Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 3/4/2018
Ngày cập nhật:
6/4/2018
Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đã tạo rủi ro lớn cho nghề nuôi tôm sú. Thực tế nhiều năm qua, tại Hậu Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung hiệu quả nuôi tôm sú tập trung thấp, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh và công nghiệp. Vì vậy, để khai thác thêm giá trị trên một ha nuôi trồng thủy sản bằng biện pháp đa dạng đối tượng nuôi đang được cấp ủy, chính quyền và người dân vùng ven biển Hậu Lộc quan tâm.
Một góc nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Thùy Dương
Theo một số người dân nuôi thủy sản trong vùng, chia sẻ: Nhiều vụ nuôi tôm sú trước đây, do đã phải đầu tư vốn lớn và bỏ công sức chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thế nhưng cuối vụ thu hoạch, trừ mọi chi phí lãi không đáng kể. Đó là chưa kể có vụ mua phải tôm sú giống mang sẵn mầm bệnh thả nuôi gặp thời tiết bất lợi, biến động môi trường làm dịch bệnh lây lan, tôm chết hàng loạt, công sức, vốn liếng đổ ra sông, ra biển. Các năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của huyện, xã nhiều chủ đồng đã “phá” thế độc canh tôm sú bằng cách nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá, rau câu, chẳng may mất tôm còn có nguồn thu từ các đối tượng khác bù vào... Nhiều chủ đồng tại các xã Hòa Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng ao nuôi đồng bộ, hiện đại, mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, 2 vụ/năm. Năng suất tôm thẻ chân trắng thương phẩm bình quân đạt 15 tấn/ha/vụ. Sau khi đã trừ các chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng/1 ha/vụ... Không những làm giàu cho gia đình, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ.
Cùng chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi trồng thủy sản, đại diện lãnh đạo UBND xã Minh Lộc, cho biết: Năm 2018, Minh Lộc đã đưa 38,54 ha vào nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 46,65 ha. Để có hiệu quả bền vững, ngoài tôm sú xã tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, công nghệ cao. Nhiều hộ đã tích cực đầu tư vào các mô hình nuôi thủy sản , đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như khu nuôi tôm thẻ của hộ anh Cao Văn Sỹ, thôn Minh Thành (xã Minh Lộc) trước đây là khu đất bỏ hoang do bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không trồng được lúa. Từ năm 2001, xã Minh Lộc đã cho gia đình anh Sỹ thuê 9,8 ha đất để đầu tư ao nuôi tôm sú theo phương pháp quảng canh nhưng hiệu quả thấp. Các năm gần đây, gia đình anh đầu tư cải tạo toàn bộ ao đầm, mua giống, lắp đặt các thiết bị... nuôi tôm thẻ chân trắng, với hy vọng hiệu quả kinh tế hơn nuôi tôm sú. Đất không phụ công người, đến nay, mô tình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 15 - 20 tấn tôm thương phẩm/ha, trừ chi phí lãi vài tỷ đồng. Đó là chưa sử dụng hết diện tích ao nuôi hiện có. Tới đây anh tiếp tục đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, chắc chắn hiệu quả kinh tế mang lại sẽ còn cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm ao đất truyền thống.
Đồng chí Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Các vụ nuôi trước đây, do một số nguyên nhân nhiều diện tích tôm chết hoặc chậm lớn, dịch bệnh lây lan, hiệu quả nghề nuôi tôm sú thấp. Các năm vừa qua, UBND xã đã chỉ đạo chủ đồng xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật; chọn mua con giống bảo đảm chất lượng và đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng; thả nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả cao và bền vững. Toàn xã có 436 ha nuôi thủy sản nước mặn; 30 ha nuôi nước ngọt; 186 ha n¬¬ước lợ (trong đó có 33 ha nuôi tôm thẻ chân trắng). 100% diện tích nuôi nước lợ trên địa bàn đã được nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, luân canh, xen canh các đối tượng thủy sản khác (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua là đối tượng chính được nuôi luân canh, xen canh đa thời vụ với tôm rảo, rau câu và các loại cá), giá trị tăng cao hơn khoảng 40%. Cụ thể, giá trị nuôi trồng thủy sản của xã Đa Lộc từ 22 tỷ đồng (năm 2015) tăng lên 34 tỷ đồng (năm 2016), năm 2017, mặc dù ảnh hưởng bão lụt gây thất thiệt nhưng giá trị nuôi thủy sản của xã vẫn đạt 38,5 tỷ đồng. Xã đã và đang triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành nâng cấp gần 100 ha ao nuôi vùng nội đê và khu đồng Yên Lộc đáp ứng yêu cầu nuôi công nghiệp với đối tượng là tôm thẻ chân trắng. Ổn định diện tích nuôi nước mặn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho người dân nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Hậu Lộc lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2015-2020) và đề án phát triển nông nghiệp đến 2025, tầm nhìn 2030 xác định: Khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản là thế mạnh, mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025 thủy sản chiếm 62,49% cơ cấu ngành nông, lâm thủy sản; tổng sản lượng đạt 60.000 tấn; giá trị sản xuất bình quân 1 ha nuôi thủy sản đạt 250 triệu đồng.
Để phấn đấu năm 2018, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 45.000 tấn trở lên, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 12.000 tấn (tăng 25,5% so với thực hiện năm 2017), trước mắt, huyện đã đưa hơn 1.878 ha vào nuôi trồng thủy sản , tăng 131,5 ha so với năm 2017. Trong đó, ổn định diện tích nuôi ngao Bến Tre 703 ha tại các xã vùng bãi ngang; 731 ha nuôi nước ngọt; 444,5 ha nuôi nước lợ với đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như¬ tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, cá... UBND huyện, các xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, phát tài liệu đến hộ nuôi kỹ thuật cải tạo ao đầm, kiến thức kiểm tra, đánh giá chất lượng tôm giống, chăm sóc, quản lý tôm nuôi, quản lý môi trường vùng nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh đúng liều lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trư¬ờng. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh; kiểm soát các đối tượng đưa giống tôm đến địa phương bán phải có đủ các giấy chứng nhận đã kiểm dịch tại nơi sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Luệ, cho biết: Hậu Lộc có lợi thế cả nuôi nước ngọt, nước mặn và nươc lợ. Các năm vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng nuôi được quan tâm đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả. Một số mô hình nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi VietGAP bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi. Vùng nuôi ngao Bến Tre của huyện đang từng bước thực hiện các khâu kiểm soát để đủ điều kiện nằm trong chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ tại thị trường khối EU, nhằm nâng giá trị cao hơn từ 3-4 lần hiện nay. Cùng với việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, huyện đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, tôm sú; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vùng triều nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, quan tâm phát triển đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như¬ tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá rô phi đơn tính... Mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, ngao... Thực hiện mục tiêu năm 2025 tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 2.014 ha, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã chuyển hàng trăm ha đất trồng lúa sâu trũng kém hiệu quả, đất sản xuất muối kém hiệu quả và vùng ven đê nhiễm mặn sang sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp như lúa-cá, nuôi thủy sản nước lợ theo hướng đa dạng đối tượng nuôi. Riêng năm 2018, huyện có kế hoạch chuyển đổi 120 ha, trong đó có 80 ha đất lúa vùng trũng, kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước ngọt theo mô hình trang trại tổng hợp cá-lúa và nuôi nước lợ; 40 ha đất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước lợ.
Thùy Dương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.