• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi cá trắm lồng thành sản phẩm du lịch

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 19/04/2018
Ngày cập nhật: 20/4/2018

Đến Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ của thiên nhiên mà còn được hòa mình vào đời sống người dân bản địa và thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng của người dân địa phương. Trong đó, cá trắm sông Son được nhắc tới như một đặc sản nổi tiếng níu chân du khách khi đến Phong Nha - Kẻ Bàng. Chính sự kết hợp giữa phát triển thủy sản gắn với du lịch đã tạo điều kiện để nghề nuôi cá lồng trên sông Son ngày càng phát triển, tạo thu nhập cao cho người dân.

Từ khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, nghề nuôi cá lồng ở xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đã có nhiều khởi sắc. Với quy mô ban đầu chỉ có vài lồng nuôi thì nay, toàn xã đã có gần 380 hộ nuôi cá lồng trên sông Son với gần 700 lồng nuôi các loại, trong đó chủ yếu là cá trắm.

Ông Hoàng Văn Thái ở thôn Xuân Tiến, Chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt Sơn Trạch, là một trong những người đầu tiên ở xã Sơn Trạch áp dụng mô hình nuôi cá lồng trên sông Son. Với 4 lồng nuôi theo kiểu cuốn chiếu, mỗi năm, gia đình ông Thái cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn cá trắm, thu lãi trên 50 triệu đồng.

Nghề nuôi cá trằm lồng sẽ trở thành điểm nhấn cho du lịch cộng đồng ở xã Sơn Trạch.

Ông Hoàng Văn Thái cho biết, gia đình ông có thâm niên nuôi cá trắm lồng 25 năm. Cá nuôi hoàn toàn tự nhiên, thức ăn tự nhiên nên chi phí cho thức ăn không có, không tốn nhiều công sức, chủ yếu là công đi vớt thức ăn ở sông để nuôi cá nên thu nhập mang lại cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Hiện nay, gia đình ông đang tính mở rộng thêm quy mô nuôi, do thị trường tiêu thụ nhiều, khách du lịch tới Phong Nha luôn muốn thưởng thức hương vị cá trắm “đặc sản” nhưng nguồn cung không đủ. Cá muốn xuất bán phải nuôi từ 1,5 – 2 năm, trọng lượng trên 3kg.

Cá trắm nuôi trong lồng, được thả trên sông Son nơi có nguồn nước sạch và được cho ăn các loại rong, tảo, rau… nên chất lượng thịt rất thơm, ngon. Cá trắm được các nhà hàng trên địa bàn mua về chế biến nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và đã trở thành đặc sản của miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng.

Để quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu cá trắm sông Son, đồng thời tôn vinh những người nuôi cá giỏi ở vùng Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với UBND xã Sơn Trạch đã tổ chức “Hội thi cá trắm sông Son”. Sau năm đầu tiên tổ chức, hội thi không chỉ thu hút người dân địa phương tham gia mà còn là dịp để khách du lịch được trải nghiệm, hiểu thêm về nghề nuôi cá lồng trên sông Son và thưởng thức hương vị ẩm thực của mảnh đất di sản.

Ông Phan Thanh Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, trong những năm trở lại đây, khách du lịch đến Phong Nha – Kẻ Bàng tăng khoảng 30-40%. Nhờ đó, du lịch ẩm thực cũng phát triển hơn, đặc biệt, cá lồng sông Son được bà con trong vùng nuôi 100% tự nhiên với chất lượng tốt, giá cả lại phải chăng, từ 80.000-100.000đ/kg, là một sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Sau hội thi “Cá trắm sông Son” lần thứ I, không những người dân trong tỉnh mà khách du lịch biết hơn về “đặc sản” cá trắm địa phương. Để phát triển và đa dạng hóa sản phẩm cá lồng sông Son, vừa qua, UBND xã đã tổ chức cho một số hộ nuôi cá lồng của xã đi tham quan một số mô hình nuôi cá lồng tiêu biểu ở Nghệ An, Thanh Hóa. Sắp tới, xã sẽ triển khai mô hình nuôi cá leo và cá trắm đen tại địa phương, UBND xã sẽ hỗ trợ 100% giống ban đầu.

Sự phát triển của mô hình nuôi cá lồng trên sông không chỉ tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà còn gia tăng sức hút về du lịch, góp phần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Một hướng đi mới mà những người làm du lịch và chính quyền địa phương đang tính đến, đó là xây dựng mô hình nuôi cá lồng thành sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn, khám phá của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Với cách làm này, nghề nuôi cá lồng trên sông Son không chỉ để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho du khách mà còn làm phong phú thêm loại hình du lịch cộng đồng.

Tố Linh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang