• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phục hồi vùng đất nuôi tôm không hiệu quả

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 7/4/2018
Ngày cập nhật: 9/4/2018

Sau khi thu hồi, cải tạo, những vùng đất hoang thuộc dự án (DA) nuôi tôm Phú Diên (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) trước đây đã được cấp lại cho dân sản xuất. Nhiều diện tích đã đưa vào canh tác, bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát huy hiệu quả.

Một số diện tích nuôi tôm ở Phú Diên

Hơn 130 ha đã đưa vào canh tác

Ông Nguyễn Thanh Nam ở thôn Kế Sung nói: “Từ khi bàn giao đất cho DA cũng là lúc đời sống của người dân “đảo lộn”. Một bộ phận người dân phải chuyển sang công việc trái nghề như phụ thợ hồ, đời sống gặp nhiều khó khăn; một số người bươn chải đến các tỉnh phía nam để mưu sinh”.

Cách đây mấy năm, tỉnh đã thu hồi DA, cải tạo lại đất bàn giao cho xã phân chia lại cho dân sản xuất nên nhiều bà con đã “hồi hương”. Phần lớn diện tích đất tại thôn Kế Sung trước đây trồng lúa, hoa màu thì giờ đây cũng được đưa vào sản xuất các loại cây trồng tương tự. Sau hơn 3 năm đi vào ổn định sản xuất, năng suất lúa và hoa màu ngày càng cao; riêng lúa đến nay đạt trên dưới 60 tạ/ha, tương đương so với trước khi chưa thu hồi phục vụ DA nuôi tôm. Các loại rau màu, khoai, ớt... cũng bước đầu mang lại hiệu quả.

Phục hồi rau màu trên diện tích đất bỏ hoang do nuôi tôm không hiệu quả ở Phú Diên

Tại thôn Mỹ Khánh, nhiều hộ sau khi nhận lại đất đã cải tạo, đầu tư nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ông Nguyễn Vương cùng với một số hộ ở thôn Mỹ Khánh nuôi tôm sú, cá dìa với diện tích gần 20 ha. Mỗi năm nuôi hai vụ, vụ đông xuân nuôi tôm, vụ hè thu nuôi cá dìa. Từ khi chuyển sang NTTS hầu như năm nào cũng có lãi. Ông Vương xởi lởi: “Tính riêng cá dìa, mỗi năm tui thu hơn 30 tấn, lãi trên dưới 1 tỷ đồng. Nuôi tôm hiệu quả không cao bằng cá dìa, song mỗi năm cũng lãi trên dưới 300 triệu đồng”.

Ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, có khoảng 170 ha đất trồng lúa, hoa màu trên địa bàn xã được thu hồi phục vụ DA nuôi tôm Phú Diên. Sau khi nuôi tôm không hiệu quả, đất bị bỏ hoang, tỉnh đã quyết định thu hồi, đầu tư cải tạo, bàn giao lại cho dân sản xuất. Đến nay có trên 130 ha đã đưa vào canh tác hiệu quả, trong đó 60 ha trồng lúa, 5-6 ha dưa hấu, 20 ha hoa màu, khoai lang, ớt, còn lại NTTS. Ngoài sản xuất lúa, thủy sản mang lại hiệu quả, nhiều diện tích trồng khoai lang, ớt, rau màu cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/ha.

“Gỡ” hơn 30 ha còn lại

Ngoài các diện tích đã đưa vào sự dụng hợp lý, hiệu quả vẫn còn hơn 30 ha tại khu nuôi tôm số 3 và khu số 6 đến nay chưa thể khôi phục sản xuất, phát huy hiệu quả như trước.

Ông Hoàng Trọng Đoài thông tin, vừa qua UBND xã Phú Diên đã lập phương án cải tạo và giao đất cho người dân sản xuất. Địa phương được tỉnh hỗ trợ 5,6 tỷ đồng để san lấp tất cả các ao hồ nuôi tôm và cải tạo đất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay hai khu nuôi tôm số 3 và số 6 với tổng diện tích 35 ha đã được cải tạo; đồng thời xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất lúa và hoa màu. Trong số 35 ha, trừ các loại đất công ích, xây dựng các công trình, còn lại 26,52 ha, cấp cho khoảng 395 hộ.

Căn cứ hiện trạng, diện tích đất, UBND xã Phú Diên đã xem xét cấp đất cho các đối tượng một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Các đối tượng được ưu tiên cấp đất là các hộ trước đây có đất bị thu hồi giao cho khu nuôi tôm; các hộ có nguồn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính.

Tuy nhiên đã hơn 3 năm sản xuất, các diện tích trên vẫn chưa mang lại hiệu quả như trước đây (khi chưa thu hồi). Trong năm 2017, địa phương đưa cây đậu lạc và một số loại cây vào trồng thí điểm với diện tích 5 ha nhưng năng suất, hiệu quả thấp.

Năm 2018, chính quyền địa phương dự kiến đưa dưa lê và cỏ voi VA06 vào trồng phục vụ chăn nuôi bò, dê. Trên địa bàn xã hiện nay có khoảng 200 con bò, dê và phong trào chăn nuôi đang có xu hướng phát triển mạnh; khoảng 6 ha bị nhiễm mặn, kém hiệu quả, địa phương đang nghiên cứu, quy hoạch đưa vào NTTS.

Trên 25 ha có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản: TS.Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên Trường đại học Nông lâm Huế cho biết, sau khi 35 ha đất các khu nuôi tôm số 3, số 6 được cải tạo, xã Phú Diên mời cán bộ trường đến kiểm tra, lấy mẫu đất để xét nghiệm. Qua nghiên cứu, nhận thấy chất đất tại đây đã bị xáo trộn hoàn toàn, các loại cây trồng không thể mang lại hiệu quả; thậm chí khó có thể sinh trưởng. Theo TS. Dũng, khoảng 25 ha có thể chuyển sang NTTS sẽ hợp lý và hiệu quả hơn, song bước đầu cần phải đầu tư nuôi thí điểm một vài vụ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang