Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 25/05/2018
Ngày cập nhật:
28/5/2018
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Nuôi tôm an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao và bền vững” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ 5 tỉnh khu vực phía Bắc.
Tôm nước lợ chiếm vị trí quan trọng
Ở miền Bắc những năm gần đây phát triển mạnh hình thức nuôi tôm nước lợ vụ đông. Tỷ lệ nuôi tôm vụ đông ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế chiếm 5,8% (trong đó tôm sú và tôm chân trắng nuôi vụ đông ở khu vực này chiếm tương ứng 5,5% và 6,5% tổng diện tích thả nuôi của khu vực) cao gấp 3,8 lần so với tỷ lệ diện tích nuôi tôm vụ 3 của cả nước.
Ban chủ tọa cùng ban cố vấn tại diễn đàn
Tại Thái Bình, đến năm 2017 có 130ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo công nghệ mới, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã đầu tư kết cấu hạ tầng, KHCN mới nuôi tôm đạt chất lượng và giá trị cao, năng suất trung bình từ 12 - 15 tấn/ha/vụ, nuôi 3 - 4 vụ/năm; 216ha nuôi bán thâm canh, năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha/vụ, nuôi 2 vụ/năm; còn lại là diện tích nuôi tôm sú theo phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến, 1 vụ/năm, năng suất trung bình 200 - 300kg/ha.
Đến năm 2025, tỉnh Thái Bình phấn đấu đạt 2.688ha nuôi tôm, trong đó 762ha nuôi tôm công nghệ cao, sản lượng trên 14.694 tấn, giá trị (giá trị cố định 2010) là hơn 1.146 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng về sản lượng trung bình/năm (giai đoạn 2020 - 2015) là 4,11%.
Một số khuyến cáo
Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, người dân ở một số nơi vẫn còn sử dụng kháng sinh hóa chất để nuôi tôm, sử dụng một cách lạm dụng, tùy tiện nên không đảm bảo an toàn thực phẩm khi xuất bán.
“Từ đầu năm đến nay đã có nhiều doanh nghiệp phải mang tôm về khi đem đi xuất khẩu, điều đó không chỉ thiệt cho họ mà còn ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm. Vì vậy, nuôi tôm an toàn thực phẩm rất quan trọng, trước hết phục vụ sức khỏe cho chính người sử dụng, thứ hai là phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu”, ông Tiêu cho biết thêm.
Cũng theo ông Tiêu, để hạn chế rủi ro trong nuôi tôm, người chăn nuôi phải thực hiện tốt một số khuyến cáo như lựa chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng. Tạo được thức ăn tự nhiên trước khi thả trong quá trình nuôi. Phải thiết kế ao đồng bộ. Duy trì được hệ sinh vật có lợi. Tăng sức đề kháng cho tôm bằng vitamin C, tỏi tươi và một số thảo dược khác. Cuối cùng là quản lý thức ăn, môi trường nuôi tốt.
Bên cạnh đó, người nuôi tôm phải thực hiện tốt nghiêm ngặt quy định "5 không”: Không để nước quá lâu, không để quá sâu, không để đứng yên, không lấy trực tiếp và không xả thải nước ra môi trường.
Ngoài ra, thực hiện tốt công thức 5 cao + 3 thấp: 5 cao (tốc độ sinh trường cao, tỷ lệ sống cao, năng suất cao, hiệu quả cao và số vụ thành công cao), 3 thấp (chi phí thức ăn thấp, giá thành thấp, thiệt hại thấp nhất).
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc trực tiếp mổ tôm và kiểm tra bệnh
Đặc biệt, trong chăn nuôi tôm, người nuôi tôm nên sử dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo môi trường và trong thức ăn…
Chia sẻ về kinh nghiêm chăn nuôi tôm, ông Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Cty TNHH Phương Nam (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của tôm, kiểm ra các yếu tố môi trường, phát hiện kịp thời các bất thường để có hướng điều chỉnh hợp lý.
Đánh giá tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi và khả năng sử dụng thức ăn để có những điều chỉnh hợp lý tránh tình trạng dư thừa thức ăn ao ương, bổ xung các chế phẩm sinh học xử lý môi trường để đảm bảo môi trường ao ương trong sạch...
Giải đáp những câu hỏi
Tại diễn đàn, ban chủ tọa cùng ban cố vấn đã trả lời hơn 30 câu hỏi của người dân. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn, cách sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, cách sử dụng tỏi để phòng bệnh, tôm bị lột vỏ, con giống, môi trường và an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Hữu Duẩn (Thái Thụy, Thái Bình) có hỏi: “Bệnh đốm trắng lây lan như thế nào. Những dấu hiệu cơ bản của bệnh đốm trắng?”.
“Tác nhân gây ra bệnh đốm trắng chính là do vi rút và vi khuẩn. Nhưng chủ yếu là do vi rút gây ra, nó có tác hại gây tôm chết hàng loạt. Nếu chúng ta không quản lý tốt thì bệnh ở con tôm bố mẹ sẽ lây lan sang con tôm giống rất nhanh. Để nhận biết khi con tôm bị bệnh đốm trắng thì gia đình nên quan sát ao nuôi thường xuyên. Nếu thấy tôm có biểu hiện ít ăn, thậm chí là bỏ ăn, phải xử lý bệnh luôn và khoanh vùng dịch bệnh tránh lây lan”, chuyên gia tư vấn.
“Ao ương tôm trong quá trình chăn nuôi chuyển sang màu nước xanh biếc, có ảnh hưởng đến tôm không. Biện pháp xử lý ra sao?”, anh Nguyễn Hữu Huy (Quảng Ninh) hỏi.
Đoàn đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm của Cty TNHH Phương Nam
Ban cố vấn trả lời: “Nước chuyển màu có thể là trong quá trình cho ăn, gia đình cho tôm ăn quá nhiều, thức ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước rồi sinh ra các tảo, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi tôm. Biện pháp xử lý là gia đình thường xuyên thay nước để hạn chế tảo, tăng cường sục khí trong ao nuôi, giảm thức ăn cho tôm”...
MAI CHIẾN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.