Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 20/4/2018
Ngày cập nhật:
22/4/2018
Những trận bão lũ hồi cuối năm 2017 cuốn phăng bờ bao, san lấp ao hồ, nhưng người nuôi tôm ở miền Trung không nản chí, nỗ lực vượt qua khó khăn để thả nuôi trở lại như lịch thời vụ. Thế nhưng, tình trạng tôm chết ngay vụ đầu năm 2018, cộng với giá con giống tăng cao, ngân hàng không chịu giải ngân… đã gây khốn khó cho hàng ngàn hộ nuôi tôm ở đây.
Sau vụ đầu thất bát, người dân cải tạo ao hồ để thả tôm mới
Tôm chết khi vừa thả
Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đang quay quắt khi tôm nuôi mắc bệnh, chết hàng loạt nhưng không thể tìm ra biện pháp xử lý, cứu chữa. Ông Nguyễn Bắc Phương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết vừa thả nuôi gần 1,4ha tôm thẻ chân trắng, nhưng xem ra đã mất trắng do tôm bệnh, chết hàng loạt ngay đầu vụ. “Đã báo lên UBND xã mong được giúp đỡ hướng dẫn chữa bệnh cho tôm, xét nghiệm nguồn nước, nhưng chưa có câu trả lời”, ông Phương buồn rầu nói.
Theo ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, khoảng 30% diện tích ao hồ nuôi có tôm bị bệnh và chết dần. Hội đã phối hợp với UBND xã mời chi cục thủy sản, chi cục thú y, trung tâm khuyến ngư về lấy mẫu nước, mẫu tôm đi xét nghiệm phân tích tìm nguyên nhân. Đồng thời, đề xuất TP Đà Nẵng tổ chức quy hoạch vùng nuôi tôm để bà con có nguồn cung cấp nước ổn định và hệ thống cấp thoát nước cho phù hợp.
Tôm nuôi bị chết cũng đang xảy ra tại các địa phương phía Đông tỉnh Quảng Nam với các bệnh không thể ứng phó là đốm trắng, hoại tử gan tụy… Ông Trần Thanh Ba (tổ 4, thôn Phương Tân, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) lo lắng: “Hơn 10 năm nuôi tôm, chưa khi nào lao đao như 2 năm qua. Đầu năm nay tôi thả 50 vạn tôm giống trị giá 60 triệu đồng trên diện tích 1ha, nhưng được tầm 20 ngày thì tôm bị bệnh gan chết gần 80%, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng”.
Trước đó, vụ tôm năm 2017, ông Thanh lỗ khoảng 300 triệu đồng cũng vì tôm chết hàng loạt.
Hiện người nuôi tôm các tỉnh, thành còn lại tại miền Trung đều nơm nớp âu lo trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, chất lượng giống... Một cán bộ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, dịch bệnh ở tôm nuôi thường xuyên xảy ra, chủ yếu do chất lượng tôm giống không đảm bảo, công tác quản lý giống nhiều hạn chế. Đặc biệt, tôm giống mua từ các tỉnh vận chuyển về đến Thừa Thiên - Huế bị “kiệt sức” nên người nuôi tôm chỉ biết vội vàng thả giống xuống hồ mà bỏ qua khâu kiểm dịch bằng máy PCR.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, khuyến cáo: “Để hạn chế tôm bị bệnh, các hộ nuôi cần chọn thời điểm lấy nước, thay nước thích hợp. Cần xử lý nước kỹ càng trước khi đưa vào ao nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh tôm nuôi của các hộ xung quanh để cùng phối hợp xử lý”.
Nỗ lực vượt khó
Tại làng biển Xuân Thành (thuộc phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), các ngư dân đang tất bật xuống giống, vào vụ nuôi thủy sản mới. Những chiếc lồng cũ nát, gãy mục bị bão đánh trước kia được thay thế bằng những căn nhà bè lớn và chắc chắn hơn. Do thất bát nặng nề vì ảnh hưởng từ các đợt bão lũ cuối năm 2017, vụ này gia đình ông Nguyễn Văn Trung (phường Xuân Thành) chỉ xuống giống khoảng 3.000 tôm xanh (gần 140 triệu đồng).
Ông Trung nói: “Tôm xanh là giống chịu “nhiệt” tốt, chúng sinh trưởng và phát triển bền vững hơn các loại khác. Ngày nay do nuôi tôm quá dày, đen kín cả vịnh Xuân Đài nên thiệt hại càng lúc càng ghê gớm. Hết ô nhiễm rồi lại bão lũ liên tục nên nhiều hộ trở nên trắng tay. Năm nay, những hộ nuôi tôm được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các ngành chức năng nên bà con tổ chức lại việc thả nuôi một cách bài bản, khoa học. Hy vọng vụ tôm này sẽ thuận lợi để vớt vát lại chút vốn”.
Xưa nay làng biển Bãi Xếp, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chỉ mưu sinh bằng việc nuôi trồng thủy hải sản. Sau bão số 12, mọi người âm thầm khôi phục lại lồng bè đợi đến vụ thì xuống giống.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: Vụ nuôi trồng thủy hải sản đầu năm 2018, Bình Định tiếp tục chuyển dịch cơ cấu loại/giống nuôi, phương thức nuôi theo hướng phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái. Các địa phương vận động người nuôi tôm thả giống đúng lịch thời vụ, thực hiện đúng và đủ các biện pháp kỹ thuật trong quy trình sản xuất; chú trọng tu bổ bờ bao vững chắc, cải tạo ao đúng quy trình, kiểm dịch, chọn con giống đảm bảo chất lượng, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp bổ sung thức ăn tươi không gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái phù hợp từng vùng nuôi. Hy vọng vụ tôm năm nay sẽ thuận lợi để bà con bớt đi khốn khó, cơ cực.
VĂN THẮNG - NGỌC PHÚC - NGỌC OAI
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.