Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 18/04/2018
Ngày cập nhật:
19/4/2018
Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về phát triển thủy sản, tuy nhiên việc phát huy vai trò của các chi hội nghề cá trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.
Đắk Lắk có diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm trên 50% toàn vùng Tây Nguyên, với 3 hệ thống sông (Sêrêpốk; sông Ba và Đồng Nai) phân bổ tương đối đều; khoảng 778 hồ, đập thủy lợi, đây là lợi thế lớn cho nghề cá của tỉnh Đắk Lắk phát triển. Đơn cử như huyện Lắk, là địa phương có rất nhiều hồ lớn như Hồ Lắk, hồ Buôn Triết, hồ thủy điện Buôn Tua Srah, cùng với mạng lưới sông, suối dày đặc nên rất thuận lợi cho phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện ước khoảng 700 ha, trong đó diện tích ao, hồ là 690 ha. Trong quý I năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đánh bắt và khai thác trên địa bàn huyện đạt khoảng 500 tấn, riêng sản lượng đánh bắt ngoài tự nhiên đạt 350 tấn. Với thế mạnh về phát triển thủy sản, trên địa bàn huyện đã thành lập được 2 chi hội nghề cá, gồm Chi hội nghề cá Buôn Triết và Chi hội nghề cá Hồ Lắk để vừa bảo đảm việc đánh bắt hiệu quả, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại hồ nước do mỗi chi hội quản lý. Tuy nhiên, sau khi thành lập đến nay thì chỉ có Chi hội nghề cá hồ Buôn Triết duy trì và phát huy được vai trò hội nghề nghiệp của mình. Hiện Chi hội có khoảng 24 hội viên, trong đó có 12 hội viên tham gia đánh bắt. Để duy trì hoạt động, các hội viên đóng góp khoản phí đánh bắt (200.000 đồng/người/tháng) phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ hồ và mua thêm cá giống thả bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ. Các hội viên đều thực hiện nghiêm những quy định trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản như không sử dụng các ngư cụ mang tính hủy diệt; nuôi trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh môi trường; chú trọng phát triển nguồn lợi thủy sản... Đồng thời, trong quá trình khai thác nếu phát hiện có các hoạt động xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, các hội viên đều cấp báo cho tổ bảo vệ để họ phối hợp với chính quyền xã kiểm tra và bắt giữ…
Chi cục Thủy sản thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản ở hồ Buôn Triết (huyện Lắk).
Thực tế trên cho thấy, khi chi hội nghề cá phát huy được vai trò của mình đã mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, số chi hội hoạt động hiệu quả lại chiếm quá ít trong số chi hội được thành lập. Theo Chi cục Thủy sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 Chi hội nghề cá, nhưng hiện chỉ có 2 Chi hội nghề cá tại hồ Buôn Triết (huyện Lắk) và hồ Ea Súp (huyện Ea Súp) hoạt động hiệu quả. Còn lại Chi hội nghề cá Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã ngừng hoạt động; Chi hội nghề cá Krông Búk Hạ (huyện Krông Pắc), Ea Wer (huyện Buôn Đôn), Hồ Lắk (huyện Lắk) hoạt động kém hiệu quả. Lý giải về nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả của các chi hội nghề cá, ông Nguyễn Văn Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, do đặc thù ở địa phương là nghề cá thường không phải là nghề chính, chủ yếu người dân làm phụ thêm trong thời gian nhàn rỗi, thêm vào đó, khu vực quản lý của các chi hội rất rộng, nhất là các lưu vực sông nên khó kiểm soát được việc đánh bắt; chính quyền địa phương chưa quan tâm phối hợp trong việc tuần tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… dẫn đến các hội viên không mặn mà đóng góp hội phí để duy trì hoạt động của chi hội. Vì không có kinh phí hoạt động đã kéo theo vai trò của chi hội trong việc đồng quản lý nguồn lợi thủy sản không được phát huy. Chính vì vậy, công tác quản lý thủy sản nhiều nơi bị buông lỏng, việc đánh bắt bằng các ngư cụ hủy diệt hoặc khai thác quá mức diễn ra thường xuyên và khó kiểm soát đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản tự nhiên cạn kiệt dần… Chi hội nghề cá Buôn Trấp là một ví dụ, lúc mới thành lập có đến 60 hội viên tham gia. Tuy nhiên, do đoạn sông Krông Ana chảy qua địa bàn rộng, việc quản lý khai thác, đánh bắt từ người dân xung quanh thủy vực này rất khó khăn nên các hội viên rút hết, dẫn đến kinh phí hoạt động không có nên Chi hội ngừng hoạt động.
Hội viên của Chi hội nghề cá Buôn Triết đánh bắt cá trên hồ.
Trước tình hình trên, hằng năm Chi cục Thủy sản đã tìm giải pháp hỗ trợ cho các chi hội hoạt động như: thả cá bổ sung, nâng cao nguồn lợi khai thác cho hội viên; mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, khai thác thủy sản; tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến thủy sản; tìm các chương trình, dự án hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các chi hội... Hiện trên địa bàn tỉnh đang có Trung tâm Nghiên cứu xã hội và Phát triển cộng đồng Thừa Thiên Huế thực hiện một số mô hình phát triển thủy sản ở huyện Lắk và Buôn Đôn nhằm hỗ trợ các chi hội nghề cá tạo được nguồn lợi nhuận từ các mô hình để có kinh phí phục vụ cho các hoạt động của chi hội tốt hơn.
Minh Thuận
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.