Nguồn tin: Báo An Giang, 08/01/2018
Ngày cập nhật:
9/1/2018
Thời gian gần đây, giá cá tra thịt trên thị trường tăng từ 23.000 đồng/kg lên 29.000 đồng/kg, bình quân nông dân lãi ít nhất 6.000 đồng/kg. Riêng hộ sản xuất cá tra giống, mức lời cao gấp nhiều lần cá thịt. Với mức lời này, nhiều hộ đổ xô thả nuôi, bất chấp thị trường đầu ra có tiêu thụ hết sản lượng hay không? Động thái này làm cho rủi ro từ đầu vào đến đầu ra của nghề nuôi cá rất cao.
Đầu vào
“10 năm trở lại đây, chưa bao giờ người nuôi cá tra thịt phải mua cá tra giống ở mức cao như hiện nay. Cụ thể, giá cá loại 30 con/kg, ngư dân phải mua đến 62.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi loại cá này (vào mùa thuận) chỉ ở mức 20.000-23.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá giống lãi rất nhiều, người nuôi cá thịt thì phải chịu rủi ro rất lớn. Đầu vào quá cao, trong khi đến 6 tháng nữa mới thu hoạch, chưa biết vào thời điểm đó, giá cá thịt có còn ở mức 25.000 đồng/kg hay không? Ngành nông nghiệp nên cảnh báo điều này cho người nuôi cá tra biết…” - bà Trần Thị Huệ (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang) chia sẻ.
Người nuôi cá tra giống đang có thu nhập cao
Nguyên nhân khiến cá tra giống tăng cao là do năm nay thời tiết không thuận lợi (so với những năm trước), cá ương nuôi đậu với tỷ lệ rất thấp. Thị trường thiếu con giống nên đẩy giá cá lên ở mức cao. Một nguyên nhân khác làm cho giá cá giống tăng cao là do giá cá thịt đang ở mức cao, người nuôi lãi ít nhất 6.000 đồng/kg. “Thời điểm năm 2000-2003, nuôi cá tra rất có lời, nhiều thành phần trong xã hội đã nhảy vào nuôi cá. Ngoài nông dân, từ người bán vàng, bán vật liệu xây dựng, bán nước sơn hay nhiều ngành nghề khác cũng đào hầm nuôi cá, trong khi chẳng có kinh nghiệm gì về nuôi cá, điều này rất nguy hiểm và thực tế đã chứng minh, có rất nhiều hộ thua lỗ, phá sản. Năm nay, tình trạng này đã lập lại…” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
Ngoài giá con giống cao, việc mọi người, mọi nhà đổ xô nhau nuôi cá tra sẽ khiến cho giá thức ăn, thuốc thủy sản “rụt rịch” tăng theo, từ đó khiến cho giá thành nuôi ở đầu vào tăng, trong khi giá thị trường trong 6 tháng nữa chẳng biết là bao nhiêu? Đây là một “ẩn số” rất lớn mà nông dân cần hết sức quan tâm. Cá có giá, nhiều hộ nông dân đã nhảy vào thả nuôi để “cầu may”, trong khi những hộ này vẫn nuôi theo phương thức cũ, nuôi tự phát và bán tự do.
Đầu ra
Xuất khẩu cá tra năm 2017 vừa qua được xem là đầy kịch tính, bởi từ tháng 2 đến 6-2017, thị trường các châu lục vẫn bình thường, tuy nhiên bước sang tháng 7 và đặc biệt là vào những tháng cuối năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước tăng đều ở các thị trường, đáng chú ý là thị trường Trung Quốc - Hồng Kông; ngoài mặt hàng fillet, thị trường này còn tiêu thụ rất nhiều lượng cá có kích cỡ lớn, cụ thể là mặt hàng cá tra xẻ bướm. “Thị trường này mua cá rất dễ, size cá từ lớn đến nhỏ đều tiêu thụ được. Giá bán cũng không thấp hơn các thị trường khác bao nhiêu, nhưng mua bán ở thị trường này tiềm ẩn rủi ro, bởi nhiều lúc, doanh nghiệp Trung Quốc đang mua hàng thì lại ngưng ngang, làm cho hàng hóa ứ đọng tại cửa khẩu, nông dân thua lỗ nặng. Rút kinh nghiệm ở sản phẩm thịt heo, dưa hấu, chúng tôi xuất vào thị trường này ở chừng mực nào đó, chứ không tập trung toàn lực…” - Giám đốc Công ty TNHH Thái Nam (TP. Cần Thơ) Thái Văn Nam chia sẻ.
Kết thúc năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 5% so năm trước. Song, về triển vọng của thị trường trong năm 2018 thì khó lường, bởi các quốc gia nhập khẩu mặt hàng fillet cá tra vẫn tiếp tục đánh thuế chống bán phá giá, dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế sản phẩm này vào thị trường nội địa của họ. Các doanh nghiệp chế biến cá tra hiện nay vẫn không lường trước được diễn biến của thị trường nên nông dân ào ạt thả nuôi cá tra thịt lẫn cá tra giống là rất nguy hiểm. Giải pháp tốt nhất hiện nay là nông dân cần hợp tác với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định. Việc này sẽ giảm bớt rủi ro từ 2 phía, góp phần làm cho nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu mang tính ổn định và bền vững.
“Để giảm bớt rủi ro cho nông dân lẫn doanh nghiệp, 2 bên cần ký với nhau giá sàn. Giá sàn bằng giá thành cộng thêm 15% (đây là mức lời của nông dân). Ở thời điểm thu hoạch, nếu giá thị trường thấp hơn giá sàn, doanh nghiệp mua cho nông dân giá sàn; nếu giá thị trường cao hơn giá sàn thì mức chênh lệch đó giữa nông dân và doanh nghiệp chia đôi…” - ông Trần Mai Văn Công (nông dân huyện Châu Phú) đề xuất.
Minh Hiển
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.