• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Yên Bái: Mở hướng nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà

Nguồn tin: Báo Yên Bái, 5/4/2018
Ngày cập nhật: 10/4/2018

Hồ Thác Bà có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Với trên 19.000 ha mặt nước, hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, trên địa bàn huyện hiện có 20 xã, thị trấn được giao quản lý diện tích mặt nước hồ Thác Bà.

Người dân Yên Bình đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

Nghề nuôi cá trên hồ đã cho gia đình ông Trần Văn Thịnh ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình một cuộc sống khá giả với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và một ngôi nhà xây khang trang. Cũng như bao gia đình khác ở xã Vĩnh Kiên, nhiều năm trước, gia đình ông Thịnh vật lộn đủ nghề cũng chỉ đủ ăn. Từ năm 2012 đến nay, nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, ông Thịnh đầu tư quây 2,5 ha eo ngách trên hồ Thác Bà để nuôi các loại cá trắm cỏ, chép lai, rô phi đơn tính.

Ông Thịnh cho biết: "Nuôi cá theo hình thức này có ưu điểm là diện tích và thể tích lớn, tận dụng được không gian môi trường nuôi sạch, cá ít dịch bệnh; đồng thời, tận dụng được thức ăn tự nhiên và thức ăn do nuôi ghép các loại cá nên giảm chi phí đầu tư mà cá lại sinh trưởng phát triển nhanh theo chu kỳ và đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Được biết, trung bình mỗi năm, đầu tư nuôi cá theo hình thức này, gia đình ông Thịnh thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của phương thức nuôi cá eo ngách, đến nay, xã Vĩnh Kiên đã có 12 hộ đầu tư phát triển nuôi cá eo ngách với diện tích 13 ha, trên 70 lồng cá. Nhiều hộ có thu nhập khá từ 70 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng mỗi năm như gia đình ông Trần Văn Đoàn, ông Nguyễn Văn Thư…

Tại xã Thịnh Hưng, nhiều hộ gia đình ở địa phương này đã bứt phá thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá giả từ nghề nuôi cá trên hồ. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Quỳnh ở thôn Ao Khoai. Nhìn khu nhà bè với 20 lồng sắt nuôi đủ các loại cá như nheo, chép, trắm cỏ, rô phi được đầu tư căn cơ của gia đình anh, ít ai biết trước đây gia đình anh Quỳnh là một trong những hộ nghèo của thôn.

Có động lực từ chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản của tỉnh, được cán bộ huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng, gia đình anh Quỳnh đã mạnh dạn đầu tư đóng lồng sắt để nuôi cá trên hồ Thác Bà. Cứ tích cóp đầu tư dần, từ 2 lồng cá ban đầu, đến nay, gia đình anh đã phát triển được 20 lồng cá, mỗi năm thu lãi bình quân trên 150 triệu đồng.

Xã Thịnh Hưng hiện đang quản lý khai thác trên 500 ha mặt nước hồ Thác Bà. Diện tích này được chính quyền địa phương giao cụ thể cho từng gia đình quản lý khai thác nên đã thay đổi hẳn thói quen dùng mìn, kích điện hay các loại lưới mắt nhỏ để đánh bắt cá trên hồ.

Năm 2017, bên cạnh tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển nghề nuôi trên hồ, tham gia bảo vệ nguồi lợi thủy sản, xã đã ký cam kết không vi phạm việc khai thác thủy sản trên hồ bằng các loại ngư cụ mang tính tận thu hủy diệt với trên 60 hộ làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản; tổ chức 6 đợt tuần tra, phát hiện xử lý 4 vụ vi phạm.

Xã Thịnh Hưng có 63 ha ao, đầm đang nuôi trồng thủy sản hiệu quả, đặc biệt đã có trên 20 hộ phát triển nghề nuôi cá lồng eo ngách với diện tích trên 100 ha cho thu nhập ổn định. Cùng với tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhạy bén đưa các loại thủy sản có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi như cá lăng, cá trắm đen, chép lai, rô phi đơn tính, năm 2017 vừa qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản của xã đạt trên 200 tấn, tăng hơn 30 tấn so với năm 2016.

Hồ Thác Bà có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình. Với trên 19.000 ha mặt nước, hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, trên địa bàn huyện hiện có 20 xã, thị trấn được giao quản lý diện tích mặt nước hồ Thác Bà. Trong đó, có khoảng 1.300 lao động tham gia nuôi trồng thủy sản trên hồ; trên 3.000 ha diện tích đất trên đảo được nhân dân tận dụng để trồng rừng kinh tế. Xác định thế mạnh là kinh tế thủy sản và nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển thủy sản đang được tiếp tục triển khai thực hiện đã cho thấy hướng đi phù hợp, hiệu quả trong phát triển kinh tế của Yên Bình.

Lợi thế về mặt nước và truyền thống nuôi cá cùng những định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp, nghề nuôi trồng thủy sản ở Yên Bình đã và đang ngày càng phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2017, triển khai kịp thời Đề án hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh đến với người dân, nhân dân trong huyện đã thực hiện đóng mới 400 lồng cá, nâng tổng số lồng cá nuôi trên hồ Thác Bà lên 914 lồng, thực hiện quây 72 ha eo ngách trên hồ để nuôi cá, nâng tổng diện tích quây lưới lên trên 190 ha; sản lượng thủy sản năm 2017 của toàn huyện đạt trên 4.000 tấn, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Mục tiêu mà huyện Yên Bình đặt ra đến năm 2020 sẽ quy hoạch 400 ha mặt nước hồ Thác Bà để nuôi cá quây lưới, phát triển trên 1.000 lồng nuôi cá, phấn đấu sản lượng thủy sản đạt trên 7.000 tấn.

Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: "Để thực hiện được mục tiêu này, Phòng đã tham mưu giúp huyện đề nghị tỉnh điều chỉnh Đề án phát triển thủy sản để mở rộng quy hoạch vùng phát triển thủy sản theo hướng chăn nuôi hàng hóa. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp phối hợp với địa phương để xây dựng hướng phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị, từ lựa chọn con giống, áp dụng quy trình kỹ thuật, thức ăn cho chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường với mục tiêu xuất khẩu được một số loại cá. Tiếp tục đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án xác lập quyền với nhãn hiệu chứng nhận thủy sản hồ Thác Bà; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu bảo tồn các nguồn cá quý hiếm trên hồ. Cùng với đó là chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trền hồ…”.

Phạm Minh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang