Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 21/05/2018
Ngày cập nhật:
23/5/2018
Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TP. Biên Hòa phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo giá trị gia tăng cao.
Hợp tác xã cá rô đồng Vĩnh Hưng (xã Tân Hạnh, TP. Biên Hòa) chuyển đổi sang sản xuất con giống cá chép giòn.
Thực tế, nông dân Biên Hòa cũng đang chuyển đổi dần sang sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị.
* Làm đặc sản du lịch
Làng nuôi cá bè xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa) sau nhiều đợt lao đao vì giá nhiều loại cá như: chép, lăng, diêu hồng... giảm mạnh, Hợp tác xã thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè (xã Hiệp Hòa) được thành lập và ngày càng thu hút nhiều xã viên tham gia vì ngoài liên kết nông dân trong sản xuất, hợp tác xã còn tập trung phát triển thêm dịch vụ du lịch sinh thái. Hiện hợp tác xã đã đầu tư khu nhà hàng nổi trên sông ngay khu vực làng bè, nhiều xã viên cũng chuyển đổi sang nuôi các loại cá đặc sản tạo sản phẩm du lịch cho làng nuôi cá bè.
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè, chia sẻ: “Hiện chúng tôi có nhiều loại cá đặc sản mới phục vụ thực khách do các bè cá của xã viên hợp tác xã nuôi như: chép giòn, quế, hô, trắm đen... Chúng tôi sẽ đưa vào khai thác tour đường sông mà vùng nuôi cá bè chính là điểm đến hấp dẫn khách đến tham quan quy trình nuôi cá sạch trên sông, thưởng thức các loại cá đặc sản chế biến tại chỗ cũng như mua về làm quà biếu”.
Từ nuôi các loại cá nước ngọt thông thường, vài năm trở lại đây ông Tống Văn Sỹ, nông dân tại làng cá bè xã Hiệp Hòa, đã chuyển đổi sang nuôi các loại cá đặc sản như: hô, trắm đen nổi tiếng của làng Vũ Đại (tỉnh Hà Nam)... Ông Sỹ cho biết: “Các loại cá đặc sản trên cần thời gian nuôi lâu, vốn đầu tư con giống ban đầu lớn nhưng cá sinh trưởng rất khỏe, ít hao hụt hay bị dịch bệnh. Cá lại có giá bán cao, chi phí đầu tư thức ăn thấp nên cho lợi nhuận rất tốt”.
* Tăng giá trị sản xuất
Hợp tác xã cá rô đồng Vĩnh Hưng (xã Tân Hạnh) có truyền thống chuyên canh 2 loại cá lóc và cá rô. Gần 1 năm qua, hơn 10 thành viên của hợp tác xã và tổ hợp tác chuyển sang mô hình sản xuất con giống cá chép giòn sau nhiều đợt thua lỗ vì các loại cá nước ngọt rớt giá.
Nhiều loại cá đặc sản được nuôi phục vụ du khách tại Khu du lịch sinh thái Làng Bè.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã cá rô đồng Vĩnh Hưng, cho biết: “Chúng tôi đã mạnh dạn nhập con giống chép giòn bố mẹ từ Nga về (giống cá này còn gọi là cá chép Nga ba màu) cho nhân giống và đã cung cấp hàng chục triệu con giống cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mô hình sản xuất con giống cá chép giòn cho lợi nhuận cao hơn hẳn so với nuôi cá lóc, cá rô vốn là thế mạnh của hợp tác xã trước đây”.
Nhiều nông dân ở Biên Hòa còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa, trồng rau để tăng giá trị sản xuất cho từng tấc đất. Trong đó, trồng rau mầm là một trong những mô hình cho lợi nhuận tốt. Bà Hồ Thị Xuân Thi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên trồng rau sạch Xuân Anh (phường An Bình), kể: “Từ trồng rau sạch cho gia đình ăn, tôi lập cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm rau chủ yếu cung cấp cho một số quán ăn, nhà hàng tại TP.Biên Hòa. Tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng chủng loại rau để cung cấp vào hệ thống siêu thị và ra cả chợ đầu mối. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất thêm dòng sản phẩm giá sạch vì nhận thấy nhu cầu về sản phẩm rau, giá sạch rất giàu tiềm năng”.
Ông Huỳnh Phi Hổ, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Biên Hòa, cho biết: “TP. Biên Hòa đang lập các dự án xây dựng các vùng sản xuất rau truyền thống Tân Mai, Trảng Dài, Tân Phong, Hố Nai sang các vùng chuyên canh rau sạch. Trong đó, khuyến khích nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng rau mầm, trồng rau trong nhà kính... Ngoài ra, chúng tôi còn đang triển khai dự án trồng cây dược liệu trong chậu hoặc tận dụng đất vườn vì chỉ với diện tích đất nhỏ nhưng vẫn cho lợi nhuận cao”.
Bình Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.