Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 9/5/2018
Ngày cập nhật:
12/5/2018
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường xuất khẩu cá tra đang có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu mới được hình thành và phát triển nhanh, tiêu thụ lượng cá khá lớn. Với đà phát triển này, một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đang có nhu cầu phát triển, kết nối vùng nuôi, mở rộng cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu...
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP Cần Thơ có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 2.500ha, trong đó diện tích thả nuôi cá tra gần 500ha. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, quận Thốt Nốt là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi tập trung theo các kênh, rạch và ven sông Hậu. Toàn quận Thốt Nốt đã thả nuôi trên 360ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng 45,17ha so với cùng kỳ, đạt 81,8% kế hoạch năm. Trong đó, diện tích nuôi cá tra chiếm phần lớn, với 310,4ha, tăng trên 50ha so với cùng kỳ; số lồng bè nuôi cá 243 lồng bè, tăng 13 lồng bè so cùng kỳ. Đến nay, tổng sản lượng thu hoạch được 30.472 tấn, tăng 3.997 tấn so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá tra thu hoạch gần 30.000 tấn, tăng 4.035 tấn so cùng kỳ. Những tháng đầu năm giá cá tra nguyên liệu dao động từ 30.000 đồng đến 31.000 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi có lợi nhuận từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg. Mặc dù giá cá tra thương phẩm tăng mạnh từ giữa năm 2017 đến nay (27.000 đến 31.000 đồng/kg), nhưng diện tích nuôi cá trên địa bàn quận vẫn duy trì ổn định, không có tình trạng đào ao nuôi tự phát.
Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (thứ 2, từ phải sang) khảo sát vùng nuôi cá tra tập trung tại cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Ảnh: HÀ VĂN
Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: "Đối với địa bàn tập trung nuôi cá tra như phường Tân Lộc và rải rác các phường Thuận Hưng, Trung Kiên, Thuận An, Thới Thuận, Trung Nhứt và Thốt Nốt, địa phương thường xuyên thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi. Qua kết quả quan trắc, các chỉ tiêu môi trường vẫn dao động trong ngưỡng thích hợp cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Hiện quận Thốt Nốt có tổng diện nuôi cá tra thương phẩm đã được cấp mã số nhận diện ao nuôi 307,58ha, tương ứng 115 hộ nuôi và 3 vùng nuôi của các công ty chế biến...".
Theo UBND quận Thốt Nốt, đa số các hộ nuôi cá tra đều ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra. Đồng thời, từ năm 2017 đến nay, điều kiện tự nhiên cho vùng nuôi cá tra rất thuận lợi, lượng nước đủ trong mùa khô, phục vụ tốt cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Từ đó, diện tích nuôi cá tra xuất khẩu trên địa bàn quận vẫn duy trì ổn định, giá cá tra thương phẩm tuy có biến động nhưng luôn ở mức cao, người nuôi thu lợi nhuận khá cao. Bên cạnh đó, quận Thốt Nốt có diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm chiếm tỷ lệ khá cao, với trên 95% tổng diện tích nuôi. Trong đó có nhiều hộ nuôi có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, một số hộ còn lại (chưa có giấy chứng nhận) phải ký cam kết nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... Đây là một trong những tiêu chuẩn đảm bảo tốt nguồn nguyên liệu cho đơn vị, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra.
Cần hỗ trợ phát triển
Trên địa bàn quận Thốt Nốt hiện có 5 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế khoảng 378.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm. Những tháng đầu năm 2018, sản lượng cá tra nguyên liệu chế biến ước đạt khoảng 43.500 tấn, tăng khoảng 5,9% so cùng kỳ. Ngành chế biến cá tra xuất khẩu đã giải quyết trên 7.000 lao động tại địa phương và khu vực lân cận. Đặc biệt, 5 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên là địa chỉ tiêu thụ cá tra, thủy sản chủ yếu của người nuôi trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.
Chế biến cá tra theo tiêu chuẩn xuất khẩu tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: HÀ VĂN
Điển hình Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh có tổng vốn điều lệ trên 600 tỉ đồng, với lĩnh vực hoạt động chăn nuôi, chế biến thủy hải sản xuất khẩu (cá tra là lĩnh vực chế biến chủ yếu của công ty). Trong đó, nhà máy chế biến được thiết kế với công suất 200 tấn/ngày, tương đương 60.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay, công suất chế biến thực tế của công ty chỉ đạt 100 tấn/ngày, tương đương tiêu thụ 35.000 tấn/năm nguyên liệu đầu vào. Trong đó sản lượng xuất khẩu từ 18.000 tấn đến 20.000 tấn sang thị trường Mỹ, EU, Nga, Canada... Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản NTSF (Nha Trang Seafood) có tổng nguồn vốn 500 tỉ đồng với hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, chủ yếu là cá tra sang thị trường Mỹ, EU, châu Phi, châu Á, Trung Đông. Hằng ngày, công ty chế biến 130 tấn cá tra, tương đương 40.000 tấn/năm. Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản NTSF, cho biết: "Công ty đang mở rộng thị trường xuất khẩu với đa dạng sản phẩm, như: cá tra, tôm, cá biển, mực... Do đó, công ty đang cần mặt bằng để mở rộng nhà máy, cầu cảng, kết nối vùng nuôi. Công ty rất mong lãnh đạo TP Cần Thơ thống nhất cho công ty phát triển thêm cơ sở chế biến tại Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn 4 (16,5ha); đầu tư xây dựng cầu cảng nhập cá nguyên liệu...".
Để đảm bảo nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra ổn định trong thời gian tới, quận Thốt Nốt đưa ra giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung; quy định các trại sản xuất giống phải có hệ thống công trình ao nuôi đúng quy định, thực hiện nghiêm quy trình nuôi và sản xuất giống theo quy chuẩn Việt Nam; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi, thực hiện nghiêm túc công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi về môi trường nước; đa dạng hóa đối tượng nuôi, đặc biệt nuôi các đối tuợng thủy sản có giá trị kinh tế cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc hóa chất trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các mô hình nuôi làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm...
Trong buổi làm việc với Quận ủy, UBND quận Thốt Nốt mới đây, đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, chỉ đạo: Quận Thốt Nốt cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ hộ dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức liên kết hộ nuôi trồng thủy sản với doanh nghiệp, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho cá tra; kiểm tra, kịp thời ngăn chặn tình trạng đào ao nuôi cá tra tự phát, tránh tình trạng nuôi tràn lan không hiệu quả; tuyên truyền, nhắc nhở người nuôi không sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản... Đối với các sở, ngành TP Cần Thơ khẩn trương xem xét, giải quyết nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở chế biến của Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản NTSF tại Khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn 4 (16,5ha) và nhu cầu xây dựng cầu cảnh nhập nguyên liệu; phối hợp quận Thốt Nốt rà soát, kiểm tra diện tích đất cho thuê tại Khu công nghiệp Thốt Nốt và thu hồi diện tích cho thuê nhưng không đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, đồng thời kịp thời phân bổ, cho thuê diện tích này cho đơn vị, doanh nghiệp cần mở rộng mặt bằng sản xuất, chế biến...
HÀ VĂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.