Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 4/6/2018
Ngày cập nhật:
7/6/2018
Với bờ biển dài, các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nuôi trồng các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trong đó nghề nuôi ngao đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều người dân vùng ven biển.
Người dân xã Hải Lộc (Hậu Lộc) thu hoạch ngao thương phẩm.
Huyện Hậu Lộc có 12,4 km bờ biển, 2 cửa lạch sông, 1 đảo đã tạo thành các vùng triều để phát triển nuôi các loài nhuyễn thể, như: Ngao, sò huyết, vẹm xanh, hàu... Phát huy lợi thế vùng triều, các xã ven biển của huyện đã đầu tư cải tạo 703 ha diện tích thích hợp để nuôi ngao, sản lượng đạt từ 10.000 tấn đến 15.000 tấn/năm (chủ yếu là ngao Bến Tre chiếm tới 90% sản lượng nuôi vùng triều của huyện). Toàn huyện có 500 hộ nuôi ngao thương phẩm, với mức thu nhập bình quân 100-150 triệu đồng/hộ/năm. Mặc dù còn gặp rủi ro trong quá trình nuôi, khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, giá cả chưa ổn định... nhưng ngao vẫn được huyện Hậu Lộc xác định là đối tượng nuôi chủ lực và là nghề thế mạnh của địa phương. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngao cho lợi nhuận cao, như: Ông Nguyễn Văn Lực, xã Hải Lộc, nuôi 5 ha, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm; ông Bùi Văn Thực, xã Đa Lộc, đầu tư nuôi 13 ha ngao, cho lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm... Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Mặc dù nghề nuôi ngao cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng đầu tư khá lớn (bình quân đầu tư 150 - 200 triệu đồng/ha), trong khi quá trình nuôi cũng khó tránh những rủi ro, như: Chất lượng giống, quy trình chăm sóc, nhất là ô nhiễm môi trường nước. Nhiều hộ nuôi vẫn mang tính chủ quan, mật độ nuôi dày nên ngao chậm lớn và hay dịch bệnh... Sản phẩm ngao thương thẩm sau khi thu hoạch chủ yếu bán ở các chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa hoặc nhập cho thương lái xuất qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Để nghề nuôi ngao hiệu quả bền vững, hướng tới xây dựng thương hiệu “ngao Hậu Lộc”, huyện Hậu Lộc đang triển khai thực hiện vùng ương ngao giống tập trung. Khuyến khích các hộ nuôi ngao thương phẩm hợp tác, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Phương án số 07/PA-UBND ngày 30-6-2016 của UBND huyện Hậu Lộc về Quản lý và khai thác vùng đất bãi bồi ven biển, giai đoạn 2016-2020.
Nhằm phát triển nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình “Nuôi hàu Thái Bình Dương thương phẩm” tại vùng cửa sông xã Hải Bình (Tĩnh Gia). Nhận thấy nuôi hàu Thái Bình Dương phù hợp với môi trường, năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện Tĩnh Gia đã nhân rộng và có 20 hộ đầu tư lồng, bè nuôi hàu Thái Bình Dương, với khoảng 10 vạn giá bám, tập trung ở vịnh Nghi Sơn, đầm phá xã Hải Thượng, sông Lạch Bạng, Hòn Mê... Hàu Thái Bình Dương thương phẩm đang có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân tăng thu nhập.
Hiện toàn tỉnh đã phát triển được 1.500 ha nuôi ngao tại các vùng bãi triều, tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Quảng Xương. Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất ngao thương phẩm, nên năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 106 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, hiện tỉnh ta chưa có vùng ương ngao giống và xây dựng vùng được kiểm soát về môi trường an toàn để nâng cao chất lượng ngao thương phẩm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Với diện tích và sản lượng ngao thương phẩm trên địa bàn tỉnh lớn, nhưng chỉ đáp ứng được 10% sản lượng xuất khẩu đi các nước châu Á và châu Mỹ. Để tạo ra vùng nguyên liệu an toàn và hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ngao, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc định hướng, giám sát, thực hiện nghiêm về xả thải ra vùng ven biển; sớm triển khai thực hiện Chương trình giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh năm 2018. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tích cực duy trì lấy mẫu kiểm soát vùng nuôi sớm đưa vùng nuôi ngao ở các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa... vào vùng nuôi an toàn, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền công tác quản lý giống, quản lý vùng nuôi, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm xả thải ra môi trường biển, thường xuyên quan trắc môi trường để cảnh báo kịp thời cho người nuôi. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học cho sản xuất ngao giống và nuôi thương phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, khuyến cáo, thông tin kịp thời về tình hình nuôi, kỹ thuật nuôi mới cho người dân. Đặt ra các tiêu chí kỹ thuật phù hợp đối với những bãi nuôi, vùng nuôi, mật độ thả giống bảo đảm để các loài nhuyễn thể sinh trưởng phát triển. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy, hải sản tại các địa phương, nâng cao giá trị ngao thương phẩm, xây dựng thị trường bền vững...
Bài và ảnh: Hải Đăng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.