Một số lượng lớn cá lưu giữ gặp rét bị chết; một số do nuôi kéo dài không đúng thời vụ, thời tiết bất lợi đã phát sinh dịch bệnh chết; một số cá bị ảnh hưởng của sự cố môi trường tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp. Theo báo cáo của các đơn vị tham gia Đề án, ngay từ vụ nuôi đầu tiên, các đơn này đều bị lỗ từ 7 đến 9 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn “nhầm” đối tác dẫn đến vỡ liên kết sản xuất, tiêu thụ, không ít người trong cuộc cho rằng, đa phần các đơn vị được tỉnh lựa chọn tham gia Đề án đều là những đơn vị chuyên hoạt động trên lĩnh vực đầu tư, dây dựng cơ bản, không có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chưa nói đến ứng dụng công nghệ cao. Thành ra, sau khi nhận nguồn hỗ trợ lớn từ ngân sách, các doanh nghiệp này sản xuất nửa vời, khi gặp khó khăn không chủ động tìm kiếm thị trường…
Quản lý lỏng lẻo
Khác phương thức sản xuất truyền thống, chi phí cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cao hơn rất nhiều so với năng lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp Hà Tĩnh. Để triển khai đề án này, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ cho năm đơn vị tham gia Đề án 38 tỷ đồng, trong đó, đã cấp ứng 30,7 tỷ đồng, thực tế chỉ có ba doanh nghiệp đã nuôi còn hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Xây lắp Thành Vinh, Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt đã được cấp ứng nhưng chưa nuôi.
Theo số liệu từ Sở Tài chính Hà Tĩnh, trong tổng số 21,4 tỷ đồng tiền ngân sách đã hỗ trợ cho ba đơn vị đã triển khai nuôi cá mú (Công ty TNHH Như Nam, Công ty cổ phần Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương, HTX Viết Hải), sau khi nghiệm thu, thanh toán khối lượng, vẫn còn hơn 2,8 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ đang dư tại các đơn vị này. Đến nay, ngành chức năng mới chỉ thu hồi được 1,4 tỷ đồng từ Công ty TNHH Như Nam, hai đơn vị còn lại vẫn chưa hoàn trả số tiền thừa do ngân sách hỗ trợ.
Ngoài ra, cũng theo báo cáo từ Sở Tài chính Hà Tĩnh, trong quá trình triển khai đề án, Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt và Công ty cổ phần Xây lắp Thành Vinh đã được UBND tỉnh cho tạm ứng kinh phí 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Đề án thiếu khả quan nên đầu năm 2016, tỉnh đã có chủ trương dừng triển khai đề án tại hai doanh nghiệp này. Từ đó đến nay, nguồn ngân sách hỗ trợ này vẫn nằm trong quỹ của hai doanh nghiệp thụ hưởng.
Theo phản ánh của đại diện lãnh đạo hai doanh nghiệp trên, mặc dù chưa triển khai nuôi cá nhưng sau khi tiếp cận nguồn hỗ trợ, họ đã triển khai xây dựng một số hạng mục của đề án. “Từ đầu năm 2016 đến nay, chúng tôi nhiều lần đề nghị các ngành chức năng tiến hành nghiệm thu thanh toán theo khối lượng đã triển khai. Nếu nguồn hỗ trợ còn thừa thì chúng tôi sẽ hoàn trả cho nhà nước, nếu khối lượng triển khai nhiều hơn nguồn hỗ trợ thì địa phương cũng cần phải bù đắp cho doanh nghiệp”, Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp Thành Vinh Võ Tá Vinh nói.
Đồng quan điểm trên, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt cũng cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh cần sớm tiến hành nghiệm thu, thanh toán khối lượng triển khai để doanh nghiệp tận dụng hạ tầng để tiếp tục đầu tư, triển khai đối tượng nuôi khác.
Khác với những kiến nghị của các doanh nghiệp, theo phản ánh của người dân địa phương và qua tìm hiểu thực tế, sau một mùa nuôi thất bại, hầu hết doanh nghiệp đã tận dụng hạ tầng để đầu tư nuôi tôm trên cát. Mặc dù Đề án đã thất bại nhưng các đơn vị tham gia Đề án lại được thừa hưởng cơ sở hạ tầng để “tận dụng” triển khai nuôi tôm trên cát. Ngoài việc nghiệm thu, thanh toán bị kéo dài, việc tỉnh Hà Tĩnh chậm đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai Đề án từ ba năm qua càng khiến cho dư luận thắc mắc nhiều hơn về tính minh bạch trong quá trình triển khai Đề án?
Từ năm 2011 đến 2015, tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách gần 120 tỷ đồng để thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ cho một số đối tượng mới được áp dụng sản xuất, nuôi trồng, công nghệ khoa học - kỹ thuật. Tuy vậy, hiệu quả của các chính sách này không đạt như kỳ vọng.
Bài, ảnh: NGÔ TUẤN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.