Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 05/06/2018
Ngày cập nhật:
7/6/2018
Ngay từ đầu tháng 4, nông dân sản xuất thủy sản vùng nước ngọt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tiến hành cải tạo, chuẩn bị ao đầm và thả giống. Diện tích thả nuôi toàn tỉnh vào khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5 đến nay, thời tiết ban ngày nắng nóng, ban đêm có mưa, tạo ra sự chênh lệch lớn về nhiệt độ trong môi trường ao nuôi, làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của các đối tượng nuôi.
Kiểm tra, cho cá ăn tại ao nuôi nhà anh Đinh Văn Sỹ, thôn Phương Hưng, xã Gia Phương (Gia Viễn).
Xã Gia Phương - vùng nuôi thủy sản trọng điểm của huyện Gia Viễn, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là trên 70 ha. Trong đó, có nhiều hộ nuôi bằng ao nổi, thâm canh, quy mô lớn. Vào thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng, tháng 5, tháng 6 chính là lúc nông dân nơi đây phải ăn, ngủ cùng với con cá để có biện pháp, giải pháp đảm bảo cho chúng sinh trưởng phát triển bình thường.
Gia đình anh Đinh Văn Sỹ, thôn Phương Hưng, có tất cả 5 ao cá với tổng diện tích 12.000m2, nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, trắm đen… Anh cho biết: Ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống, gia đình tập trung nạo vét bùn, phơi đáy và vệ sinh đầm bằng cách thả vôi bột.
Từ khi thả giống đến nay, mỗi tháng anh rắc vôi bột 3 lần và sử dụng thêm một số loại chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nuôi. Vào những đợt nắng nóng, anh thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường nước, đo pH; bổ sung nước, nâng mực nước trong ao; đồng thời sử dụng quạt nước, sục khí để tăng hàm lượng ô xy.
Theo anh, những ngày thời tiết biến động, người nuôi, đặc biệt là những người nuôi thâm canh với mật độ cao như anh hết sức vất vả, theo dõi từng biến động nhỏ, từng biểu hiện bất thường của con cá để có những biện pháp xử lý kịp thời, chỉ lơ là một chút là cá có thể chết nổi đầy ao.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, thôn Văn Bòng, xã Gia Phương cho biết thêm: Động vật thuỷ sản là loại biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ môi trường nước. Nên khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể con nuôi thủy sản chưa kịp thích nghi rất dễ bị stress và phát sinh bệnh.
Trong điều kiện nắng nóng liên tục như hiện nay, trước khi cho cá ăn, người nuôi phải kiểm tra độ pH và nhiệt độ dưới ao, nếu nhiệt độ nóng quá thì chờ trời mát mới cho ăn và cho ăn thành nhiều bữa trong ngày. Khi nhiệt độ trên 35 độ C nên giảm 50% lượng thức ăn xuống. Đây là biện pháp giảm chất thải hữu cơ trong ao, hạn chế các bệnh phát triển.
Được biết, bên cạnh việc chủ động phòng, chống nắng nóng trong ao nuôi của gia đình, các hộ nuôi trồng thủy sản của Gia Phương còn phát huy tinh thần cộng đồng, cùng nhau tổ chức triển khai tốt các biện pháp phòng dịch, không để mầm bệnh phát tán ra môi trường.
Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Ninh Bình hiện có khoảng 9.000 ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô. Trong đó diện tích nuôi lúa - cá là khoảng 4.000 ha, diện tích ao, hồ, mặt nước lớn là 5.000 ha. Sản lượng nuôi ước đạt 23.600 tấn/năm.
Nhìn chung, những năm qua, thủy sản đóng góp một phần lớn vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng như góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là thiên tai, biến đổi khí hậu.
Kỹ sư Đặng Thị Thu Trang, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo: Năm nay, thời tiết được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những đợt nắng nóng kéo dài kèm theo đó là những cơn mưa với lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.
Do đó, các hộ nuôi thủy sản cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn, chủ động hơn trong việc ứng phó, có những giải pháp phòng tránh thiệt hại cho tôm, cá, nâng cao giá trị của hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng hiện nay, bà con nên lưu ý, điều chỉnh lượng thức ăn trong ngày cho phù hợp, nếu nhiệt độ trên 30 độ C cần giảm 40 -50% khẩu phần ăn. Tuyệt đối tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nước.
Cần bổ sung khoáng, vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm, cá. Duy trì mực nước 1,5m – 2m, thả bèo tây 1/3 diện tích mặt ao để giảm nắng. Vận hành hệ thống quạt nước, sục khí hoặc máy bơm tránh phân tầng nước. Định kỳ sử dụng vôi bột và chế phẩm sinh học quản lý môi trường nước ao nuôi.
Đối với ruộng nuôi, chỗ trũng nuôi phải có độ sâu từ 1,5-2m, bờ ruộng phải được nén chặt, tránh rò rỉ thẩm lậu gây thất thoát nước, chủ động được nguồn nước cấp để có thể dâng mực nước lên mức cần thiết.
Đối với các bể nuôi thủy sản, cần có mái che, ngăn chặn bức xạ nhiệt hoặc nước mưa xuống bể. Làm mát bằng cách phủ rơm rạ, vỏ trấu đóng bao lên mái hoặc có thể trồng các loại cây dây leo phủ kín mái; chủ động nguồn nước cấp, có thể bơm nước ra vào liên tục tại thời điểm nóng nhất trong ngày (10h đến 16h).
Đại diện Chi cục Thủy sản cũng cho biết: Thời gian tới, Chi cục yêu cầu các cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, nắm bắt tiến độ sản xuất thủy sản, phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thành phố; UBND các xã vùng nội đồng chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn cho nông dân quy trình, kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống nắng nóng cho thủy sản. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ người sản xuất.
Bài, ảnh: Hà Phương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.