• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu cá đêm sông Bồ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 16/4/2018
Ngày cập nhật: 16/4/2018

Những "nông dân trương nghĩa" Cổ Lão hỗ trợ nhau thu cá đêm

Suốt dặm dài con sông Bồ từ đỉnh núi A Sầu (A Lưới, Thừa Thiên Huế) về ngã ba Sình, chưa bao giờ thấy dòng sông sinh động như thế bởi những vụ thu cá đêm của cư dân miền trung du. Loài cá trắm cỏ đã “bén duyên” nơi con sông này chỉ mấy năm nay, nhưng đã mang lại sinh kế cho cư dân nơi biền bãi.

VỰA CÁ "VƯỢT" LŨ

Hẹn mãi, cuối cùng cũng nhận được cuộc gọi từ ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc HTX NN Tây Toàn (Hương Trà). Ông nói lớn: “Chú ra mau, đêm ni thu cá”. Bất giác xách ba lô đi, nhìn lại đồng hồ đã 21 giờ. Đêm khuya, chỉ có con “ngựa sắt” đồng hành qua các bãi ngô, dòng sông Bồ giờ vẫn còn im ắng đến lạ!

Tới nơi, vị giám đốc HTX làu bàu: “Chú chậm mần tui suýt trễ chuyến thu cá đêm. Đợi cả tháng ni mới được hai người thu đó”. Cuốc bộ ra thấu triền sông, mới chợt thấy cái ý nghĩ ban đầu của mình về một dòng sông hoang vắng nơi biền bãi là… sai lầm. Thu cá đêm sông Bồ cả thôn Cổ Lão vui như hội.

Từ buổi chiều, họ đã trải bạt, nam phụ lão ấu pha nước chè chuyền tay nhau, ngồi bàn chuyện giá cá, “đoán ước” vựa cá “vượt” lũ này bao nhiêu ký một con. Từ hai bên bờ sông “đèn đuốc” sáng trưng. Và, ở đó, không thiếu những đôi mắt của gia chủ chứa chan niềm hy vọng sau một năm rưỡi trường chăm cá lồng như chăm con mọn!

Cứ vào đầu tháng 2-3 (DL), cái nắng hanh hao đầu vụ chưa dứt thì bắt đầu một “mùa” ươm cá sông Bồ. Cá trắm cỡ nhỏ thì thả một năm rưỡi mới thu hoạch, cá giống cỡ lớn thì thả một năm là xuất bán. Ông Lai bảo: “Cá nuôi dài ngày sợ nhất là… thủy điện và lũ lụt. Vượt được hai cái đó thì bà con lãi to. Bởi thế, theo khung lịch thời vụ bà con vẫn nuôi cá giống lớn để thu trong năm, bán dịp tết. Cá “vượt” lũ như thế này thiệt hiếm, mà hiếm thì được giá, có lãi thôi”.

Mẻ cá đầu tiên được kéo lên khỏi lồng

Toàn thôn Cổ Lão có hơn 90% bà con nuôi cá lồng, nhưng nuôi cá trái vụ như thời điểm hiện nay thì rất ít người. Bởi thế, người nuôi cá như anh Phạm Văn Thiện nắm như lòng bàn tay lúc nào thủy điện điều tiết nước, lúc nào tích nước, mùa nào khô hạn khiến nước mặn xâm nhập ngược lên từ ngã ba Sình để có biện pháp mà phòng ngừa.

Anh Thiện bảo, vượt được mấy trận lụt, khô hạn năm rồi, cá trắm lồng tui đã thu hết sạch, chỉ còn lại hai lồng nuôi nay đã gần một năm rưỡi. Bình quân mỗi lồng 30m2 thả khoảng 200-300 con cá giống, cho thu hoạch trên dưới một tấn cá thương phẩm, bán được khoảng 60 triệu đồng. Do cá trái vụ nên giá có nhỉnh hơn ngày thường; trừ chi phí cũng còn lãi khoảng 50 triệu đồng.

Nói đoạn, như muốn giải thích thêm, anh Thiện bảo, chú đừng tưởng 50 triệu đồng nó nhỏ nhoi so với một năm rưỡi trường nuôi, nhưng bà con nuôi cá ở đây xem như “bỏ ống” phòng khi vụ cá chính thất bát, nếu vụ cá chính mà nuôi được thì bà con trúng lớn là chuyện thường. Vả lại, nuôi cá lồng sông Bồ trái vụ có lãi phần vì thời gian nuôi dài nhưng chi phí khá thấp. Thức ăn bà con tận dụng rau cỏ, chuối và chỉ dùng bột công nghiệp “ăn dặm” thêm nên thịt cá rất thơm và chắc.

NÔNG DÂN TRƯỢNG NGHĨA

Giúp nhau vận chuyển cá lồng giữa đêm tối

Sau bát nước chè đặc quánh, ông Lê Văn Mức (thôn Giáp Kiềng), chủ nuôi cá lồng xắn tay áo, nói lớn: Bà con phụ tôi một tay. Từ trên triền đê, những thanh niên trai tráng đứng phắt dậy khỏi bạt, xắn quần lội xuống sông. Mỗi bận thu cá lồng, có trên dưới 10 người như thế. Họ ngoài lao động trong gia đình còn là những chủ cá nuôi ven sông cùng nghề. Người thì neo buộc để kéo lồng lên, người thì bắc cầu ván xuống sông chuyển cá, người thì dùng xe rùa đẩy cá lên đường cái quan cho thương lái. Chỉ duy nhất gia chủ là vào lồng bắt cá. Không phải công việc này khó nhọc “chọn” gia chủ làm mà vựa cá của người nuôi thì người nuôi phải bắt, “luật” nuôi cá lồng nó thế. “Quan niệm bà con như thế. Sau năm rưỡi nuôi, ai mà không muốn cầm trên tay mớ cá thành quả lao động của mình cơ chứ”, ông Mức bộc bạch.

Tiếng hô 2-3 khuấy động cả một triền sông tĩnh lặng vào ban đêm khi những trai tráng đánh trần trùng trục nâng lồng cá từ dưới sông lên nằm ngang mép bờ. Khi những mẻ cá đầu tiên lộ diện khỏi mặt nước cũng là lúc gia chủ chứa chan niềm vui bởi cá trong lồng đạt trọng lượng từ 4-5 kg/con. Hỏi: "Răng nhìn biết rứa eng"? Ông Mức trả lời: "Tui nuôi cá lồng đến nay đã mười mấy năm, đến con nước dòng sông bên lở bên bồi còn thuộc, huống chi con cá trong lồng. Hỏi: "Vụ này trúng lớn không"? Ông Mức nói luôn: "Cũng tạm được. Bắt 10 con đầu tiên lên mà đã “ngang ngửa” miệng cái xe rùa là mừng hung rồi".

Do xe thương lái không thể xuống tận bờ sông, người nuôi cá phải dùng xe rùa chở ra đường cái. Mỗi lồng cá trắm non mấy chục chuyến xe rùa như thế. Cứ thế, hơn chục lao động quần quật dưới sông cho đến khi hết vựa cá mới thôi.

Tôi mang thắc mắc hỏi ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc HTX NN Tây Toàn về một vụ cá lãi bao nhiêu mà gia chủ thuê nhân công nhiều đến thế? Ông Lai cười hiền rồi nói tỉnh rụi: “Nông dân ở đây trượng nghĩa rứa đó!”

Dường như chưa hiểu hết câu chuyện, ông chỉ tay lên nương ngô trên bờ, nói tiếp: “Làm nông thì ai làm vườn nấy, nhưng dưới sông thì mỗi bận thu cá bà con giúp nhau, phụ nhau một tay không đòi hỏi gì. Cuối buổi, gia chủ có “thưởng” cho két bia giải nhiệt thôi là anh em vui lắm rồi”.

Không chỉ giúp nhau thu cá, thôn dân nuôi cá lồng còn hỗ trợ nhau kinh nghiệm, máy sục khí, thuốc men trị bệnh cùng nguồn kinh phí tái nuôi mỗi khi vào vụ.

MÔ HÌNH NUÔI BỀN VỮNG

Vận chuyển cá lên xe cho thương lái

Trong buổi chuyện trò sau đó, ông Hoàng Trọng Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cung cấp một con số khá ấn tượng: Toàn xã có 844 lồng nuôi cá trắm với 369 hộ nuôi, sản lượng đạt 418 tấn/năm. Trong đó, số lượng nuôi cá lồng “vượt” lũ chỉ chiếm khoảng 1/3 nhưng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Sau vụ mùa thất bát do tiết trời không thuận, nuôi cá lồng sông Bồ “trái vụ” là một trong những cơ hội cho bà con nông dân lấy lại vốn, tái sản xuất. Và, trên hành trình gieo niềm tin xuống con nước sông Bồ, người dân Hương Toàn đã ước mơ đến một mô hình nuôi cá lồng bền vững. Nói như ông Hiệu, đó là "câu chuyện" dài hơi nhưng trước mắt việc cần làm là ngoài thay đổi kết cấu lồng nuôi, việc chọn đối tượng nuôi cũng giúp nông dân hiện thực hóa giấc mơ của mình. Cá trắm được người dân lựa chọn bởi dễ nuôi, chi phí thấp nhưng chống chịu được nguồn nước bạc từ thượng nguồn- được xem như yếu tố tiên quyết nên địa phương khuyến khích nuôi đối tượng này. Xã cũng đang tích cực triển khai Quyết định 60 của UBND tỉnh, quy định về nuôi cá lồng, bè trên địa bàn.

Bàn sâu hơn về "câu chuyện" dài hơi này, bà Hồ Thị Thái Bình, Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho rằng, hiện nay nuôi cá lồng, bè cá nước ngọt vùng sông, hồ tiếp tục phát triển mạnh và đang từng bước chuyển sang giai đoạn nuôi đầu tư quy mô lớn, thương mại, nuôi thâm canh. Để minh chứng cho điều mình nói, bà Bình bảo, sau Quyết định 60 của UBND tỉnh các địa phương được phân cấp trách nhiệm đã "bắt tay" vào quy hoạch, định vị vùng nuôi với các tiêu chí nghiêm ngặt; kiểm soát tình trạng nuôi ồ ạt và bước đầu chuyển đổi loại hình nuôi lồng truyền thống sang các loại hình nuôi lồng tiên tiến như lồng Na Uy, Đan Mạch, lồng nhôm đối với cơ sở nuôi lồng, bè trên sông, vùng đầm phá.

Ngoài ra, để nuôi cá lồng, bè có thể “vượt” lũ, chi cục cũng khuyến cáo các địa phương, người nuôi cần có phương án chủ động phòng tránh như thay thế lưới, khung lồng bằng vật liệu tốt hơn; gia cố, di dời lồng bè trong điều kiện bất lợi. Các HTX cần liên kết với doanh nghiệp, các cơ sở thu mua chế biến để đảm bảo đầu ra cho người nuôi.

Với thành công của cá lồng "trái vụ", nông dân Hương Toàn có "quyền" thực hiện hóa giấc mơ của mình!

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nuôi thủy sản lồng, bè trên địa bàn có gần 6.000 lồng (129.780m3), với hơn 3.000 hộ tham gia. Hiện nay nuôi lồng bè ở các địa phương phát triển nhờ hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, do tận dụng mặt nước vùng đầm phá, sông ngòi, hồ thủy điện và một phần nguồn thức ăn tự chế, phế phẩm nông nghiệp của người nuôi.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang