Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 14/05/2018
Ngày cập nhật:
15/5/2018
Như Báo Đắk Nông đã phản ánh, trong những ngày vừa qua, cá lồng, bè của người dân xã Buôn Choáh (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được nuôi trên sông Krông Nô bị chết với số lượng lớn. Qua tìm hiểu được biết, ngoài môi trường bị tác động, nguyên nhân cá chết hàng loạt còn do ý thức, kỹ thuật nuôi của chính các hộ dân.
Sau hơn một tuần xuất hiện hiện tượng cá chết, thời tiết trên địa bàn xã Buôn Choáh đã mát dịu, nước trên sông cũng đã trong hơn, nhưng cá tại các lồng nuôi vẫn tiếp tục bị chết trắng trước nỗ lực cứu vãn của các chủ lồng bè.
Cá chết được người dân cho vào lồng để cá trê ăn, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Văn Tâm
Chúng tôi đi dọc theo bờ sông Krông Nô, vào buổi sáng sớm, cá chết được người dân vớt ra khỏi lồng nuôi, thả trôi trắng dòng sông. Tại một số điểm, một số lượng lớn cá diêu hồng bị chết được người nuôi cho vào lồng nuôi cá trê cho cá trê ăn, làm cho mùi hôi tanh bốc nồng nặc cả một đoạn sông.
Tại lồng nuôi cá thịt và cá giống của ông Phạm Ngọc Hòa, ở thôn Bình Giang, với hệ thống 4 lồng nuôi được neo đậu ở gần cuối đoạn sông của xã. Những ngày qua, ông Hòa phải vớt toàn bộ cá giống lên các ao xây trên bờ để nuôi nhằm tránh thiệt hại. Ông Hòa cho biết: “Mấy hôm trước, tôi phát hiện một lượng cá chết lớn nổi trên mặt sông. Dù biết là vào thời điểm này mọi năm, cá vẫn chết, nhưng không ngờ năm nay các lồng bè ở đầu nguồn chết nhiều như thế”. Trước hiện tượng cá chết như vậy, ông Hòa đã tiến hành bơm ô xy vào các lồng cá nên lượng cá của gia đình ông thiệt hại không nhiều.
Còn bè cá của ông Nguyễn Tý, một hộ nuôi cá lồng lâu năm ở Buôn Choáh cũng xảy ra hiện tượng cá chết. Với 20 lồng cá, trong đó 9 lồng cá 6 tháng tuổi, còn lại là cá 4 tháng tuổi. Ngày nào ông Tý cũng vớt vài tạ các chết đem đi tiêu hủy.
Ông Tý chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, vào đầu mùa mưa, cá chết do nguồn nước bị thay đổi đột ngột. Hơn nữa, nguồn nước trên sông bị biến đổi khá nghiêm trọng do các tàu cát đi lại, bơm hút cát suốt ngày đêm làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi tại các lồng bè”. Cũng theo ông Tý, năm nay, hiện tượng cá chết xuất hiện trên sông ngay từ đầu mùa. Những hộ nuôi ở phía thượng nguồn cá chết nhiều hơn.
Lồng cá của ông Trần Văn Thủy trở nên đìu hiu vì cá chết quá nhiều. Ảnh: Y Krắk
Qua công tác kiểm tra tình hình cá bị chết tại các lồng nuôi của ngành Thú y tỉnh và huyện Krông Nô cho thấy, tại các lồng cá đều nuôi với mật độ quá dày, cá nuôi nhiều kích cỡ, sau mỗi lứa nuôi người dân không xử lý lồng bè. Do đó, khi gặp môi trường nước không thuận lợi thì sẽ gây thiệt hại cho các lồng nuôi.
Đơn cử, tại bè nuôi của ông Phạm Văn Thành ở thôn Ninh Giang, nguồn cá giống được lấy từ miền Tây về không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong khi đó, khi cá chết, ông Thành không xử lý đúng phương pháp mà chỉ dùng vitamin C và men tiêu hóa. Mỗi ngày lượng cá chết khoảng 200 kg, không được vớt lên bờ chôn hủy mà chủ yếu vớt sang lồng nuôi cá trê cho ăn hoặc thả xuống sông. Trong khi đó, cá trê được nuôi sát với lồng cá khác. Không những thế, có không ít hộ đã lỡ mua cá giống về, dù tình trạng cá tại các lồng nuôi chết nhiều nhưng không biết nuôi ở đâu nên đành thả xuống lồng bè. Do vậy, mức độ gặp rủi ro của các hộ này là rất cao.
Theo ông Nguyễn Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh thì toàn xã có 13 hộ nuôi cá lồng trên sông Krông Nô, với khoảng 100 lồng, chủ yếu là cá diêu hồng. Trước tình trạng cá chết hàng loạt, địa phương đã báo cáo ngành chức năng để có hướng hỗ trợ về chuyên môn, đồng thời vận động bà con chủ động thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường các lồng bè nuôi cá, xử lý cá chết, tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Trước những thiệt hại về kinh tế, người nuôi cá lồng ở xã Buôn Choáh mong muốn các cơ quan chuyên môn có biện pháp hỗ trợ để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất để chủ động phòng trừ, đồng thời giúp bà con xây dựng quy trình nuôi một cách phù hợp với điều kiện nguồn nước, thời tiết, chủng loại cá tại vùng nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng này.
Văn Tâm – Y Krắk
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.