Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 19/06/2018
Ngày cập nhật:
21/6/2018
Là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL, tuy nhiên con cá tra đang phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại thị trường nhập khẩu. Điều này đòi hỏi người nuôi phải ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong nuôi trồng, quản lý để nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Các đại biểu tìm hiểu, trải nghiệm công cụ E-MAP trong tìm kiếm thông tin và xác định chính xác vị trí vùng nuôi cá tra. Ảnh: MỸ THANH
Tại Hội thảo “Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra qua ứng dụng công cụ E-MAP và IoT” do Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPHA) phối hợp với Quỹ Bảo vệ thiên nhiên toàn cầu tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINAPHA, cho biết: Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 4,3% so với năm 2016, đạt 1,79 tỉ USD. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch từ Mỹ, EU sang Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, diện tích nuôi mới tăng 25% (1.663 ha), sản lượng tăng 29% (523.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, năng suất trung bình không tăng tương xứng và chỉ tăng khoảng 1% (đạt 311 tấn/ha). Điều này cho thấy, ĐBSCL cần đổi mới phương pháp nuôi trồng để nâng cao năng suất; cải tiến cách thức quản lý nhằm hướng đến đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc từ nhà nhập khẩu.
Xuất phát từ thực tế này, nhiều công nghệ hiện đại đã và đang áp dụng trong nuôi cá tra được giới thiệu tại Hội thảo. Đơn cử như: công cụ Bản đồ vùng nuôi cá tra (E-MAP); sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things) kiểm soát tự động môi trường nước ao nuôi cá tra thâm canh. Trong đó, với công cụ E-MAP, hiện Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã cập nhật 300 vùng nuôi cá tra thuộc 6 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang), với tổng số 1.805 ao nuôi cá tra, diện tích 1.800ha. “Sử dụng công cụ E-MAP, người nuôi, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thông tin và xác định chính xác vị trí vùng nuôi trên hệ thống như: diện tích, sản lượng, tình trạng chứng nhận, dự báo sản lượng thu hoạch…” - ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký VINAPHA thông tin.
Bên cạnh đó, ứng dụng IoT vào quản lý chất lượng nguồn nước ao nuôi cũng được đánh giá là giải pháp có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tiễn nuôi cá tra tại ĐBSCL. Ông Nguyễn Phú Cường, Đại diện Công ty AGTECH, cho biết: “Tình trạng phổ biến hiện nay là các hộ nuôi không quan tâm đến chất lượng nước, chỉ cần nguồn nước dồi dào, thay nước hằng ngày. Tuy nhiên, không có dữ liệu chi tiết về diễn biến chất lượng nước trong suốt vụ nuôi dẫn đến những thiếu sót trong việc phân tích cải tiến quy trình, công nghệ nuôi. Đơn cử như: khi thấy cá có triệu chứng bệnh, ăn kém hoặc tăng trưởng chậm là cá đã chịu đựng sự thay đổi hoặc không phù hợp về chất lượng nước trong thời gian dài. Và lúc này, người nuôi không có đầy đủ dữ liệu trong quá khứ để xác định đúng nguyên nhân. Vì từ khi cá có triệu chứng bệnh, người nuôi xử lý nước, thay nước làm chất lượng nước ban đầu đã thay đổi”. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ IoT kiểm soát tự động môi trường nước ao nuôi thông qua điện thoại thông minh sẽ giúp người nuôi giám sát ao nuôi mọi lúc mọi nơi, quản lý tăng trưởng, mùa vụ; kiểm soát quá trình sản xuất theo VietGAP; lập dự toán và quản lý chi phí toàn mùa vụ…
Những công nghệ mới nói trên được các địa phương nuôi cá tra chủ lực tại ĐBSCL đánh giá cao. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, cán bộ WWF Việt Nam, cần tăng mức độ minh bạch thông tin E-MAP cho đối tượng khách (không phải là thành viên) khi truy cập bản đồ E-MAP để các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, đối tác có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật thông tin thay vì chỉ biết được những thông tin đơn giản (vị trí vùng nuôi, diện tích...) như hiện nay. Đồng thời, E-MAP cần được tích hợp thêm chức năng quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh... để hỗ trợ người nuôi cá tra.
Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho rằng, công cụ E-MAP cần được nâng cấp, bổ sung thêm thông tin, dữ liệu về các cơ sở sản xuất và ương cá tra giống đạt tiêu chuẩn chất lượng ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Bởi đây là nền tảng quan trọng để hướng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngay từ con giống. Ngoài ra, VINAPHA cần cập nhật tọa độ xác định vị trí cụ thể cho từng ao nuôi (hiện nay chỉ xác định được khu nuôi); cung cấp dữ liệu làm nền tảng cho việc khảo sát, đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến môi trường và hiệu quả kinh tế trong nuôi cá tra thương phẩm. Đối với công nghệ ứng dụng IoT vào quản lý chất lượng nguồn nước ao nuôi rất cần cung cấp thêm các thông tin về chi phí lắp đặt, tuổi thọ và cách vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị... cho người nuôi.
Theo các chuyên gia đầu ngành, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi cá tra là xu thế tất yếu. Ban đầu có thể gặp nhiều khó khăn và vốn đầu tư khá cao nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế tương xứng cho người nuôi, doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp khả thi để phát triển ngành sản xuất cá tra thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người.
“Ngành cá tra đang gặp khó khăn do sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật, giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cao. Do vậy, chỉ có con đường cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý thì mới có thể từng bước tháo gỡ các nút thắt nói trên và đưa nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL phát triển bền vững”- ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINAPHA, nhấn mạnh.
MỸ THANH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.