• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sắp xếp lại các cơ sở nuôi cá lồng bè: Việc không thể chậm trễ

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 15/06/2018
Ngày cập nhật: 18/6/2018

Tình trạng phát triển ồ ạt bè nuôi cá ở khu vực sông Chà Và, TP.Vũng Tàu vượt quy hoạch cả về số lồng lẫn diện tích mặt nước, dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có việc gây ô nhiễm môi trường cục bộ, cá chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở NN-PTNT phối hợp UBND TP.Vũng Tàu và các địa phương đang tiến hành sắp xếp lại các cơ sở nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh để phát triển bền vững.

KHỐNG CHẾ SỐ LỒNG BÈ

Thay lưới lồng nuôi để bảo đảm độ thông thoáng của các lồng nuôi cá trên bè nuôi của ông Nguyễn Công Biên, tiểu khu số 3, khu quy hoạch nuôi lồng bè, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 6.500 lồng nuôi thủy sản tại 3 khu vực, gồm: sông Chà Và, sông Mỏ Nhát và sông Rạch Tranh. Trong đó, hơn 2.600 lồng nuôi nằm ngoài quy hoạch và lấn chiếm luồng lạch hàng hải. Đặc biệt, mật độ lồng nuôi dày đặc tại khu vực sông Chà Và đã cản trở dòng chảy, nước không lưu thông tốt, dẫn tới việc ô nhiễm môi trường cục bộ, thường xuyên gây nên tình trạng thủy sản chết bất thường. Mặt khác, hầu hết các cơ sở nuôi lồng bè đều chưa có giấy phép gây khó khăn cho công tác quản lý.

Đồng chí Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc sắp xếp, lập lại trật tự quản lý đối với việc nuôi cá lồng bè là cần thiết. Vì có quản lý được thì việc nuôi trồng mới đạt hiệu quả cao, bảo đảm phát triển bền vững. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2018, các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trong khu quy hoạch trên sông Chà Và phải cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi, sắp xếp bè nuôi ổn định, trật tự, tạo khoảng cách phù hợp giữa các bè, bảo đảm an toàn về luồng lạch và mỹ quan toàn khu vực. Cụ thể, các bè nuôi thủy sản lấn luồng, nuôi không đúng quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè sẽ phải đưa ra khỏi khu quy hoạch. Nếu số lượng lồng nuôi vẫn còn trên 50% thì tiếp tục cắt giảm số lượng lồng nuôi tại các bè không lấn luồng. Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi hàu tại các tiểu khu 1, 2, 6, 7, 8 trong khu quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và cũng phải cắt giảm mật độ. Số lượng lồng tại mỗi bè sau khi cắt giảm còn tối đa là 10 lồng nuôi, tương đương khoảng 400m2; riêng những bè cá có quy mô nhỏ từ 1-4 lồng, phát sinh sau đợt khảo sát của Sở NN-PTNT và các địa phương vào tháng 11-2015 sẽ phải cắt bỏ toàn bộ.

Các cơ sở nuôi thủy sản ngoài khu quy hoạch, các cơ sở nuôi phải tự di dời về địa điểm nuôi mới theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, việc bố trí, sắp xếp bè nuôi phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa các bè theo hướng dẫn. Những cơ sở dịch chuyển sớm sẽ được ưu tiên bố trí, sắp xếp trước. 2 địa điểm bố trí nuôi tập trung theo quy định gồm: Khu nuôi trồng thủy sản lồng bè phía bên trái luồng sông Mỏ Nhát (đoạn từ ngã ba Vàm Ông Bền đến ngã ba Cùi Mít - Sa Câu, thuộc địa phận TX.Phú Mỹ) và khu nuôi trồng thủy sản lồng bè phía bên trái luồng sông Dinh (đoạn từ cầu Gò Găng đến cầu Cỏ May, thuộc địa phận TP.Bà Rịa). Chủ cơ sở nào không thực hiện di dời, sắp xếp theo hướng dẫn thì không được cấp giấy phép và buộc phải cưỡng chế tháo dỡ.

CẤP BIỂN SỐ QUẢN LÝ

Bè cá của ông Nguyễn Văn Minh (phải), thôn 6, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đã được cấp biển số đăng ký tạm.

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh cho biết, cùng với việc sắp xếp, di dời các lồng bè, thời gian qua ngành thủy sản tỉnh cũng tiến hành việc cấp biển số đăng ký tạm cho các lồng nuôi trong khu vực quy hoạch để dễ quản lý. Việc cấp biển số tạm được áp dụng với các bè nuôi phù hợp các tiêu chí như: không lấn chiếm hành lang đường thủy nội địa, hành lang cầu và các tiêu chí khác theo quy định (khoảng cách, số lượng bè, mật độ nuôi…). Tính đến hết tháng 5-2018, Chi cục thủy sản tỉnh đã cấp biển số đăng ký tạm cho 123/158 cơ sở, cá nhân trong vùng quy hoạch nuôi trên sông Chà Và.

Các cơ sở còn lại chưa được cấp biển số đăng ký tạm do chưa bảo đảm được khoảng cách giữa các bè hoặc còn vi phạm luồng giao thông đường thủy. Chi cục thủy sản tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi sắp xếp di dời theo đúng quy định và sẽ cấp biển số đăng ký tạm sau khi đáp ứng các tiêu chí nêu trên. Ông Lê Tòng Văn cho biết thêm, sau khi hoàn tất việc cấp biển số đăng ký tạm cho các cơ sở trong khu quy hoạch, ngành thủy sản tỉnh sẽ có văn bản thông báo chuyển giao danh sách các hộ nuôi lồng bè đã được cấp số về cho các địa phương quản lý, trong đó có việc giao mặt nước cho các tổ chức, cá nhân để họ yên tâm nuôi trồng thủy sản.

Cơ quan chức năng kiểm tra các lồng bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và. Ảnh: QUANG VŨ

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn 6, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) cho biết, gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè gần 30 năm. Ông rất ủng hộ chủ trương di dời, cấp biển số tạm cho các hộ, cơ sở nuôi trên khu vực sông Chà Và. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình ông được cấp phép, bàn giao mặt nước để yên tâm sản xuất, có kế hoạch đầu tư nuôi lâu dài, phù hợp với quy hoạch của ngành thủy sản tỉnh để phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản cũng cho biết, tới đây sẽ tham gia thành lập tổ tự quản, hỗ trợ nhau về con giống, kỹ thuật nuôi trồng, cũng như biện pháp bảo vệ môi trường nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm lâu dài, ổn định.

Đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh): Trên cơ sở quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản lồng bè của tỉnh, các địa phương cần phối hợp thực hiện sắp xếp lại vị trí các lồng bè tại các khu vực sao cho hợp lý. Việc sắp xếp, bố trí lại vị trí nuôi trồng phải dựa trên nguyên tắc ưu tiên các cơ sở hoạt động trước rồi mới đến các cơ sở hoạt động sau. Sở NN-PTNT hướng dẫn các địa phương thủ tục cấp phép, giao mặt nước cho các cơ sở sau khi thực hiện sắp xếp để người dân yên tâm đầu tư nuôi trồng, hướng tới phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Nhiều, người nuôi cá tại tiểu khu 2, sông Chà Và: Những năm qua, việc nuôi cá lồng bè trên sông gặp nhiều khó khăn do tình trạng phát triển ồ ạt lồng bè trong khu vực, môi trường nước bị ô nhiễm khiến cá chết liên tục. Khoảng 4 năm trở lại đây, vụ nuôi nào gia đình tôi cũng thua lỗ. Trước đây tôi nuôi cá bớp, mỗi năm thu lãi 300-400 triệu đồng, nhưng hiện nay loài cá này không thể sống được khi nuôi trên sông Chà Và vì thiếu oxy và dễ nhiễm bệnh. Tôi đã chuyển sang nuôi cá chim, cá chẽm, cá mú… nhưng hiệu quả thấp. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương sắp xếp lại việc nuôi thủy sản lồng bè nhằm bảo vệ môi trường nuôi trong khu vực, qua đó cải thiện hiệu quả nuôi trồng.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang