• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu bạc triệu nhờ lặn tôm hùm giống

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 11/5/2018
Ngày cập nhật: 13/5/2018

7 giờ sáng, biển mũi La Gàn (xã Bình Thạnh, Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã rộn tiếng cười nói của các ngư dân săn tôm hùm giống. Vừa bày biện đồ nghề lặn, các ngư dân vừa hỏi thăm nhau, chúc một ngày an toàn và may mắn.

Chuẩn bị cho một buổi lặn tôm hùm giống.

Nếu như ở vùng biển của các xã: Hòa Phú, Hòa Thắng (Bình Thuận) hay Khánh Hòa, Quảng Ngãi..., ngư dân bắt tôm hùm giống bằng cách đánh lưới, đặt bẫy lưới đùm, bẫy đá hay lặn sâu dưới đáy biển thì ở mũi La Gàn lại hoàn toàn khác. Với đặc điểm có nhiều rạn đá và san hô nên việc bắt tôm hùm giống chỉ thực hiện bằng tay và khi trời yên, biển lặng, nước trong thì người thợ lặn mới bắt đầu ngày làm việc của mình. Khác với nghề lặn sò, hải sâm... ngư dân cần phải sắm thuyền to, máy lớn, số lượng thuyền viên đông, nghề lặn tôm hùm giống không phải bỏ vốn nhiều, chỉ cần một chiếc bình ắc quy loại lớn, bộ khí có ống chuyển khí, mắt kính lặn, một dây nịt bằng chì… là “vô tư” hành nghề.

Đeo dây chì vào người, cầm ống hơi, anh Lê Văn Bé (40 tuổi), ở Bình Thạnh leo qua những phiến đá xuống biển. Anh bắt đầu lặn. Chừng 5 - 7 phút lại ngoi lên một lần. Sau gần 2 giờ đồng hồ lặn hụp tìm tôm hùm giống trong các khe và hang đá chìm trong nước, anh Bé kết thúc một buổi lặn của mình với 13 con tôm bé xíu như cọng tăm. Anh giải thích: Tôm hùm giống rất nhỏ và nhanh nhẹn, thợ lặn phải thật tinh ý để phát hiện tôm núp trong các kẽ đá. Khi đã thấy tôm thì thợ lặn dùng que tăm chọc vào, các con tôm thấy động và bung ra. Thừa dịp ấy, thợ lặn phải nhanh tay chộp lấy và cho vào chai nhựa mang theo bên mình.

Nói chuyện tôm hùm con, nhiều ngư dân cho biết, do địa hình đáy biển và luồng nước, vùng biển Bình Thạnh là nơi có nhiều loại hải đặc sản, trong đó phải kể đến các loài cá, tôm, mực, cua, sò, nhím... Trước giờ, ngư dân Bình Thạnh chủ yếu là làm nghề câu, lưới… Nhưng gần đây, ngư dân phát hiện: đoạn biển từ chùa Cổ Thạch kéo đến mũi La Gàn có nhiều tôm hùm giống nên một số người bắt đầu chuyển qua cái nghề lặn này. Theo các ngư dân, tôm hùm giống ở đây có hầu như quanh năm, mùa sinh sản thì dày hơn, sau tết là khoảng thời gian thuận lợi để lặn bắt tôm vì biển êm, ít sóng gió. Hiện nay, thương lái thu mua với giá 30.000 đồng/con tôm xanh, 150.000 đồng/con tôm sao. Nếu mỗi ngày lặn, bắt được vài chục con tôm giống, ngư dân cũng có tiền triệu bỏ túi, đỡ vất vả hơn lên tàu đánh bắt khơi xa.

Lớn tuổi, không đủ sức khỏe để lặn nhiều như anh Bé, nhưng ông Nguyễn Văn Thanh cũng bắt được 8 con tôm. Chỉ những con tôm bé xíu, ông Thanh nói người “có nghề” mới nhận ra con tôm có hai sợi râu trong suốt, đầu râu có đóng hai đầu chì đó là tôm xanh; còn con tôm có hai sợi râu đục, đầu râu cũng có hai đầu chì nhưng hơi ngả màu đen, ấy mới chính hiệu là tôm sao. Ông Thanh cho hay, lặn tôm không phải khi nào cũng gặp thuận lợi, có khi may mắn, lúc về trắng tay. Với sức khỏe và khả năng của mình, ông Thanh cho rằng sáng nay ông cũng có gần một triệu đồng tiền tôm bỏ túi, coi như “thắng lợi” rồi.

Lặn tôm hùm giống ở khu vực biển mũi La Gàn tương đối an toàn bởi gần bờ, độ sâu chừng 0,5 - 1 m nước nên không sợ sự cố rủi ro, bất trắc khi máy móc trục trặc, gặp sự cố về áp suất dẫn đến tàn tật, chết người... Tuy nhiên, theo những lão ngư ở đây, nghề lặn bắt tôm hùm giống không phải ai cũng làm được, công việc này chỉ dành cho những thanh niên khỏe mạnh, mắt thật tinh tường mới phát hiện được mấy cọng râu tôm ló ra ngoài rạn đá. Do tôm hùm có đặc tính bám vào các rạn đá nên trong quá trình lặn, ngư dân phải “áp sát” nên dễ bị sóng hất, đẩy va, trượt ngã vào đá ngầm gây chấn thương hay bị hào cắt làm chảy máu da thịt...

Anh Nguyễn Tấn Hải, một người thu mua tôm giống cho biết, hiện nay nghề nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục phát triển mạnh. Nghề nuôi tôm hùm lồng hoàn toàn phụ thuộc vào việc khai thác tôm hùm con ngoài tự nhiên, trong khi đó nguồn tôm giống tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, số còn lại trông chờ nguồn giống từ các địa phương khác. Mỗi ngày anh đều tìm đến các địa điểm bắt tôm hùm giống ở Tuy Phong để thu mua đưa về cung cấp cho các cơ sở nuôi tại Phú Yên, Khánh Hòa...

“Mỏ” tôm hùm giống La Gàn được xem là “lộc biển” của làng biển. Những người mưu sinh bằng nghề lặn biển đều hiểu được sự vất vả, gian truân, nhưng có được tiền triệu sau một ngày làm việc là niềm vui, cuộc sống gia đình bớt đi phần chật vật, khốn khó.

MINH CHIẾN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang