• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Bình: Tăng cường các giải pháp quản lý môi trường ao nuôi thủy sản

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 23/4/2018
Ngày cập nhật: 24/4/2018

Từ đầu tháng 4/2018, các hộ nuôi thả thủy sản đã tiến hành thả giống đợt 1. Rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước đây, các cấp chính quyền, các ngành chức năng và các hộ nuôi trồng đã chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ con nuôi thủy sản. Trong đó, nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng nhằm theo dõi, quản lý chặt chẽ môi trường ao nuôi - một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng thủy sản.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Kim Sơn. Ảnh: Đức Lam.

Theo đồng chí Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh (Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình), sự thành bại nuôi tôm nước mặn, lợ phụ thuộc rất lớn vào việc giám sát, quản lý môi trường ao nuôi tôm. Trong đó, có các chỉ số cần lưu ý như nhiệt độ, hàm lượng ôxy hòa tan, độ mặn, độ pH, chất lượng đáy ao... Riêng với vụ nuôi thả đợt 1 trong năm, đặc điểm thời tiết và khí hậu gây rất nhiều khó khăn cho việc nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân. Vào mùa hè, nhiệt độ trong ao nuôi thường tăng cao, thường xuyên thay đổi, thời tiết lại mưa nắng bất thường.

Đặc biệt, khi nhiệt độ tăng cao làm cho hệ vi sinh vật hoạt động mạnh, làm tăng tốc độ phân giải các chất hữu cơ sinh ra các chất độc hại đối với thủy sản, qua đó làm cho hàm lượng DO (lượng ôxy hòa tan trong nước) giảm đáng kể, các chỉ số COD (nhu cầu ôxy hóa học), BOD (nhu cầu ôxy hóa sinh học) cũng thay đổi theo, con nuôi thủy sản dễ bị sốc và thiếu dưỡng khí.

Trên thực tế, các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh nói chung, tại địa bàn huyện Kim Sơn nói riêng cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về việc quản lý môi trường ao nuôi trong các vụ nuôi thả năm 2017. Đó là tình trạng tôm chết rải rác vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, giữa đợt nắng nóng cao điểm nhưng vẫn có những cơn mưa lớn đầu mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi trồng còn xem nhẹ việc cải tạo, vệ sinh ao đầm trước vụ. Tất cả những yếu tố trên khiến môi trường ao nuôi bị biến động, cộng thêm hiện tượng thiếu oxy trong ao nuôi làm cho tôm bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng.

Rút kinh nghiệm từ vụ nuôi đó, trong vụ nuôi thả thủy sản đợt 1 năm 2018, các hộ dân tại huyện Kim Sơn đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng môi trường ao nuôi. Trước tiên, đó là chú trọng công tác cải tạo ao đầm trước vụ sản xuất.

Theo đó, trong tháng 1/2018, các ao nuôi thủy sản đã được tát cạn, sử dụng vôi bột để khử trùng, diệt tạp. Trong tháng 2/2018, các hộ dân đã tiến hành phơi đáy ao cho thoát khí độc, tạo độ tơi xốp, sau đó lọc nước vào ao nuôi, tiến hành gây màu và điều chỉnh môi trường nước trong ao ổn định, phù hợp với yêu cầu sinh thái của con nuôi. Tuân thủ theo đúng quy trình trên, anh Bùi Quốc Trình, xóm 5, xã Kim Hải cho biết: Việc cải tạo, khử trùng ao đầm là rất cần thiết, bởi môi trường sống có trong sạch thì tôm mới sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra định kỳ các chỉ số môi trường nước trong các ao nuôi hàng ngày, hàng tuần đã được cả người dân và ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc. Ông Trần Văn Kỳ, xóm 5, xã Kim Đông có gần 20 mẫu ao đầm, trong đó có cả ao ương và ao nuôi.

Ông Kỳ cho biết: Trước tiên, nước trong ao nuôi phải đảm bảo sạch, để làm được điều đó tôi đã xây dựng hệ thống ao xử lý nước, ao ủ nhiệt trước khi dẫn nước vào ao nuôi. Điều này làm hạn chế khả năng tồn tại của các mầm bệnh cho tôm nuôi. Thứ hai, trong quá trình thả giống, tôi ước tính mật độ tôm nuôi, lượng nước trong ao để có điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng mật độ quá cao, phát sinh những hệ quả như không đủ lượng ôxy, thức ăn... cho con nuôi Thứ ba, thường xuyên kiểm tra nồng độ pH, nhiệt độ của nước trong các ao nuôi.

Cũng theo ông Kỳ, đây đều là các chỉ số cơ bản, tự người nuôi thủy sản có thể dễ dàng kiểm tra bằng các công cụ đơn giản. Về kỹ thuật kiểm tra, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản tại đây đã được các cán bộ của Trạm Thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh tập huấn và hướng dẫn hàng năm. Công cụ kiểm tra cũng rất đa dạng như đo bằng máy đo, bút đo hoặc dung dịch...

Tuy nhiên, phương pháp đơn giản được nhiều hộ dân sử dụng nhất đó chính là sử dụng giấy quỳ tím. Ngoài ra, còn một số phương pháp áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong việc xử lý môi trường ao nuôi như sử dụng hệ thống ao nổi, phương pháp nuôi sinh học biofloc hay xây dựng hệ thống ao nuôi có mái che đã được các hộ nuôi trồng thủy sản tại huyện Kim Sơn áp dụng.

Đồng chí Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh nhận định, nhận thức về việc quản lý tốt môi trường ao nuôi của các hộ nuôi trồng thủy sản đã được nâng cao rõ rệt. Để phát huy vai trò và trách nhiệm của Trạm, hàng tuần, chúng tôi cũng phân công các cán bộ xuống từng địa phương, từng ao nuôi để kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu nước ao nuôi. Bên cạnh đó lắng nghe phản ánh của người dân, phát hiện và xử lý kịp thời các diễn biến dịch bệnh, đảm bảo năng suất và sản lượng thủy sản cuối vụ.

Thái Học

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang