Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 18/04/2018
Ngày cập nhật:
20/4/2018
Kết quả quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh thủy sản cho thấy, đến nay, hầu hết những chỉ tiêu môi trường ở các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nông dân cần quan tâm dịch bệnh trên thủy sản nuôi, bởi đã xuất hiện tình trạng tôm chết rải rác ở một số vùng.
Những ngày qua, ông Nguyễn Tiến Trung - người dân huyện Diên Khánh đến thuê đìa nuôi tôm thẻ chân trắng tại Tân Thủy (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) đứng ngồi không yên khi đìa nuôi của gia đình ông xuất hiện tình trạng tôm chết liên tục. Ông Trung chia sẻ: “Khắc phục xong hậu quả cơn bão số 12, tôi thả 50 vạn con tôm giống, tôm thả được hơn 30 ngày thì bắt đầu bỏ ăn, lờ đờ, dạt vào quanh đìa và chết. Tính ra, gia đình tôi thua lỗ hơn 60 triệu đồng, chủ yếu là tiền giống, thức ăn, công cải tạo đìa. Ở vùng đìa này, nhiều hộ nuôi khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nguyên nhân có thể do nguồn nước bị ô nhiễm”.
Tại Vạn Ninh, thời gian gần đây cũng xuất hiện tình trạng tôm hùm nuôi bị chết do bệnh sữa, đỏ thân… Ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, hầu hết các vùng nuôi tôm hùm lồng tại Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Giã đều xuất hiện tình trạng tôm hùm chết. Trong đó, nặng nhất là khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, qua khảo sát, tỷ lệ tôm hùm chết do các loại bệnh hơn 20%. Địa phương đang tiếp tục khuyến cáo người nuôi về các biện pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm để giảm thiểu thiệt hại.
Theo kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm hùm tập trung của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Miền Trung mới đây, hầu hết các chỉ tiêu về môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đều trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, một số vùng nuôi có vài chỉ tiêu vượt ngưỡng, đặc biệt là vùng nuôi tôm nước lợ Tân Thủy phát hiện vi khuẩn Vibrio (loại vi khuẩn gây nên một số bệnh thường gặp trên tôm) trong nguồn nước cấp vào vùng nuôi. Đối với vùng nuôi tôm hùm lồng ở Đầm Môn, ngoài lượng vi khuẩn Vibrio vượt ngưỡng, lượng chất hữu cơ trầm tích, hàm lượng Sulfua cũng rất lớn. Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm tôm hùm tại Đầm Môn có 55,6% mẫu bệnh phẩm nhiễm vi khuẩn Rickettsia like bacteria (tác nhân gây bệnh sữa), 22,2% mẫu nhiễm vi khuẩn v.alginolyticus (tác nhân gây bệnh đỏ thân).
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tuy kết quả quan trắc các chỉ tiêu môi trường hầu hết các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đều nằm trong ngưỡng cho phép nhưng nông dân cần quan tâm tình hình dịch bệnh trên thủy sản, bởi hiện nay toàn tỉnh đang bước vào cao điểm nắng nóng, thời tiết bất lợi đối với nuôi trồng thủy sản. Chi cục đang tiếp tục triển khai mỗi tháng 2 đợt quan trắc các chỉ tiêu về môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả đó, chi cục sẽ có những khuyến cáo cụ thể đến người nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh.
Khuyến cáo của Chi cục Thủy sản nhấn mạnh, đối với các vùng nuôi tôm nước lợ, nông dân cần cải tạo ao, khử trùng đáy ao, bờ ao bằng vôi bột giúp môi trường đáy ao tơi xốp, độ pH môi trường nước ao ổn định; đối với việc lấy nước vào ao nuôi, cần xử lý trước qua ao lắng, riêng vùng nuôi Tân Thủy chưa nên lấy nước vào thời điểm này. Khi nuôi, người dân cần chọn con giống có chất lượng tốt, đã được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm; nên thả nuôi với mật độ thích hợp để giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường và bệnh thủy sản, trước khi thả cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, nếu bất lợi thì tạm ngưng việc thả giống; chỉ sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản trong danh mục được phép lưu hành… Tại các vùng nuôi tôm hùm lồng, đặc biệt là khu vực Đầm Môn, trong quá trình nuôi, người dân cần chú trọng khâu vệ sinh, thu gom thức ăn thừa, chất thải đưa vào bờ để xử lý, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các cá thể nhiễm bệnh; định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi…
BÍCH LA
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.